Pháp luật quy định như thế nào về thủ tục, hồ sơ tước hoặc phục hồi danh hiệu vinh dự Nhà nước?

Bạn đọc Nguyễn Văn Tần ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về thủ tục, hồ sơ tước hoặc phục hồi danh hiệu vinh dự Nhà nước?

Pháp luật quy định như thế nào về thủ tục, hồ sơ tước hoặc phục hồi danh hiệu vinh dự Nhà nước? - 1

Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước: Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ IX năm 2019. (Ảnh: TTXVN).

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 79 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, cụ thể như sau:

1. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự Nhà nước.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định việc tước danh hiệu vinh dự Nhà nước.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch nước, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm thu hồi hiện vật khen thưởng để giao nộp cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng cùng cấp; thu hồi tiền thưởng và nộp vào ngân sách Nhà nước hoặc quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định.

4. Cá nhân bị xét xử oan, sai và đã được cơ quan có thẩm quyền minh oan, sửa sai thì được xem xét phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự Nhà nước.

5. Hồ sơ đề nghị tước, đề nghị phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự Nhà nước gồm:

a) Tờ trình của cấp có thẩm quyền;

b) Báo cáo tóm tắt, nêu rõ nội dung hoặc giải trình lý do đề nghị và ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Theo www.qdnd.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm