Tiêu điểm:
Phên giậu quốc gia
(Dân trí) - Lần đầu Các nhà nghiên cứu biển đảo VN trong và ngoài nước đã ngồi lại để cùng nhau thảo luận các đề tài, công trình khoa học chứng minh chủ quyền của VN trên biển Đông.
Hội thảo mở đầu tiên về “Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: Lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” diễn ra tuần qua là một sự kiện khoa học, chính trị quan trọng của quốc gia.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Điều đáng vui mừng là Hội thảo đã tập hợp những nhà nghiên cứu độc lập, những trí thức VN ở nước ngoài. Họ đã có mặt, tham gia với tất cả tâm huyết và tinh thần trách nhiệm. Hóa ra mấy chục năm qua, tuy không có sự khuyến khích, hỗ trợ nào, nhưng vẫn có nhiều người âm thầm làm việc, với mục đích bảo vệ đất nước bằng trí tuệ và cống hiến khoa học. Những chuyện trước đây có thể ít ai bàn đến, nay đã có nhiều người thực sự quan tâm. Bởi vì dù có ai đó cố tình né tránh, thì cũng phải đến lúc đối diện với trách nhiệm với cha ông và cháu con. Và thời điểm bây giờ có lẽ là hạn cuối cho mọi sự chậm trễ.
Người ta so sánh lực lượng các nhà khoa học nước ngoài với người VN nghiên cứu biển Đông và cho rằng họ mạnh vì đông hơn VN. Đối với vấn đề chủ quyền trên biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, VN tuy dân số không đông bằng một số nước đang tranh chấp, nên có thể lực lượng các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học không nhiều bằng họ, nhưng VN có đủ bằng chứng, căn cứ lịch sử và có những công trình nghiên cứu khẳng định chủ quyền. Sự thực đó là yếu tố quan trọng, mang tính khách quan khoa học buộc các quốc gia khác phải tôn trọng.
Qua hội thảo, ta thấy thêm một điều, những lúc đất nước cần thì kẻ sĩ luôn có mặt. Họ vì vận mệnh của quốc gia, ơn huệ với tiền nhân, trách nhiệm với con cháu mà sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng. Điều này cũng nhắc nhớ rằng, tất cả những ai có trách nhiệm, cũng hãy biết hy sinh lợi ích riêng vì sự tồn vong của giống nòi. Không có lợi ích nào lớn hơn lợi ích dân tộc. Để lợi ích đó bị xâm hại là một tội lớn.
Người viết bài này có dịp làm việc với Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã. Ông bỏ ra hơn ba mươi năm để theo đuổi công trình nghiên cứu chứng minh chủ quyền của VN trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - ông nói rằng: “Tôi làm việc độc lập, không có một sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước, tôi làm vì biết đất nước sẽ rất cần đến những công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Sự tiên liệu của ông không sai và việc ông làm rất hữu ích. Còn có nhiều người VN tha thiết với giống nòi, mang nặng nỗi suy tư và quyết cùng nhau giữ vùng biển đảo phên giậu phía Đông Tổ quốc.
Lê Chân Nhân