Những triết lý từ hình tượng Mèo

(Dân trí) - Từ loài thú hoang, mèo đã trở thành con vật nuôi quen thuộc trong các gia đình, hơn thế, đã trở thành một biểu tượng văn hoá, có tính triết lý sâu sắc.

Tương truyền mèo là thầy dạy võ của hổ. Tại sao con hổ to lớn, dũng mãnh, sức mạnh vô biên được mệnh danh là “chúa sơn lâm” lại chịu bái mèo, thân thể nhỏ xíu, sức vóc mỏng manh, làm sư phụ?

Có thể thấy, mèo là bậc thầy của hổ về nhiều phương diện. Hổ có sức mạnh vô biên, nhưng là sức mạnh võ biền, hữu dũng vô mưu, còn mèo là nhà chiến lược biết mềm biết cứng đúng lúc. Mèo khi mềm mại, uyển chuyển, khoan thai, dịu dàng, có thể làm người khác thiện cảm, dễ chịu, nhưng khi cần lại nhanh như cắt, dũng mãnh vô song, vồ một nhát đã bắt gọn đối thủ, khiến loài chuột sợ khiếp vía.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Móng vuốt, răng nanh của hổ cứng mạnh ít ai bì, nhưng lúc nào cũng giương ra, khiến muôn vật khiếp sợ, lảng tránh. Trong khi đó, mèo che đậy móng vuốt trong tứ chi mượt như nhung, hàm răng nanh sắc bén được che đậy bởi vẻ dịu dàng, khoan thai.

Vốn biết tính hổ, nhưng mèo không ngần ngại truyền thụ võ công cho hổ, dẫu hổ có sức mạnh, hay phản trắc nên rất nguy hiểm. Để phòng thân, mèo giữ lại miếng võ leo cây, không truyền cho hổ, vì nếu thế thì chẳng khác gì “chắp cánh cho hổ”, không sao kiềm chế được nữa. Mèo biết hổ có chỗ khả dụng, nên truyền nghề võ cho hổ, cũng là một cách ban ân cho hổ, để sai khiến.

Câu chuyện mèo dạy võ cho hổ toát lên triết lí sâu sắc về phép đối nhân xử thế, cách dùng người để thành công. Nếu không biết chờ thời, biết mềm biết cứng đúng lúc mà hữu dũng vô mưu, thẳng ruột ngựa thì sẽ chuốc lấy thất bại, hoặc chỉ là thân tôi đòi mà thôi.

Mèo là con vật rất gần gũi, thân thiết với con người. Người dân nuôi mèo để bắt chuột, và cả để làm bạn tâm tình. Có một số người yêu mèo đến mức cho ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, luôn ôm ấp, vuốt ve, trò chuyện, và khi chết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho mèo. Nhưng mèo (và chó) lại thường được “gắn liền” với những thói hư tật xấu của con người: “trò mèo”, “làm như mèo mửa”, “mèo mả gà đồng”, “mèo mỡ”, “mèo khóc chuột”, “mèo khen mèo dài đuôi”, “chữ viết như mèo cào”…  

Có thể thấy, giữa người và mèo đã có mối quan hệ gần gũi, sâu sắc ít có; mặt khác, mèo là con vật vô cùng thông minh, sinh động, chứ không đơn điệu như con trâu, con bò. Vì vậy, mèo mới “vinh dự” được so với con người (dù là thói xấu). Dĩ nhiên, mèo cũng có nhiều phẩm chất đáng quí (nên mới được người yêu) như lòng trung thành, tận tuỵ, quả cảm, thông minh, tinh tế.

Như vậy, trong mỗi con mèo có đồng thời cả mặt tốt và mặt xấu, tích cực và tiêu cực. Làm sao để phát huy được mặt tích cực, hạn chế được tiêu cực trong mỗi cá thể mèo, đó là tuỳ khả năng của con người. Đây là triết lý sâu sắc cho các nhà giáo dục, biết khơi dậy, nuôi dưỡng, phát huy phần tốt đẹp, tích cực trong mỗi trẻ em.

Nhân chuyện mèo và triết lý giáo dục, lại nhớ về câu chuyện Trạng Quỳnh dạy mèo của Chúa ăn rau. Chuyện rằng Chúa rất sủng ái một con mèo, bắt nhiều người phục dịch vất vả. Trạng Quỳnh liền bắt trộm mèo của Chúa đem về, tìm cách biến mèo Chúa thành mèo của dân. Trạng đặt một đĩa rau và một đĩa thịt, rồi thả mèo ra. Mèo quen thói sang ăn thịt, bị Trạng quất roi. Sau nhiều lần như vậy, mèo không còn bén mảng đến đĩa thịt, chỉ biết ăn rau. Chúa mất mèo, sai đi tìm, thấy nhà Trạng có con mèo giống mèo của mình. Chúa hỏi, Trạng chối, bảo mèo này là mèo của tôi, vì chỉ biết ăn rau, còn mèo của Chúa thì nó chỉ biết ăn thịt. Chúa bảo đem mèo ra thử, thấy đúng như vậy, cay cú lắm nhưng đành chịu thua.

\Chuyện Trạng dạy Mèo là một điển hình về việc môi trường sống tác động làm thay đổi tính cách. Mèo của Chúa, vốn sống trong nhung lụa, sơn hào hải vị thế mà bây giờ chỉ biết ăn rau. Mèo vốn là loài ăn thịt, thế mà chỉ biết ăn rau, đủ biết sức mạnh và hiệu quả của phương pháp giáo dục kiên trì và kiên quyết.

Cha ông ta đã nói “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chiêm nghiệm “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn - Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nhà giáo dục kiên trì, có phương pháp đúng sẽ đạt được mục đích.

Tuy nhiên, cũng cần xét đến tính nhân văn của giáo dục. Giáo dục nghĩa là phát huy những phẩm chất tốt đẹp vốn có, tiềm ẩn, chứ không phải là làm thay đổi hoàn toàn bản chất của đối tượng. Nếu làm cho mèo chỉ biết ăn rau, thì đã không còn tính bảo đảm tính nhân văn của giáo dục. Nếu một nền giáo dục làm mất đi tính hồn nhiên, ngây thơ của trẻ em, thì đó là một dấu hiệu đáng báo động.

Năm con Mèo, thiết nghĩ cần phát huy những đặc tính ưu việt của mèo như thông minh, linh hoạt, mềm dẻo, tinh tế, nhanh nhạy để phát triển, thành công.

Trần Quang Đại

 (Hà Tĩnh)

LTS Dân trí - Năm Tân Mão nói chuyện Mèo âu cũng là chuyện thường tình, nhưng quả thật không dễ vì người ta đã nói quá nhiều rồi; hơn nữa đây là con vật rất quen thuộc với mọi người, vậy thì còn gì để nói và đáng kể chuyện vào dịp đầu xuân.

Song tác giả bài viết trên đây đã tìm ra những điều còn ít người để ý về những câu chuyện có liên quan với con Mèo, đó là “Những triết lý từ hình tượng Mèo”. Nhờ vậy, bài viết đem lại những thông tin có phần mới mẻ dù là thật hay hư cấu dưới dạng “tương truyền”, nhưng người đọc vẫn vui vẻ chấp nhận vì ý nghĩa giáo dục và nhân văn ẩn phía sau những câu chuyện hóm hỉnh mang tính dân gian.