Pháp luật quy định ra sao về tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo?

Bạn đọc hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về việc tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 25 Luật Tố cáo 2018. Cụ thể như sau:

1. Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của luật này.

2. Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo quy định tại khoản 1 điều này có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Pháp luật quy định ra sao về tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo? - 1

(Ảnh minh họa: bklaw.com.vn.)

* Bạn đọc Trần Văn Sáu ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 31 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại. Cụ thể như sau:

1. Chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm áp dụng các biện pháp để thực hiện hoặc có văn bản chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Văn bản chỉ đạo nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thi hành; cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; nội dung, thời hạn phải thực hiện; việc báo cáo kết quả thực hiện với người giải quyết khiếu nại.

2. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm tự mình hoặc giao cho cơ quan, tổ chức có liên quan thi hành hoặc cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Trường hợp phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật thì áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý kịp thời, nghiêm minh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý.

Theo www.qdnd.vn