Bạn đọc viết:

Những dịch vụ “chui” ở bến xe Giáp Bát

(Dân trí) - Giáp Bát là bến xe nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, số lượng người và xe cộ ra vào quanh bến rất đông. Tuy nhiên, bên trong bến vẫn xuất hiện nhiều hình ảnh chướng tai, gai mắt gây phiền hà, khó chịu cho hành khách.

Bánh mì “chui”

Lực lượng bán bánh mì dạo xung quanh bến hoạt động từ sáng sớm cho đến tận 7,8 giờ tối. Hầu hết đều là phụ nữ, những người ngoại tỉnh. Họ cùng lấy bánh trong một xưởng và tỏa khắp các khu vực quanh bến xe để bán hàng.
 
Người bán bánh mì dạo trong bến xe Giáp Bát
Người bán bánh mì dạo trong bến xe Giáp Bát

Ngồi quan sát tại một điểm xe buýt chỉ chừng 20 phút nhưng có hàng chục người bán bánh mì đến mời mọc chúng tôi. Một số khách là học sinh khi được họ mời mua mà không trả lời rõ ràng chỉ lắc đầu quay đi sẽ bị 2 - 3 người xúm lại dè bỉu, sỉ nhục ngay trước mặt bao nhiêu người: “Trông xinh xắn thế mà vô học”.

Kim Loan (sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: Nhà  Loan ở huyện Thường Tín nên thường đi tuyến xe buýt số 06, hàng ngày cô chứng kiến được nhiều hình ảnh của những người bán bánh mì này.

Có lần ngồi đợi xe, 2 phụ nữ khoảng ngoài 30 tuổi đến mời mua bánh nhưng Loan không mua, Loan chọn mua của một bà lão vì nhìn thấy bà thất thểu, tội nghiệp. Ngay lập tức bà bị 2 chị kia nói luôn: “Sao lại cướp khách của chúng tôi hả mụ già”, thậm chí những người này còn xỉa xói khách không thương tiếc.

Những người bán hàng rong như: nước, kẹo cao su thường ngụy trang, che giấu các lực lượng an ninh bến xe trong những chiếc làn hoặc túi đen. Khi thấy bóng dáng đội tự quản là lại tranh thủ len lỏi trên những chiếc xe buýt đường dài, vừa né tránh, vừa tranh thủ mời chào khách trên xe để tiện việc buôn bán.

Xe ôm “chui”

Bên cạnh đội ngũ xe ôm có đồng phục được phép hoạt động trong bến thì vẫn còn không ít những người mặc quần áo bình thường để vào bến đón khách. Họ vào hùa cùng đội ngũ xe ôm ở bến, họ ngang nhiên trêu ghẹo khách, đặc biệt là phụ nữ.
 
Đội ngũ xe ôm “đón khách” từ xe buýt xuống
Đội ngũ xe ôm “đón khách” từ xe buýt xuống

Thấy khách từ trên xe buýt xuống bến là cả toán xe ôm lao tới, mời chào thậm chí lợi dụng. Những người khách là phụ nữ tuy đã trả lời không đồng ý nhưng cánh xe ôm cứ bám riết theo, sờ tay, sờ vai và buông lời tán tỉnh. Khách vừa xuống xe đã bị chỉ điểm, thậm chí có người mặc dù biết khách không đi nhưng vẫn cố tình khuân đồ, ép hành khách phải đi.

Khang Linh (24 tuổi, y tá bệnh viện Bạch Mai) vẫn bàng hoàng khi kể lại hôm ngồi đợi bạn ở bến xe Giáp Bát. Ngồi đợi bạn ở điểm xe buýt 21 bên trong bến thì một người mặc đồng phục xe ôm bóp nhẹ vào vai cô rồi hỏi: “Người yêu đi đâu người yêu, anh chở”. Mặc dù đã thái độ và trả lời không đi nhưng người xe ôm vẫn tiếp tục hành xử thiếu văn hóa và nói năng thiếu tôn trọng. Linh phải chạy vội ra chỗ khác vì sợ.

Trong phòng bán vé dành cho hành khách đi về các nơi ngoại tỉnh mặc dù đã có biển cấm các lơ xe bén mảng vào khu vực ngồi chờ của khách để chèo kéo nhưng một số người vẫn giả mặc quần áo lao công để lợi dụng mời chào hoặc cò mồi.

Không chỉ thế, thời gian gần đây bến xe còn xuất hiện cách giao bán đồ của một số đối tượng. Sỹ Dũng (sinh viên Đại học Điện lực Hà Nội) kể lại: Có hôm Dũng đang nói chuyện với bạn ở phòng chờ bán vé thì một người đàn ông trạc ngoại tứ tuần đến ghé tai: “Có mua máy ảnh không, anh bán lại cho giá rẻ”. Thế rồi ông ta chìa cái mũ cối ra đưa cho chiếc máy ảnh và chiếc điện thoại.

Bình thường, chiếc máy ảnh Canon như thế giá hơn 4 triệu đồng nhưng đây giá chỉ có hơn 1 triệu đồng, rẻ hơn gấp 3 lần. Mở máy ra, thấy mọi thứ vẫn dùng tốt, Dũng gom hết cả tiền về quê để mua chiếc máy ảnh đó.

Ai ngờ, khi quay trở lại ký túc xá, người bạn cùng phòng mới phát hiện đây chính là chiếc máy ảnh bị lấy mất hôm đi trên xe buýt tuyến 16. Rất nhiều người nhẹ dạ, cả tin những đối tượng bán hàng rong ở các bến xe để rồi mua phải đồ móc túi mà không hay biết, khi phát hiện ra thì dở khóc, dở cười.
 
Nguyễn Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm