Nữ MC chuyển nhà vì 2 chú cún và chuyện không hồi kết "thú cưng ở chung cư"
(Dân trí) - Việc một nữ MC buộc phải chuyển khỏi căn hộ chung cư cao cấp của mình chỉ vì 2 chú chó cưng, đã khuấy động thêm một lần nữa câu chuyện tranh cãi không hồi kết về việc nuôi chó mèo ở chung cư.
Mấy ngày trước, trên trang facebook cá nhân, nữ MC Nguyễn Hà My (Sam) vô cùng bức xúc và đăng tải xích mích giữa mình và BQL chung cư nơi cô đang ở về việc nuôi 2 chú chó. Cô cho biết, trước khi dọn về một chung cư ở quận 7, TPHCM giữa 2 bên đã có thỏa thuận việc nuôi thú cưng sao cho khéo léo, không ảnh hưởng đến cư dân. Thế nhưng, cô liên tục bị BQL gọi xuống làm việc. Thậm chí, còn tự ý ngắt điện, nước với lý do "kêu xuống làm việc mà không xuống".
Theo nữ MC, hành động này của BQL ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, vì thế cô đã cam kết chuyển đi cùng 2 chú cún trong vòng 2 tháng mặc dù căn hộ đã thuộc quyền sở hữu của cô. Trong thời gian này cô vẫn bị phàn nàn là thú cưng của mình bay lông sang nhà hàng xóm, tuy nhiên chứng cứ mà BQL gửi đến là 1 chiếc "lông vũ", cô còn cho biết lúc đó chú chó của mình bị viêm da nên đã được cạo lông sát người.
Quá bức xúc, cô yêu cầu được biết mình đã làm phiền đến căn hộ nào để trực tiếp xin lỗi thì BQL lại im lặng. Đến khi TP vừa hết giãn cách, cô lại nhận được văn bản thông báo yêu cầu mang vật nuôi đi trong 2 ngày, nếu không sẽ tự cắt điện nước và cho rằng "Chó không phải là thú cưng mà là gia súc".
Sự việc vẫn chưa đi đến hồi kết, nhưng về phía dư luận thì cũng có những ý kiến trái chiều nhau về cách giải quyết vấn đề của BQL chung cư nơi MC này ở. Đại đa số là ý kiến đồng tình với việc không chấp nhận việc nuôi chó, mèo ở chung cư.
Những nỗi ám ảnh mang tên "thú cưng"
Ở mỗi chung cư, ban quản lý sẽ có những quy định khác nhau với việc nuôi thú cưng để không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung. Có nhiều chung cư nghiêm ngặt cấm nuôi chó, mèo, do lo ngại mất vệ sinh chung hoặc gây tiếng ồn, ảnh hưởng tới an toàn của dân cư. Tuy nhiên, câu chuyện thực tế lại không đơn giản như thế.
Có người cho rằng, quy định thì cứ quy định thôi, chứ không ai quản được. Cơ quan chức năng còn trăm công nghìn việc, hơi đâu lo mấy chuyện tào lao chó, mèo. Ai muốn nuôi chó thì nuôi chó, thích nuôi mèo thì nuôi mèo, miễn không nuôi lợn ở nhà chung cư là được. Nhưng cũng có người lại có người nghĩ rằng, quy định mà không thực hiện được thì mất công quy định làm gì?
Nhiều câu chuyện bi hài đã xảy ra, những nỗi ám ảnh mang tên thú cưng đã được kể lại như: "Nhà mình sáng nào cũng phải chịu đựng tiếng chó sủa từ 4h-5h sáng, rồi tiếng mèo gọi bạn lúc nửa đêm, có hôm "đám giặc" chó mèo cứ cào vào cửa, mình thức trắng cả đêm luôn. Chưa kể, mèo thì hay trốn xuống hầm xe, cào nát yên xe máy, hoặc tha chuột vứt vào xó nào đó gây mùi cho cả khu vực hầm để xe. Mình chỉ lo rồi có lúc sẽ xảy ra cãi cọ, đánh nhau vì mấy tiếng chó sủa, mèo kêu phiền phức này thôi".
