Phải nghiêm trị những kẻ bạo hành cha mẹ

(Dân trí) - Bài “Những “trí thức lớn” bạo hành mẹ già” của tác giả Hoàng Nguyên Vũ (báo Phụ nữ TPHCM) đăng tải trên Dân trí ngày 24/7 đã gây nên một làn sóng công phẫn sâu sắc trong dư luận. Sự việc cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội.

 Xin bàn thêm một số vấn đề thuộc phương diện đạo đức và pháp lý của sự việc:

 

“Trời không dung, đất không tha…”

 

Sự việc con đánh chửi mẹ, vốn đã bất thường, phi lý nhưng trong chuyện này lại thêm nhiều lần bất thường, phi lý, bởi lẽ: Sự việc diễn ra kéo dài trong nhiều năm, với nhiều người con tham gia. Những người con này đều có trình độ học vấn, địa vị xã hội nhất định càng bộc lộ dã tâm có ý thức đối với người sinh ra mình.

 

Hiếu thảo là đạo lý truyền thống của dân tộc và nhân loại. Có tình cảm nào thiêng liêng, sâu sắc hơn tình cảm mẹ con. Những người con của cụ Nhung hẳn đã quên lời mẹ ru bên nôi năm nào: “Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra - Một lòng thờ mẹ kính cha - Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

 

Người dân từ ngàn đời nay đã từng đúc kết một triết lý giản dị mà sâu sắc: “Tu đâu lại bằng tu nhà - Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”. Người xưa muốn nhắn nhủ: người không “thờ cha kính mẹ”, thì dù đọc nhiều sách vở cao siêu hay thờ cúng bao nhiêu cũng không thể “thành chính quả” trên con đường tu dưỡng làm người.

 

Hai tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đối với đời sống tinh thần người Việt từ xa xưa là Nho giáo và Phật giáo cũng đề cao chữ Hiếu, đề cao tấm lòng của người con đối với cha mẹ, coi đó là điều căn bản nhất trong đạo lý làm người, là nền tảng để xây dựng đạo đức xã hội.

 

Trong “Tam cương” của Nho giáo, mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ được xác định ở vị trí thứ hai “Quân thần - Phụ tử - Phu phụ”. Mạnh Tử có nói: “Không trọn đạo với cha mẹ, không đáng làm người”. “Chín chữ cù lao” là câu nói đã trở thành quen thuộc đối với nhiều người. “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du có câu “Nhớ ơn chín chữ cao sâu”.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

“Mười bốn điều răn của Phật” viết: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”. Trong các lễ tiết của Phật giáo có lễ Vu Lan, còn gọi là lễ Báo Hiếu đã trở thành một sinh hoạt văn hóa quen thuộc của người dân vào mỗi rằm tháng Bảy hàng năm.

 

Thiên chúa giáo cũng chú trọng giáo dục gia đình, đề cao lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Điều răn thứ bốn, trong “Mười điều răn” của Thiên chúa nêu rõ con cái phải “thảo kính cha mẹ”.

 

Tình mẫu tử thiêng liêng đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận của nghệ thuật từ xưa đến nay, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bất hủ làm xúc động lòng người. Chỉ một câu thơ: “Kiếp sau xin lại làm người - Để nghe non nước vọng lời mẹ ru” của nhà thơ Hồ Dzếnh cũng đủ thấy được sức mạnh thiêng liêng của tình mẫu tử.

 

Vì vậy, hành vi chửi bới, hành hạ, đánh đập mẹ già của những kẻ “có học” đã chà đạp lên truyền thống ngàn đời của dân tộc. Kẻ gieo gió ắt sẽ phải gặp bão. Truyện ngụ ngôn kể rằng một kẻ bất hiếu đã nhốt cha già vào cũi và chở đi bỏ vào rừng; nhưng đứa con của hắn bảo giữ lại cái cũi để sau này khi hắn già sẽ bỏ hắn vào đó.

 

Phải xử lý nghiêm minh những kẻ phạm tội

 

Ở góc độ pháp lý, những hành vi bất hiếu thì dù thời đại nào cũng bị xử lý bằng những chế tài hết sức nghiêm khắc. Bộ Luật Hồng Đức thời nhà Lê quy định bất hiếu là một tội danh thuộc “Thập ác” (10 tội danh nguy hiểm nhất) cần trừng trị nghiêm khắc, không được khoan giảm.

 

Kế thừa truyền thống đạo lý và pháp lý của dân tộc, đồng thời tiếp thu những nguyên tắc pháp lý của nhân loại, Luật Hôn nhân và Gia đình của nhà nước ta năm 2000 quy định tại điều 35: “Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ”. Như vậy, hành vi mà những đứa con của cụ Nhung gây ra là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.

 

Không những thế, hành vi của những kẻ bất hiếu nói trên đã vi phạm Luật hình sự. Điều 104 Bộ Luật Hình sự năm 1999 ghi rõ:

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

 

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

 

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

 

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

 

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

….

 

Ngoài ra, tùy tình huống cụ thể, cơ quan chức năng có thể truy tố thêm các tội danh “Hành hạ người khác” và “Làm nhục người khác” theo quy định tại điều 110 và 121 Bộ Luật Hình sự.

 

Vì vậy, kính đề nghị các cơ quan chức năng quận Tân Bình, TPHCM khẩn trương tiến hành các thủ tục tố tụng cần thiết để xét xử những người đã vi phạm Luật Hình sự. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu hành vi phạm pháp không được xử lý đúng người, đúng tội, pháp luật sẽ bị coi thường, làm xã hội rối loạn. Những người con của cụ Nhung hành nghề trong lĩnh vực tư pháp hẳn đã biết rất rõ điều đó. Thiết nghĩ một phiên tòa để xét xử những người có tội là điều mong mỏi của toàn xã hội. 

 

Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Lại thêm một tiếng nói quyết liệt bầy tỏ sự phẫn nộ trước những hành động vô luân thường đạo lý của những đứa con bất hiếu đối với người mẹ già tàn tật, đau yếu. Điều làm cho dư luận càng thêm bất bình vì chính những người con đó lại là những kẻ mang danh “trí thức” mà sao có thể đối xử tàn tệ đến vậy đối với người đã sinh ra mình, cho dù người đó chưa làm tròn trách nhiệm người mẹ hoặc lỗi lầm gì đi nữa thì phận làm con vẫn phải nghĩ đến tình mẫu tử, vẫn phải làm tròn bổn phận của những người con, nhất là khi người mẹ đã già nua và bệnh tật.

 

Đúng như tác giả bài viết trên đây đã phân tích, những hành động mạt sát và đánh đập người mẹ già không những chà đạp lên điều hệ trọng nhất của đạo làm người, mà còn trực tiếp vi phạm những điều quan trọng của Luật hôn nhân và gia đình cũng như Luật hình sự.

 

Những kẻ táng tận lương tâm như vậy đối với người sinh thành ra mình cần phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho những kẻ coi thường đạo làm con cũng như coi thường pháp luật xã hội.