Bạn đọc viết:
Những điều “tức mắt” ở chùa Thầy trước ngày khai hội
(Dân trí) - Trong những ngày giáp Tết, hình ảnh chùa Thầy đang nhếch nhác hơn bao giờ hết. Dù chưa vào hội, nhưng du khách đến đây vẫn bị chặt chém bởi những hướng dẫn viên du lịch gắn mác “bản địa”.
Chùa Thầy và những hình ảnh không đẹp
Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mồng 5 đến mồng 7 tháng 3 âm lịch hàng năm. Vì vậy, những ngày thường, chùa không có nhiều khách vãng lai. Khách đến chùa chỉ có vài nhóm học sinh, sinh viên, hoặc những đoàn du lịch nhỏ lẻ đến tham quan, lễ chùa. Phải chăng đây là lí do khiến khu di tích không được Ban quản lí “chải chuốt” như khi vào chính hội?.
Trong quần thể khu di tích chùa Thầy có một chiếc hồ rộng mang tên là Long Chiểu (ao Rồng). Hai bên hồ có hai cây cầu, cầu Nguyệt Tiên dẫn lên núi, cầu Nhật Tiên nối sang một đảo nhỏ, trên đảo có đền thờ Tam phủ. Hai cầu này nối sang hai bên tạo thành thế râu Rồng, làm tăng thêm vẻ đẹp huyền bí của hồ.
Thế nhưng, cầu Nguyệt Tiên được người dân sinh sống quanh khu vực này tận dụng làm nơi phơi quần áo, chăn chiếu. Còn cầu Nhật Tiên cũng trở thành nơi ghi dấu ấn tình yêu của các bạn trẻ khi đến tham quan.
Nhập nhèm đội ngũ hướng dẫn viên du lịch
Những ngày cuối năm, lượng khách đến chùa Thầy đang bắt đầu tăng lên. Có người đến tham quan, tìm sự thanh tịnh trong khung cảnh bình yên. Có người đi lễ chùa, khấn phật. Nhưng với những ai chưa từng một lần đến chùa Thầy rất dễ bị các hướng dẫn viên du lịch gắn mác “bản địa” chặt chém mà vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, đặc biệt là những bạn trẻ muốn tìm duyên ở hang Cắc Cớ.
Không có thẻ, không cần đồng phục, mang trên người bộ quần áo giản dị đúng chất thôn quê cùng một chiếc túi xách nhỏ trong đựng hương, tiền vàng mã... là đặc điểm dễ dàng nhận dạng của những hướng dẫn viên tự xưng là người bản địa khu hang Cắc Cớ.
Với sự nhiệt tình, lúc nào cũng cười cười, nói nói và sẵn sàng chụp ảnh cho khách bất cứ lúc nào chỉ với một lời mời gọi: “chốc xuống hang chơi thì thuê đèn giúp cô, chỉ 5 nghìn một chiếc thôi” nên ít người dám từ chối nhã ý của họ, đặc biệt là các bạn nam nữ thanh niên.
Thuê đèn xong, những hướng dẫn viên này tận tình chỉ dẫn khách xuống hang, vì thế, ai cũng ngỡ người dân ở đây thật tốt bụng. Chỉ đến khi xuống sâu trong hang, qua 12 cửa thờ, cửa nào họ cũng rút tiền, vàng đặt vào, cửa nào cũng bảo khách châm hương khấn vái thì ai nấy ngờ ngợ hiểu ra. Ra khỏi hang, hóa vàng lấy lộc, lúc tính tiền thì khách du lịch té ngửa vì bị “chém” quá ngọt.
Bạn Trần Thị Hường (sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội) bước ra khỏi hang, cười như mếu: “Chỉ tính riêng tiền lễ, tiền thuê đèn và tiền dịch vụ hướng dẫn bọn mình cũng mất trên dưới 500.000đ, may vẫn còn đủ tiền hai đứa đi xe bus về nhà trọ. Đấy là họ còn bảo tính giá sinh viên, nếu người đi làm thì không biết phải mất bao nhiêu tiền cho đủ”.
Đào Lan Anh