Có ý kiến cho rằng, chó mèo không có tội, tội là ở chủ nuôi thiếu ý thức, văn hóa, và dẫn chứng bằng câu chuyện của bản thân gặp phải: "Nhà tôi ở chung cư, mọi người cứ gọi là chung cư cao cấp nhưng ý thức nhiều người thì cũng còn nhiều điều để nói. Tầng tôi ở có 10 căn hộ, trong đó có 2 căn (hàng xóm) nuôi chó, tôi đi làm cả ngày về, ngày nào về cũng thấy chó để lại "sản phẩm" ngay trước cửa nhà mình (hành lang không có camera), thấy bẩn thỉu, mất vệ sinh tôi phải tự tay hót dọn, lòng rất giận về ý thức cộng đồng. Đến gõ cửa hỏi nhà này thì được trả lời: Không phải chó nhà tôi, nhà bên cạnh cũng nuôi chó! Gọi báo Ban quản lý thì cũng đâu vào đấy do khi họ đi kiểm tra thì chó không ô uế!
Thiết nghĩ chẳng lẽ chuyện bé tẹo mà mất lòng nhau, nhưng nghĩ thấy khó chịu vô cùng, mấy lần tôi định lắp camera để xác định chủ chó là ai mà vô ý thức như vậy. Qua đây tôi muốn nói rằng: Đối với bạn, nó là thú cưng, chó cảnh nhưng mong bạn có ý thức cộng đồng, đừng vì con chó mà gây mất đoàn kết, ảnh hưởng vệ sinh chung. Con chó không có tội, tội là người lớn không có ý thức, văn hóa!".
Một ý kiến khác cho rằng, ở chung cư thì hành lang và sảnh, công viên nội đô, tầng thượng, khu vui chơi là những nơi công cộng, là khu vực sử dụng chung của cư dân và không phải ai cũng thích chó mèo. Trong khi đó nhiều người lại thường dắt thú cưng đi dạo, đi vệ sinh vào thời điểm mọi người tập trung đông đúc. Đại đa số chó không được đeo rọ mõm, rồi phóng uế ra bãi cỏ, gốc cây nơi mọi người đang tập thể dục, vui chơi. Hãy tôn trọng không gian chung, nơi đó có những người không thích vật nuôi, trẻ em cần môi trường sạch sẽ để vui chơi, người già không bị tấn công bởi tiếng chó sủa, mèo kêu trong buổi tối nghỉ ngơi.
Từ quy định pháp lý đến thực tế
Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn nêu rõ: "Chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người chung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người chung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt....".
Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta thấy hầu hết chủ nuôi khi dắt chó đi dạo đều không đeo rọ mõm cho chúng và cũng chẳng có lực lượng chức năng nào xử phạt hành vi này.
Mới đây một tài khoản Facebook đăng tải lên trang cá nhân kể lại câu chuyện con chó của mình bị hàng xóm đập đầu cho đến chết. Bên cạnh hình ảnh, tài khoản còn đăng lên đoạn clip khi ôm xác con chó về từ nhà hàng xóm.
Trong đoạn clip kéo dài hơn 2 phút, chủ nhân của con chó liên tục gào khóc, khi người phụ nữ chất vấn người đàn ông là: "Chó nhà con thương như người nhà mà chú đập chết" thì nhận được câu trả lời: "Chó ăn gà thì làm thịt đi chứ khóc gì".
Sự việc khiến nhiều người phẫn nộ vì cho rằng trường hợp này có nhiều cách để đuổi chó đi chứ không đến nỗi phải đập chết nó như vậy. Nhưng có quan điểm cho rằng: Các bạn yêu chó là quyền các bạn nhưng đừng để ảnh hưởng người khác, con chó "tuột dây", đi lang thang không rọ mõm. Lại đến nhà người khác lại đuổi gà... Bạn thấy con chó lạ vào nhà lại đuổi gà thì sẽ nghĩ con chó này bị thế nào? Liệu nó có bị bệnh dại không? Nếu nó bệnh dại thì điều gì sẽ xẩy ra?
Hiểu đúng luật là chó ra đường là phải xích và rọ mõm, bắt buộc - thiếu một trong 2 cái đó đều vi phạm luật. Có dám chắc chủ sẽ kìm chế được chó khi chỉ có xích dây? lại còn tuột dây xích, ai đảm bảo điều đó? Không ai cả. Kể cả người đó có khỏe mạnh cũng chưa chắc kìm chế được con chó to khi nó nổi điên, bản năng thú tính của chúng nổi lên thì đừng nghĩ mình khống chế được nó... Ở góc độ cảm xúc một người mất đi con vật nuôi là như thế, tôi đồng cảm. Nhưng cũng phải nhìn ở góc nhìn văn hóa nuôi thú cưng.
Những trường hợp chủ mất vật nuôi như trong trường hợp này là ít so với việc "thú cưng" của các bạn gây hậu quả đáng tiếc cho người, như những vụ chó pitbull cắn chết người, chó xổng chuồng tuột xích cắn người… Vì vậy điều quan trọng nhất là cần sự ý thức cao của người nuôi thú cưng.