Bạn đọc viết:
Ồ ạt trưng biển “giảm giá” nhưng hàng vẫn ế!
(Dân trí) - Trên khắp các con phố Hà Nội, chúng ta rất dễ bắt gặp những cửa hàng từ quần áo thời trang, giày dép, kính mắt, túi xách hay cả chăn ga gối đệm… giăng biển quảng cáo “giảm giá” hay “thanh lý sản phẩm” nhằm kích cầu người mua.
Những tưởng “khuyến mại”, “giảm giá”, thậm trí “tặng quà” thì khách hàng sẽ đến mua đông hơn nhưng sự thật lại không mấy khả quan.
Nền kinh tế đất nước vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng đầy khó khăn, chính vì vậy mà sức tiêu thụ, sức mua của người dân cũng giảm đi đáng kể. Thay vì việc đi shopping, đi chơi, đi xem phim giải trí… thường xuyên thì giờ đây người dân dường như “dè chừng” hơn trong việc sử dụng đồng tiền. Ăn gì, mua gì, tiêu gì cho gia đình mình giờ đây là cả một sự toan tính cẩn thận hơn khi “quỹ lương” bị eo hẹp.
Trên tuyến phố Chùa Bộc, có hàng trăm cửa hàng quần áo, giày dép, túi xách, kính mắt… đều đồng loạt thi nhau giăng biển “giảm giá” với “siêu khuyến mại”. Thế nhưng, người mua chẳng có là mấy, khách vào xem rồi lại đi ra.
Chị Hương – nhân viên bán hàng tại cửa hàng thời trang Jockey chia sẻ: “Cửa hàng em mấy tháng nay ế ẩm lắm. Mặc dù cửa hàng bán đồ có thương hiệu cả nhưng cũng không ăn thua. Một ngày lượng khách vào cũng đã vắng rồi mà số người mua hàng lại càng ít hơn mặc dù chúng em cũng đã sale đến 50%. Giờ chúng em bán hàng chỉ bằng ¼ năm trước thôi. Hàng không bán được nên lương của chúng em cũng thấp lắm, chán chả muốn làm”.
Hay như trên tuyến phố Tôn Đức Thắng, Xã Đàn được coi là trung tâm của thủ đô với sức mua mạnh mẽ thì giờ đây cũng xuất hiện hàng loạt các tấm biển nào là “giảm giá siêu sốc”, “hàng thanh lý”, “đại hạ giá”, “khuyến mại” với “siêu khuyến mại khủng” để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Chị Mai Hương ở ngõ Huy Văn chia sẻ: Gia đình tôi đã thống kê lại các khoản chi tiêu và mua sắm từ rất lâu nay rồi, kinh tế khó khăn, lương của tôi bị giảm nhiều nên việc mua sắm đồ mới gia đình rất hạn chế, thay vì mua mới nhà tôi chuyển sang tận dụng dùng đồ cũ để tiết kiệm tiền cho con cái học hành”.
Không chỉ có chị Mai Hương, chị Hồng Linh ở Khâm Thiên cũng có cùng quan điểm: “Đi trên đường giờ cũng thấy nhiều cửa hàng giảm giá đồ lắm nhưng gia đình tôi cũng chẳng có nhu cầu vì đồ ở nhà vẫn dùng được, chưa hỏng để phải thay mới. Thế nên cũng không nên mua đồ về làm gì, vừa thừa ra mà nhà cửa lại chật chội vì không có chỗ để. Tôi thấy lãng phí lắm”.
Rõ ràng, kinh tế khó khăn kéo theo hệ lụy suy giảm của nhiều lĩnh vực đặc biệt là việc kinh doanh hàng hóa. Các chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng đã cố gắng điều chỉnh mức giá bán thấp nhất, rẻ nhất để người mua hàng cảm thấy hài lòng hơn. Thậm chí họ còn dùng nhiều chiêu “giảm giá”, “khuyến mại” hấp dẫn dành cho khách hàng. Thế nhưng, sự thật là hàng vấn “ế” dài và khả năng sẽ còn kéo dài hơn nữa nếu nền kinh tế Việt Nam không có những chuyển biến mới, đất nước chưa bước qua giai đoạn khủng hoảng thì kinh tế sẽ khó mà phát triển được.
Bài, ảnh: Nguyễn Loan