“Nỗi oan” của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
Trong gần hai tuần qua, dư luận đang dấy lên một số nghi ngại đối với cá nhân ông Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu.
Trong đó nổi cộm nhất là việc ông ký giấy chứng nhận đầu tư cho một doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến di sản văn hóa chùa Dơi, "giải cứu xà lan cát tặc", tổ chức đám cưới cho con vào buổi trưa có đãi bia... |
Để bạn đọc có thêm thông tin khách quan, PV Báo Nhà báo & Công luận đã hẹn gặp ông Nguyễn Trung Hiếu vào sáng 17/1/2013 nhưng ông bận tham gia một cuộc họp và thiện chí đề nghị PV gặp Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND Tỉnh Sóc Trăng Lê Minh Thượng. "Tôi đã làm đúng!" Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Trung Hiếu khi trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí. Trong vụ giải cứu sà lan vi phạm bị thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường bắt, ông Hiếu quả quyết UBND tỉnh Sóc Trăng không hề có quyết định nào xử phạt sà lan VL -11695 của ông Nguyễn Văn Điệp vì điều này thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên & Môi trường Sóc Trăng. Dựa vào hai văn bản báo cáo của Sở này vào ngày 2/5/2012 và 28/5/2012, văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu cho ông Hiếu ban hành công văn (ngày 14/6/2012) đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Sóc Trăng có ý kiến chỉ đạo thanh tra sở thực hiện xử phạt ông Nguyễn Văn Điệp theo đúng quy định. Trước thông tin từ nhiều tờ báo cho rằng ông Hiếu cố tình làm trái ý kiến của Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường, ông cho biết: Công văn của bộ ký ngày 8/6/2012 nhưng đến ngày 15/6/2012 mới tới Sở Tài nguyên & Môi trường Sóc Trăng. Trong khi đó, công văn của ông Hiếu ký ngày 14/6/2012, nên không thể nói rằng ông Hiếu đã "cố ý làm trái" chỉ đạo của Thanh tra Bộ. Nhưng do có nhiều ý kiến khác nhau nên ông Hiếu đã cho thu hồi công văn này. Hòa thượng trụ trì Kim Rêne và thượng tọa Lâm Tú Linh tiếp PV Đối với việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Satraco được phép kinh doanh gần khu vực chùa Dơi làm đàn dơi bay đi quá nhiều, ông Hiếu cho biết: Đầu năm 2011, Công ty Cổ phần Quốc tế Satraco khảo sát và thống nhất với ban đại diện chùa và UBND TP.Sóc Trăng về mục đích đầu tư nhà hàng, khách sạn nhằm phục vụ khách thập phương viếng chùa, tham quan khu di tích. Các ngành chức năng thẩm định kỹ và cho rằng dự án này khả thi nên đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cấp giấy phép cho công ty Satraco đầu tư vào ngày 18/11/2011, UBND tỉnh còn lưu ý rất kỹ là: “Do dự án nằm trong khu di tích chùa Mahatup (chùa Dơi) nên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo vệ môi trường nhằm tránh ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích”. Trên các phương tiện truyền thông, ông Hiếu bị cho rằng đã không tuân thủ quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, cụ thể là "ông Hiếu không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Satraco". Tuy nhiên, Điều 3 của quy chế trên nêu rõ: Trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng là "cho ý kiến về các dự án (…), các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư có một trong các yếu tố: Giải tỏa trên 50 hộ, có ảnh hưởng lớn về môi trường, có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng"… Trên thực tế, đã có thời gian, công ty du lịch của tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng nhà khách trên phần đối diện chùa nhưng đã dừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả. Sau khi tiếp nhận khu đất rộng 1,2 ha nêu trên. UBND TP.Sóc Trăng đã giao lại cho nhiều đơn vị và cá nhân tiếp tục kinh doanh nhưng cũng thất bại. Do đó, khi Satraco xin được đầu tư thì việc làm này đã được chấp thuận. Trong dự án này, hoàn toàn không thấy có tranh chấp hay giải tỏa nào liên quan đến bất kỳ một hộ dân nào cũng như không thấy có ảnh hưởng nào về môi trường. Ngoài ra, đây là một dự án giải trí - ẩm thực - nghỉ dưỡng nên rõ ràng cũng không mang ý nghĩa chính trị hay xã hội quan trọng… Vì sao dơi bay đi ? Trong khi dư luận cho rằng việc Satraco đưa vào hoạt động nhà hàng gây ồn ào làm "dơi bay đi mất, các nhà sư rơi lệ" thì sự việc đã chạm tới mức quá hoang đường. Thực tế nhà hàng nằm cách cổng chùa từ phía đối diện khoảng 40 mét, và cách khu vực rừng dầu nơi dơi trú ngụ khoảng… 250m. Tiếp xúc với PV NB&CL, Hòa thượng Kim Rêne, 62 tuổi, tu tại chùa từ năm 1969 tới nay cho biết: Dơi không sợ tiếng ồn, có phát loa khuếch đại cả ngày thì dơi cũng không đi. Sở dĩ đàn dơi ngày một ít hơn là do người dân có vườn cây ăn trái (thứ thức ăn dơi ưa chuộng) chăng lưới bắt dơi mang đi bán cho các nhà hàng với giá rất cao. Mới đây, Hòa thượng Kim Rêne đã gửi công văn đến Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Biên tập một tờ báo, phản ứng về những thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của Phật tử và ảnh hưởng đến uy tín của chùa. Hòa thượng còn cho biết, Công ty Satraco cũng đã hỏi thuê 1.000 m2 đất của chùa để làm trạm trung chuyển khách để hạn chế tiếng ồn. Khu đất này cách xa Phật đường gần 200 m, và chùa đã chấp thuận do đất chùa còn rất rộng (khoảng 4 ha). Nhân sự việc này, Hòa thượng Kim Rêne khẩn thiết đề nghị người dân hãy thương chùa mà ngừng lại việc bắt dơi mang bán. Cổng chùa mahatup nhìn từ phía nhà hàng của Công ty Satraco Về thông tin ông Nguyễn Trung Hiếu tổ chức đám cưới cho con có đãi bia, ông cho biết gia đình đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước, đã báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh về số lượng khách, địa điểm, hình thức tổ chức. Trên thực tế, tiệc cưới có khoảng 260 khách đến chung vui và mọi người chỉ sử dụng nước ngọt, nước khoáng. Một số khách mời là quan chức cấp tỉnh khẳng định có một số chú bác cựu chiến binh yêu cầu dùng bia chai và lễ tân có dọn ra khoảng 10 chai bia Sài Gòn đỏ vào cuối tiệc. Vô tình bức ảnh chụp bàn tiệc này lại lọt vào tay một phóng viên và phóng viên này đã không ngại ngần chú thích là "tiệc cưới có bia"… |
Theo Nhà báo và Công luận