Nỗi niềm “tự nguyện bắt buộc”

(Dân trí) - Tháng Chín mùa thu mát mẻ, nhưng tâm trạng của các bậc phụ huynh có con em đi học lại đang nóng hơn bao giờ hết. Họp phụ huynh đầu niên học xong, hầu hết các bậc cha mẹ đều cảm thấy sắp tăng xông trước thông báo “tiền, tiền, tiền”.

Nỗi niềm “tự nguyện bắt buộc” - 1

Rực rỡ cờ hoa ngày khai giảng năm học mới.
Tâm trạng chung của phụ huynh học sinh là hoặc không thoải mái, hoặc rất ấm ức trước kiểu “tự nguyện bắt buộc” do nhiều trường đưa ra, gắn mác cho các khoản thu nhiều khi rất… khủng, nhất là với những gia đình trót có con muốn học trái tuyến. Nhưng làm sao được, tất cả vì con em chúng ta mà! Muốn phản đối cũng chẳng dám, vì sợ không khéo lại "đấu tranh, tránh đâu" cho tương lai của con? (Ôi, lại sợ!)

 

Chuyện không ít trường lạm thu đầu năm học thì ai cũng biết, nhưng biết mà vẫn không thể dằn lòng nuốt quả đắng ấy mãi được vì sự vô lý xem ra ngày càng to, tỉ lệ thuận với nỗi bức xúc, bất bình của các bậc cha mẹ không những không giảm đi theo thời gian, mà có vẻ lại ngày càng lớn.

 

“Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” - lời Bác Hồ dạy như vậy, lẽ ra tất cả chúng ta và hơn ai hết là những người làm công tác giáo dục càng phải thấm nhuần. Trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành đã đáng mừng rồi. Và tình yêu con trẻ, tâm huyết dành ưu tiên hàng đầu tiên đầu tư cho thế hệ tương lai cũng cần được thể hiện qua những nỗ lực chung của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Có con đi học là phải lo đóng tiền. Tất nhiên.. Nhưng sẽ là phi lý khi đã đóng hết những khoản thu theo quy định chính thức rồi, phụ huynh còn phải è cổ đóng thêm cả danh sách những khoản thu nhiều khi rất vô lý khác. 

 

Cái thời đi học như chúng tôi chắc không bao giờ có thể quay lại được nữa. Khi đó khoản thu bắt buộc duy nhất là tiền học phí, mà học sinh nghèo, gia đình  khó khăn còn được miễn hoặc giảm. Ấy vậy vẫn không ít học sinh, trong đó có tôi, đôi khi trót “lạm tiêu” mất tiền học,  thầy cô còn thương, trích khoản lương còm của mình ra đóng thế để học sinh không bị bỏ tiết, lỡ học kỳ…Ai học lực yếu, kém, đã có các thầy cô phụ đạo miễn phí. Thế mà nhiều lúc thầy cô còn phải đến tận nhà vận động, nếu vì hoàn cảnh nào đó học sinh đó không thể đi học thêm.

 

Chao ôi, chính vì vậy mà hầu như tất cả  thầy cô thời đó  đều là thần tượng trong mắt học sinh chúng tôi. Có chuyện gì trắc trở trong cuộc sống, nhiều học sinh chọn thầy cô làm “chị Thanh Tâm” để dốc bầu tâm sự, thay vì thổ lộ với cha mẹ. Giờ đây, mỗi lần hay tin thầy cô nào bệnh tật, khuất núi, lũ cựu học trò chúng tôi đầu đã hai thứ tóc vẫn bật khóc nức như trẻ nhỏ. Thương quá các thầy cô - cha mẹ thứ hai "một thời đạn bom, một thời hòa bình" của chúng em.

 

Vẫn như ngày xưa, khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu!” vẫn được treo cao ở khắp các trường. Và tôi cũng như nhiều phụ huynh học sinh vẫn muốn tin đó thực sự là lẽ sống, là mục tiêu phấn đấu của tất cả những người làm công tác giáo dục nước ta.  Xin được trích ý kiến của hai phụ huynh Tamnguyen – email: tamvanha2002@yahoo.com, và  Phú Thanh  - email:  phuthanh_1988@yahoo.com   thay cho lời kết:
 
"Người lớn làm điều vô lý thì rất khó dạy trẻ nhỏ. Nhà trường mà thu tiền bất minh hay vô lý thì làm sao không có học sinh hư. Tính thực dụng nó hiển hiện ngay trước mắt các em học sinh. Thầy cô đừng làm như vậy thì học sinh mới thực sự tôn sư trọng đạo".

 

"Trong môi trường giáo dục mà để xảy ra những tình trạng đó là khó chấp nhận được. Nhưng vấn đề chấn chỉnh chưa được các sở ngành quan tâm đặc biệt. Ở đây không thể chối bỏ trách nhiệm của Bộ GDĐT và sở,  phòng giáo dục đào tạo các cấp trong việc thanh tra giám sát việc thu phí. Cần phải mạnh tay với vấn đề này. Trước hết Bộ Giáo dục Đào tạo  phải nhận trách nhiệm về mình. Đơn giản đây là lĩnh vực do họ quản lý, vậy để ra xảy ra hiện tượng này là trách nhiệm của Bộ. Sau đó sẽ có những hình thức xử phạt nặng (thậm chí là cách chức) đối với những lãnh đạo ở sở, phòng giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu phí ở địa bàn mình quản lý. Có như vậy thì những người quản lý mới làm hết trách nhiệm của mình đối với một lĩnh vực mà xã hội rất quan tâm và tôn trọng.

 

Kiều Anh