Nỗi đau của những đứa trẻ trong những vụ án hậu ly hôn
(Dân trí) - Nếu sống với nhau không thể hạnh phúc thì ly hôn cũng là một lựa chọn văn minh. Tuy nhiên có những bi kịch hôn nhân của người lớn đã đẩy cuộc đời những đứa trẻ vào "địa ngục trần gian".
Vụ việc bé V.A (8 tuổi) tại TPHCM bị người tình của bố đánh đập, hành hạ man rợ đến tử vong xảy ra cách đây chưa tròn một tuần đang khiến cả xã hội xót xa, phẫn nộ. Vụ việc gây rúng động đến mức Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã có công văn yêu cầu Bộ Công an, UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.
Chúng ta hẳn không quên hình ảnh chằng chịt các vết tích bạo hành trên khuôn mặt, cơ thể của cháu B. (12 tuổi, ở Hà Nội) bị mẹ đẻ cùng nhân tình của mẹ bạo hành dã man nhiều lần. Người tình của mẹ còn có hành vi xâm hại bé trong suốt thời gian dài.
Đáng chú ý, theo lời kể của cháu B., sau khi bị mẹ đẻ truy hỏi về việc bị xâm hại tình dục, cháu bị mẹ bắt nằm úp xuống giường, trói chân tay lại rồi dùng roi tre vụt bầm dập vì "tội không chịu nói cho mẹ biết".
"Cháu xin mẹ tha nhưng mẹ không tha. Mẹ đánh cháu vì không tự giác nói cho mẹ biết. Cháu bị mẹ đánh nhiều lần rồi" - cháu B. kể lại.
Cũng theo B., cháu bị nhân tình của mẹ xâm hại hồi tháng 5/2020 và việc này diễn ra rất nhiều lần. Có lần, khi cháu không tuân theo dục vọng đê hèn của hắn, cháu bị hắn dùng gậy 3 khúc vụt tới tấp, dọa nạt không được kể cho ai biết...
Những đứa trẻ ấy đều không may mắn sinh vào những gia đình không hạnh phúc. Bi kịch hôn nhân của người lớn đã đẩy cuộc đời những đứa trẻ non nớt, đáng thương ấy vào những "địa ngục trần gian".
Nếu sống với nhau không thể hạnh phúc, không thể hòa thuận, thì ly hôn cũng là một lựa chọn văn minh. Tuy nhiên có nhiều cặp vợ chồng đã không suy nghĩ cho những đứa con của họ, không lắng nghe cảm xúc, tâm tư và suy nghĩ về cuộc sống của những đứa con phải trải qua ở thời kỳ hậu ly hôn như thế nào. Hậu quả là để lại một nỗi đau dằng xé dai dẳng về sau cho những đứa con của họ phải gánh chịu, mặc dù chúng không hề có lỗi.
Là người nghiên cứu sâu về lĩnh vực hôn nhân gia đình và từng theo nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề ly hôn, Luật sư Vũ Văn Tiến (Giám đốc Công ty Luật TNHH Olympic) đã có những chia sẻ về câu chuyện không hồi kết hậu ly hôn và nỗi đau, cảm xúc của những đứa con phải gánh chịu, để họ - những người làm cha mẹ có quyết định tốt nhất cho mình và đặc biệt là cho các con.
Theo Luật sư Tiến, nguyên nhân dẫn đến ly hôn thì rất nhiều nhưng cho dù là với lý do gì thì trong cuộc sống hôn nhân, người chịu thiệt phần lớn vẫn là phụ nữ và con cái. Nên pháp luật cũng có những quy định mang tính nguyên tắc để ưu ái hơn đến quyền lợi của các đối tượng này. Nhưng thực tế vẫn không bảo vệ và giải quyết hết được mọi góc khuất và nỗi đau trong các vụ án ly hôn, đặc biệt là nỗi đau của những đứa con hậu ly hôn.
Nỗi đau của những đứa trẻ trong những vụ án ly hôn và hậu ly hôn
Rất nhiều người day dứt và suy nghĩ về con cái khi quyết định ly hôn. Có người quyết định sống chịu đựng và không ly hôn vì con cái, nhưng nhiều người vẫn chọn ly hôn để giải thoát và kéo theo hệ quả giải quyết quyền trực tiếp nuôi con. Còn những đứa con, chúng vừa là sản phẩm, vừa là nhân chứng và cũng là người phải lãnh hậu quả và thực thi bản án ly hôn này của cha mẹ mình. Vậy, nỗi đau của những đứa trẻ khi ly hôn và hậu ly hôn ở đâu?
