Nữ công nhân đâm chết người vì bị đánh có được coi là phòng vệ chính đáng?

Thế Hưng

(Dân trí) - Nhìn thấy chồng cũng bị hành hung, nữ công nhân ở Bình Phước dùng dao đâm liên tiếp khiến 1 người chết và 2 người bị thương. Nhiều độc giả đặt câu hỏi, liệu cô công nhân có đang phòng vệ chính đáng?

Trước đó, chiều 9/3, khi Lê Thị Kim Cúc (21 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) tan ca đi làm về đã gặp Nguyễn Thị Tr. (30 tuổi, ngụ xã Minh Hưng) cùng 2 thanh niên khác đứng trước cổng. Nhìn thấy Cúc, Tr. dùng mũ bảo hiểm đánh trúng vào đầu cô. Bị đánh, Cúc lấy dao từ túi quần đâm Tr. gây thương tích. 

Nữ công nhân đâm chết người vì bị đánh có được coi là phòng vệ chính đáng? - 1

Nghi can Cúc tại cơ quan điều tra. (Ảnh: CABP).

Cùng lúc này, một thanh niên tên T. xông vào đánh Cúc cũng bị đâm. Quay lại thấy chồng là Trần Thế H. (20 tuổi) bị một người tên D. đánh, Cúc tiếp tục dùng dao đâm liên tiếp khiến D. gục tại chỗ. 

Vụ việc khá nghiêm trọng nhưng xét theo góc độ pháp luật, luật sư Trần Viết Hà, luật sư thành viên công ty luật Nam Sơn (Đoàn luật sư TPHCM) cho hay, tương quan lực lượng phía Cúc chỉ có 2 người, phía nạn nhân có 5 người. Như vậy, phía Cúc được cho là yếu hơn.

Về vũ khí, Cúc có dao trong khi các nạn nhân sử dụng mũ bảo hiểm và tay không. Trong trường hợp này, luật sư đánh giá phía Cúc có lợi thế hơn.

Xét về hoàn cảnh, vụ việc xảy ra tại cổng khu công nghiệp. Do đó, Cúc không bị cho rơi vào đường cùng và hoàn toàn có thể bỏ chạy. Ngoài ra, các nạn nhân không tấn công liên tục mà chia nhỏ để ra tay. Vì vậy, trường hợp này khó xác định Cúc phòng vệ chính đáng quy định theo Điều 22 của Bộ luật hình sự.

Bởi phòng vệ chính đáng là đang sử một hành vi gây thương tích, hoặc giết người nhằm loại bỏ sức tấn công mạnh mẽ của người khác lên bản thân. Trong khi đó, xuất phát vụ việc là hai người phụ nữ lao vào tấn công Cúc và chỉ sử dụng mũ bảo hiểm và tay không.

"Theo quan điểm cá nhân, việc nạn nhân sử dụng mũ bảo hiểm và tay không khó lòng gây nên cái chết cho Cúc. Nhưng đối tượng này vẫn sử dụng dao tấn công ngược lại", luật sư Hà nói và khẳng định, Cúc dùng dao tấn công ngược lại là phản ứng quá mức cần thiết.

Tuy nhiên, luật sư cho rằng, Cúc có thể được xem xét theo hướng phạm tội do vượt quá phòng vệ chính đáng hoặc phạm tội do tinh thần bị kích động mạnh. Trường hợp này, hành vi của Cúc nghiêng về phạm tội do tinh thần bị kích động mạnh, vì xuất phát từ mâu thuẫn trong công ty dẫn đến bực tức ở mức thấp.

Ngoài ra, luật sư Hà phân tích, Cúc bị hai người phụ nữ tấn công dẫn đến bực tức tăng lên mức trung bình và cao. Đáng nói, khi nhìn thấy người khác tấn công chồng, sự dồn nén và bực tức của Cúc đã lên tới đỉnh điểm. Nó thể hiện ở việc Cúc dùng dao lao về phía nạn nhân để tấn công liên tục.

Trong trường hợp này, luật sư Trần Viết Hà khẳng định, nếu Cúc giết người do tinh thần bị kích động mạnh thì khung hình phạt sẽ từ 6 tháng cho đến 3 năm theo Điều 125 Bộ luật hình sự. Trường hợp có các yếu tố chứng minh tốt hơn như giết người do phòng vệ chính đáng thì khung hình phạt sẽ từ 3 tháng cho đến 2 năm theo điều 126 Bộ luật hình sự.

Với hành vi gây thương tích cho nạn nhân khác thì một số tội có thể cấu thành như Tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe cho người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự; Tội cố ý gây thương tích do tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 135 Bộ luật hình sự; Tội cố ý gây thương tích do vượt quá phòng vệ chính đáng theo Điều 136 Bộ luật hình sự.

Đó là các tội mà Cúc có thể phải đối mặt, tuy nhiên luật sư Hà nhận định, kết luận cuối cùng vẫn là của cơ quan điều tra. Từ sự việc trên, mọi người nên giữ bình tĩnh khi ứng xử trước các tình huống.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm