Những “bất thường” khi cổ phần Công ty Vinacam
(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) vừa có văn bản gửi Bộ NN&PTNT báo cáo 6 nội dung liên quan đến việc thu hồi tản sản cho Nhà nước.
Vigecam là doanh nghiệp trực thuộc Bộ NN&PTNT, do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Năm 2007, Tại Vigecam đã xảy ra vụ án kinh tế nghiêm trọng với nhiều cán bộ, lãnh đạo bị khởi tố. Trước tình hình trên Bộ NN&PTNT đã điều động, bổ nhiệm, củng cố lại bộ máy lãnh đạo mới cho Vigecam.
Sau 5 năm hoạt động sản xuất kinh doanh vốn chủ sở hữu tại Vigecam đã tăng 110 tỷ đồng. Các nội dung đơn thư tố cáo tại Vigecam đã được Thanh tra Chính phủ, Công an TP. Hà Nội có văn bản kết luận cụ thể.
Trong công văn số 172 và 181/CV-VTNN-KH của Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) gửi Bộ NN&PTNT cho biết, qua việc góp vốn, giải thể chi nhánh, thành lập Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Vinacam (sau đây gọi tắt là công ty cổ phần Vinacam) và chuyển nhượng cổ phần của Vigecam có vấn đề cần xem xét lại.
Cụ thể, chi nhánh Vigecam tại TP. Hồ Chí Minh được thành lập năm 1997 là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Vigecam, được giao quản lý trụ sở Vigecam tại số 28 Mạc Đĩnh Chi, TP. Hồ Chí Minh và các bất động sản khác của Vigecam do ông Vũ Duy Hải làm giám đốc chi nhánh. Đến tháng 1/2005, chi nhánh Vigecam tại TP. Hồ Chí Minh lập phương án chuyển đổi hình thức hoạt động của chi nhánh sang công ty cổ phần.
Ngày 12/4/2005, Hội đồng quản trị Vigecam có Quyết định số 45VT/HĐQT/QĐ phê duyệt đề án góp vốn thành lập công ty cổ phần Vinacam có trụ sở tại số 28 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Vigecam góp vốn 12,5 tỷ đồng (125.000 cổ phần), bằng 36,76% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Vinacam, nguồn vốn góp bằng giá trị các động sản và bất động sản của Vigecam gồm:
Trụ sở chi nhánh tại 28 Mạc Đĩnh Chi, TP. Hồ Chí Minh là tòa nhà điều hành phía Nam của Vigecam (1 nhà xây dựng 7 tầng kiên cố, mặt bằng 207m2, diện tích sử dụng 1470m2 được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2004, giá trị quyết toán 3,991 tỷ đồng, giá trị thẩm định lại 3,595 tỷ đồng). Về việc này Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có văn bản số 106/C37(P3) ngày 2/3/2009 gửi UBND TP. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trong quá trình điều tra vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái, xảy ra tại Vigecam (thuộc Bộ NN&PTNT), Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an thấy có việc Công ty quản lý kinh doanh nhà TP. Hồ Chí Minh (thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh) ký các hợp đồng cho chi nhánh Vigecam (được sự ủy quyền của Vigecam) thuê nhà số 28 đường Mạc Đĩnh Chi (khu liên cơ), quận I, trong đó: Ngày 20/3/2006, Công ty Quản lý và kinh doanh nhà Thành phố và Vinacam đã ký biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà số 22/TN ngày 23/1/2003 giữa Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố với chi nhánh Vigecam là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi của Nhà nước.
Khu kho Tiền Giang, tại khu 5, phường 9, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang được Vigecam mua đấu giá năm 2004 với giá trúng thầu 3.810.000.000 đồng, diện tích 4.372m2, được định giá 3.757.083.333 đồng, giá trị đưa vào góp vốn 3.757.083.333 đồng.
Vườn cao su Phú Giáo tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương : Năm 2004, Vigecam thu hồi từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Hoa, do Trung tâm thẩm định giá miền Nam thẩm định, diện tích 45,45ha (trong đó có 32,14 ha vườn cao su và 13,31ha đất trống) giá trị 5.082.300.000 đồng, giá trị đưa vào góp vốn 5.082.300.000 đồng.
Theo quy định của Nhà nước khi đưa tài sản vào góp vốn thì phải đánh giá lại giá trị của tài sản. Song, việc đưa vườn cao su Phú Giáo vào góp vốn đã không xác định lại giá trị, không đưa giá trị vườn cây cao su (là tài sản trên đất) và áp dụng khung giá đất tại tỉnh Bình Dương từ năm 1999 (phải áp dụng vào khung giá đất của tỉnh Bình Dương năm 2004 theo Quyết định số 182/2004/QĐ-UB ngày 27/12/2004 của UBND tỉnh Bình Dương) đã làm thất thoát tài sản của Nhà nước hàng chục tỷ đồng…
Ông Vũ Duy Hải được cử là người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Vinacam (ông Hải giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinacam).
Đến ngày 29/9/2005, Tổng giám đốc Vigecam đã có quyết định số 97-QĐ/VTNN bán 108.000 cổ phần của Vigecam (tương đương 10,8 tỷ đồng) tại Công ty cổ phần Vinacam; ngày 21/6/2006, Tổng giám đốc Vigecam có quyết định số 45/QĐ-VTNN bán nốt 17.000 cổ phần của Vigecam (tương đương 1,7 tỷ đồng) cho Công ty cổ phần Vinacam.
Như vậy, kể từ sau thời điểm này quyền lợi và nghĩa vụ của Vigecam tại Vinacam hoàn toàn không còn gì, vốn và tài sản nhà nước đã bị bán hết.
Trong quá trình bán cổ phần của Vigecam tại Vinacam, Tổng giám đốc Vigecam và ông Vũ Duy Hải người đại diện phần vốn của nhà nước tại Vinacam đã không tổ chức đấu giá cổ phần theo quy định. Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 2341/BNN-DDMDN ngày 20/8/2007 đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho ý kiến.
Căn cứ vào văn bản trả lời của Bộ Tài chính số 13172/BTC-TCDN ngày 1/10/2007 nêu rõ: “Khi mang tài sản góp vốn cổ phần thì thực hiện việc đánh giá lại tài sản theo quy định tại điều 21 Quy chế quản lý tài chính công ty nhà nước. Những tài sản tham gia góp vốn vào công ty cổ phần phải được đánh giá lại theo đúng các quy định của nhà nước về đánh giá tài sản. Đối với tài sản trên đất phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về đất đai.
Việc chuyển nhượng cổ phần của Vigecam phải thông qua đấu giá. Trong trường hợp đem tài sản góp vốn cổ phần, bán cổ phần nhà nước trong công ty cổ phần không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì xử lý theo điều 32, điều 34 quy chế quản lý tài chính công ty nhà nước và các văn bản pháp luật khác”.
Tháng 8/2006, lãnh đạo Vigecam ra quyết định giải thể chi nhánh, số lao động gồm cả ông Hải – Giám đốc chi nhánh nghỉ hưởng chế độ 41/CP hầu hết chuyển sang làm việc tại Vinacam.
Từ những căn cứ trên, lãnh đạo Vigecam đã có văn bản xin ý kiến Bộ NN&PTNT cho phép Thanh tra Bộ NN&PTNT cùng Vigecam làm việc với các cơ quan nhà nước kiểm tra xem xét, thực hiện đúng quy định của pháp luật, kiên quyết thu hồi tài sản cho nhà nước.
Ban Bạn đọc