Thứ nhất, khi chúng chưa thể nhận thức hết được tòa án là gì, ly hôn là gì, nhưng vẫn được cha, mẹ đưa lên tòa để lấy ý kiến, để làm chứng và phải nói, trình bày với tòa án những vấn đề mà chúng chưa chắc đã hiểu là có khách quan và công bằng hay không? Hay chỉ là nói theo ý kiến của cha hoặc mẹ dặn trước. Chúng không biết được rằng lời nói của mình cũng là cơ sở để cho tòa lựa chọn quyết định tước đi một quyền trực tiếp nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ đối với chính mình.
Ly hôn là điều không ai muốn, nhưng là điều không thể tránh với rất nhiều hoàn cảnh, trường hợp. Do vậy, để không phải ly hôn thì mỗi cặp nam nữ khi yêu nhau, đến với nhau phải kết hôn cho chặt, phải thận trọng, nghiêm túc trong việc tìm bạn đời và suy nghĩ kỹ về mục đích hôn nhân của chính mình, rồi hãy quyết định. Còn nếu phải ly hôn, hãy suy nghĩ cho con, suy nghĩ về những nỗi đau của những đứa con trước, rồi hãy suy nghĩ và quyết định cho mình.
Thứ hai, nếu cặp vợ chồng nào có nhiều con chung mà buộc phải chia quyền trực tiếp nuôi con thì việc ly hôn cũng là một bản án làm phai nhạt, chia cắt tình anh chị em ruột vì "phải sống cách biệt và ly tán nhau".
Nếu không có đủ sự quan tâm, giáo dục và chăm sóc tốt của cha mẹ đang nuôi dưỡng, thì còn làm mất đi sự gắn kết giữa các anh chị em ruột sau này về cả tính cách, lối sống và sự phân biệt.
Thứ ba, cuộc sống sau khi ly hôn, những đứa con sẽ có những câu hỏi cho cha mẹ, nhưng cha mẹ không thể trả lời. Và chính những đứa trẻ này phải tự nhận thức, tự tìm hiểu và trả lời theo thời gian. Mỗi lần hỏi là mỗi lần làm xót xa các bậc làm cha, làm mẹ và cho chính các đứa trẻ vì cha mẹ phải nói dối chúng.
Thứ tư, oan nghiệt hơn là có những đứa trẻ bị một bên cha hoặc mẹ người nuôi dưỡng trực tiếp "tẩy não", nói xấu về người cha/mẹ không ở với con; nhồi nhét vào đứa trẻ tư tưởng kỳ thị, căm ghét cha/mẹ khiến chúng càng lớn càng xa lánh và đánh mất đi sự tôn trọng với một bên cha/mẹ của mình; thậm chí cắt đứt mọi liên hệ.
Việc này thực sự để lại hậu quả rất khủng khiếp, có thể biến một người từ có con thành không có con; bản thân những đứa trẻ cũng phải chịu nỗi đau dai dẳng cả cuộc đời.
Thứ năm, những cặp vợ chồng khi ly hôn cũng đau, nhưng đau một lần rồi thôi, đa phần họ sẽ đi tìm để xây dựng hạnh phúc mới với người phù hợp hơn và rồi chính họ cũng sẽ có những đứa con khác. Khi đó những đứa trẻ phải chịu cảnh "con riêng, dì ghẻ, dượng ghẻ".
Nếu gia đình không dành đủ sự quan tâm, chăm sóc cho những đứa con riêng, chúng có thể chịu tủi hờn cả tuổi thơ. Còn nếu những đứa trẻ này chẳng may bị hành hạ và bị hắt hủi thì đây thực sự là bất hạnh vô bờ bến. Những đứa trẻ này rất dễ có suy nghĩ tiêu cực, hoặc bỏ nhà ra đi và dễ sa vào các tệ nạn xã hội.
Cuối cùng, khi những đứa trẻ ấy lớn lên, kịp nhận ra và hiểu được thế nào là ly hôn, khi đó đã mất đi cả một tuổi thơ hồn nhiên hạnh phúc như bao đứa trẻ khác.