Nỗi lo về thân phận pháp lý của các hiệp sĩ SBC

(Dân trí) - Những hành động dũng cảm của các hiệp sĩ săn bắt cướp luôn được người dân cả nước nước tôn vinh. Nhưng từ góc độ khác, cũng có không ít ý kiến băn khoăn về thân phận pháp lý để có cơ chế bảo vệ những Lục Vân Tiên thời hiện đại này.

Nỗi lo về thân phận pháp lý của các hiệp sĩ  SBC - 1

Hai tên cướp bị các hiệp sĩ SBC khống chế.
 

Ai trong chúng ta không cảm thấy niềm phấn khởi, niềm vui, niềm tin vào những điều tốt đẹp lại có dịp  được nhân lên trước những thông tin tốt đẹp trong cuộc sống. Đặc biệt nếu đó là tin về những chiến công mới của các “Hiệp sĩ đường phố”, “Hiệp sĩ SBC”  Nguyễn Văn Minh Tiến, haycủa các thành viên CLB Phòng chống tội phạm Phú Hòa (Bình Dương).

 

Nhưng đâu đó trong một góc trái tim, chúng tôi cũng chia sẻ nỗi lo lắng chung trước những rủi ro, hiểm nguy luôn rình rập, đe dọa các hiệp sĩ và thân nhân, gia đình họ. Biết bao nước mắt đã rơi, biết bao trái tim quặn thắt và biết bao lời nhức nhối đã không thể kìm nén khi nỗi lo đó biến thành sự thật đau thương. Mới đây nhất, tin dữ về tổn thất của hai thành viên CLB Phòng chống tội phạm Phú Hòa đã thực sự gây sốc với cả cộng đồng xã hội. Máu của các hiệp sĩ SBC lại đổ, mà máu người đâu phải nước lã!

 

Bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn với chúng tôi, nhiều độc giả Dân Trí đồng thời cũng lên tiếng đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho hiệp sĩ Nguyễn Xuân Chinh (27 tuổi), đề nghị có những cơ chế chính sách phù hợp để tưởng thưởng xứng đáng cho các hiệp sĩ SBC khác... Cũng không ít người đặt câu hỏi về vai trò của lực lượng chức năng, của chính quyền sở tại với khá nhiều nỗi bức xúc.

 

Luật sư Phan Trung Hoài  (người hồi tháng Sáu vừa qua đã cảnh báo về những rủi ro về pháp lý liên quan đến các “hiệp sĩ đường phố”) trong trả lời báo Tuổi trẻ TP. HCM mới đây, cũng nhấn mạnh: “Bản thân tội phạm là một hiện tượng xã hội và trách nhiệm chứng minh tội phạm trước hết thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng”. Đồng thời luật sư nêu rõ:  Hành động của các “hiệp sĩ” nói trên, nhìn dưới góc độ trách nhiệm công dân bình thường, rất đáng trân trọng và biểu dương về thực thi nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm... Nhưng nếu coi họ đang là người thực thi công vụ thì chưa có cơ sở”.

 

Theo luật sư, tuy ngành Công an đã có những hình thức động viên, khen thưởng các hiệp sĩ SBC, nhưng cũng không nên khuyến khích các hành động tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro như vậy, mà: “Nhà nước và hệ thống pháp luật cần đảm bảo cơ chế và tính pháp lý cho hoạt động của các “hiệp sĩ đường phố”. Ngoài việc quy định về tổ chức, tiêu chuẩn, quyền hạn, trách nhiệm trong một văn bản mang tính pháp quy, cần tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ an ninh, trật tự và kiến thức pháp luật, quy định chi tiết các quyền lợi tối thiểu và chế độ, chính sách khi họ gặp rủi ro, tai nạn trong hoạt động...”

 

Trung Hà Văn Thanh, Phó Trưởng Công an phường Phú Hòa, phó chủ nhiệm CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, cũng nhìn nhận:

 

Hiện anh em trong đội hoạt động bắt tội phạm nhưng không có công cụ hỗ trợ nào. Trong khi đó bọn cướp ngày càng tinh vi. Chúng có dao phay, bình xịt hơi cay, vũ khí tự chế, thậm chí súng ngắn. Anh em mình thì tay không bắt cướp nên rất lo”. Ông đồng thời cho biết:  “ Chúng tôi đang xem xét để đưa các anh em vào ban bảo vệ dân phố. Khi vào đây các thành viên của đội sẽ được trang bị công cụ hỗ trợ, có chế độ và được cấp lương hằng tháng”.
 
Còn từ góc độ người dân, hơn tất cả, chúng tôi luôn mong mỏi những tấm gương sáng như các anh sẽ được nhân rộng trong toàn dân, và như bạn Mai Hoa - email: gaicodon_gaptraithattinh@yahoo.com bày tỏ:
 
"Bắt cướp đã khó nhưng xử lý các tên cướp còn khó hơn. Vì vậy tôi mong rằng các cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý nghiêm minh các tên cướp, để không uổng công các dũng sỹ SBC đã xả thân. Đồng thời cũng động viên tinh thần mọi người dân cùng tích cực tham gia phòng chống tệ nạn trộm cướp. Cũng cần có chính sách khen thưởng xứng đáng với những con người dũng cảm đó".

 

Thanh Nguyễn