Hà Tĩnh:

Núi Phù Lê - một di tích lịch sử quan trọng ở Hương Sơn đang bị tàn phá

(Dân trí)-Mới đây, tôi cùng PGS.TS Đỗ Lai Thuý đến thăm nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Trong câu chuyện, hai cụ nhiều lần tỏ ý phàn nàn một số hiện tượng đáng tiếc xẩy ra về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá ở địa phương

Để chứng minh cho điều mình nói, cụ Đỗ Lai Thuý đưa cho chúng tôi xem một số tư liệu. Trong số đó, tôi chú ý đến một bức ảnh chụp khá nét về quang cảnh một quả đồi đang bị đào bới tan hoang, dưới ảnh có chua dòng chữ in hoa viết bằng mực xanh “NÚI PHÙ LÊ ĐANG BỊ XẺ THỊT”. Cụ nói, bức ảnh này là của một bạn đọc quen biết mới gửi cho tôi mấy tháng trước. Cụ giải thích: “Đây là núi Phù Lê, còn gọi là núi Vi Kỳ, thuộc xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn ngày nay, một trong những địa điểm quan trọng của khu vực hậu cứ Đỗ Gia của nghĩa quân Lam Sơn”.

Núi Phù Lê - một di tích lịch sử quan trọng ở Hương Sơn đang bị tàn phá  - 1
Núi Phù Lê đang bị xẻ thịt

Tôi phân vân: “Thế sao cụ không viết bài phản ánh?”. Cụ lắc đầu ngán ngẩm: “Mình có viết cũng mất công, chẳng ích gì, dạo trước có mấy cậu nhà báo trẻ hăng hái viết hàng loạt bài phóng sự có ảnh minh hoạ rất sinh động về cảnh tượng núi Hồng bị “xẻ thịt, lột da” để lấy đá phục vụ xây dựng. Nhưng rồi chẳng thấy ai đả động, các nhà thầu vẫn cứ điềm nhiên tiến hành khai thác”.

Tôi liền xin phép cụ chụp lại bức ảnh và một số tư liệu về ngọn núi Phù Lê.

Theo những tư liệu điền dã và kê cứu trong sách xưa của cụ Thái Kim Đỉnh thì núi Phù Lê đã được sách Nghệ An ký của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch và sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đề cập đến. Sách Nghệ An ký viết rằng núi Phù Lê “ở địa phận xã Phúc Lộc, huyện Hương Sơn”. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rõ hơn “Núi ở phía Tây huyện Hương Sơn... Lại có tên là núi Phù Lê. Tương truyền Lê Thái Tổ đóng quân ở huyện Đỗ Gia, dân địa phương đem lương thực giúp nghĩa quân nên đặt tên núi như thế”. Vì sự xác định toạ độ địa danh không chính xác của các tài liệu này, nên từ bấy đến nay, nhiều người nhầm tưởng rằng đây là núi Phú Lệ (Phú là giàu, lệ là đẹp) ở xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, giáp Hương Sơn về phía Tây.

Thực chất, núi Phù Lê (giúp vua Lê), còn gọi là núi Vi Kỳ (tên nôm là núi Sinh Cờ hoặc Tinh Cờ) ở Nầm, thuộc thôn Tứ Mỹ, xã Lạc Phố xưa, nay là xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn. Tên núi Vi Kỳ có chép trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí.

Núi Phù Lê - Vi Kỳ (núi Sinh Cờ), là ngọn cuối cùng phía Đông Bắc dãy Kê Quan Sơn (núi Mồng Gà), nằm ở mé sông Ngàn Phố, phía Nam nối liền với núi Kim Sơn (núi Vàng). Giữa hai ngọn núi này, xưa kia có con đường mòn độc đạo chạy quan dốc Nầm, đến thời Pháp thuộc là con đường thuộc địa số 8 (nay là quốc lộ 8, nối tiếp từ quốc lộ 1A chổ ngã tư trung tâm Thị xã Hồng Lĩnh chạy sang Lào). Phía Đông Kim Sơn có núi Lều (tương truyền là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng lều trại), có bãi Trạm, khe Trẹc Nác đổ ra sông Ngàn Phố. Xa xa về phía Tây Nam, lúp xúp hàng loạt núi, đồi thấp dưới dãy Kê Quan Sơn. Trong đó, có động Tiên và động Hoa Bảy là nơi Bộ chỉ huy quân Lam Sơn đóng, còn gọi là “Đãng phủ” (nay là xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn). Phía Bắc, bên kia sông Ngàn Phố, là hệ thống các đồn luỹ của nghĩa quân Lam Sơn nằm trên đường thượng đạo xưa (nay thuộc các xã Sơn Ninh, Sơn Tiến, huyện Hương Sơn).

