Pháp luật quy định như thế nào về tội không chấp hành án?
Bạn đọc Nguyễn Văn Dũng ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về tội không chấp hành án?
Trả lời: Điều 380 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự ngày 10-7-2017 quy định tội không chấp hành án như sau:
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
* Bạn đọc Phạm Văn Tuân ở khu phố Cao Nguyên, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, hỏi: Theo quy định của pháp luật, những trường hợp nào được từ chối tiếp công dân?
Trả lời: Điều 9, Luật Tiếp công dân quy định người tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp sau đây:
1. Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
2. Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân;
3. Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài;
4. Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.