Núi Phù Lê - một di tích lịch sử quan trọng ở Hương Sơn đang bị tàn phá  - 2
PGS.TS Đỗ Lai Thuý cùng nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh
đang trao đổi về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá ở Hà Tĩnh

Những công trình quân sự đó, nay vẫn còn lưu dấu vết trên núi Cối, núi Đồn, Tiêu Sơn (núi Chuối), Độc Sơn (núi Rộc), đồng Chài... Xa hơn nữa  là Lục Niên thành nằm trên sườn Đông Bắc ngọn Hoàng Tâm trong dãy núi Thiên Nhẫn, thuộc địa phận huyện Thổ Du (Thanh Chương xưa), nay thuộc xã Nam Kim, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Phía Tây, cách núi Phù Lê khoảng 300m là vực Nầm, một vũng nước sâu trên sông Phố. Lên một quãng ngắn nữa là cầu Nầm, bắc qua cửa hói Nầm, một nhánh của khe Hoa (Hoa Khê), chảy vòng phía Nam sang phía Đông, qua mấy làng mạc rồi đổ ra sông Phố.

Núi Phù Lê có ngọn núi Am, núi Đá, mé sát sông có ngọn đồi nhỏ gọi núi Cụp (Cập Sơn). Bên kia dốc Cửa Háp, nơi đường 8 cũ chạy qua, còn có núi Nen, núi Khe Chài. Sở dĩ núi Phù Lê còn có tên gọi là núi Vi Kỳ là vì trên ngọn núi Đá, có đỉnh Đầu Voi, tương truyền xưa là cột cờ của nghĩa quân Lam Sơn. Ngọn núi Đá (còn gọi là Đá Trắng), nằm ở mé sông trên vực sâu, có hang đá, nay đã bị bồi lấp, trên mái núi còn có một hang khác gọi là hang Khái (hổ). Núi này xưa bị sụt lở nên còn được dân địa phượng gọi là núi Trụn. Vào thời cao trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp cho đặt đồn trên núi này để khống chế phong trào đấu tranh của nhân dân trong vùng. Thời kháng chiến chống Pháp, trên núi Đá có Công binh xưởng Hà Huy Tập và trên núi Cụp có kho quân giới.

Theo lời truyền của các bậc cao niên trong vùng, thì khi quân Lam Sơn về dựng căn cứ Đỗ Gia ở động Tiên Hoa, có đặt một đồn lính ở núi Vi Kỳ để án ngự mặt tiền. Cũng theo truyền ngôn của dân địa phương, trong hang Khái, dưới núi Trụn, có một tảng đá rộng lớn, bằng phẳng, là nơi cất giữ lương thực mà nhân dân quanh vùng mang tới ủng hộ nghĩa quân.

Vào ngày 17 tháng 4 năm Ất Tỵ (14/5/1425), tại núi Nầm - vực Nầm, nghĩa quân Lam Sơn đã dùng kế “thuỷ nang”, phục kích đánh tan một cuộc hành binh quy mô lớn của quân Minh (do tướng Trần Trí chỉ huy) từ Lam Thành theo đường sông ngược lên tấn công căn cứ Đỗ Gia, hòng tiêu diệt đầu não của nghĩa quân. Chứng tích trận đánh này còn có “Cồn Tổng binh”, tương truyền là mồ chôn chung của giặc Minh, trên cánh đồng xã Sơn Tân ngày nay. Về sau, quân sĩ chết trận của cả hai bên được dân địa phương dựng miếu thờ chung, các đời nối nhau tôn tạo thành một ngôi đền nguy nga, tục gọi là đền Cả, do dân thôn Tứ Mỹ thờ phụng. Sau năm 1945, di tích này bị phá huỷ.

Qua những cứ liệu khá phong phú mà cụ Thái Kim Đỉnh đã kê cứu và thẩm phân kỹ càng, chúng tôi chỉ chọn giới thiệu một số nét sơ lược nói trên, hẳn bạn đọc đã thấy rằng núi Phù Lê là một nơi trọng địa của căn cứ Đỗ Gia của nghĩa quân Lam Sơn.

Tiếc thay, di tích lịch sử quan trọng đó đã qua hàng trăm năm sống động trong lòng dân, được sử sách ghi chép, thế mà nay, chính quyền địa phương lại cho nhà thầu của một tập đoàn kinh tế lớn đưa xe cộ, máy móc hiện đại đến và đang ngày đêm khẩn trương “lột da, xẻ thịt” gần hết. Nghe nói, dân cư trong vùng nhiều lần tỏ ý phản đối, nhưng chẳng ăn thua gì.

Vì nhiều lý do nên mãi đến nay tôi mới có điều kiện viết được bài báo này. Và không chừng khi độc giả nhận được những thông tin mà tôi cho là gan ruột này thì có thể đã không còn hình dáng núi Phù Lê nữa.

Nhưng tôi vẫn tin, nếu địa phương và các ngành chức năng không có biện pháp kiên quyết và kịp thời thì núi Phù Lê cũng như những di tích tương tự khác sẽ bị xóa sổ. Và lúc đó con cháu chúng ta biết lấy gì làm bằng chứng để tìm hiểu và yêu mến, tự hào về lịch sử oanh liệt một thời đáng nhớ của tổ tiên?

                                                Phạm Quang Ái

                                

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm