Nhức nhối nạn in lậu sách

Trước khi xuất bản sách ra thị trường, các nhà xuất bản phải mua bản quyền tác phẩm. Nước ta cũng đã chính thức tham gia công ước Berne (công ước bảo hộ quyền tác giả) vào năm 2004. Mặc dầu vậy, nạn in lậu sách vẫn còn phổ biến ở nước ta.

 
Nhức nhối nạn in lậu sách - 1

“Nói không” với sách in lậu là cách để người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình
 
Sách là loại sản phẩm văn hoá đặc biệt, chất lượng in ấn có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải đầy đủ, chính xác, khoa học các thông tin, nội dung bên trong của mỗi cuốn sách. Trước khi xuất bản một ấn phẩm sách ra thị trường, nội dung các cuốn sách đều đuợc các nhà xuất bản mua bản quyền. Nước ta cũng đã chính thức tham gia công ước Berne (công ước bảo hộ quyền tác giả) vào năm 2004.
 
Mặc dầu vậy, vấn nạn sách lậu hoành hành trong thời gian dài vừa qua đã gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với độc giả và các nhà xuất bản. Trong nhiều năm qua, việc chống in lậu sách đã được các nhà xuất bản và các ban, ngành chức năng triển khai khá quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao. Trái lại, vấn nạn in lậu sách còn có chiều hướng gia tăng, diễn biến tinh vi, phức tạp và ngày càng ngang nhiên hơn. Đây quả là thách thức không nhỏ đối với nỗ lực làm lành mạnh hoá thị trường sách đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của người đọc.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nếu như trước đây, việc in lậu sách mới chỉ dừng lại ở những đầu sách mới, “hot”, có nội dung “giật gân” hay thời sự thì hiện nay, quy mô của hành vi in lậu và vi phạm bản quyền ngày càng lớn về số lượng đầu sách, số bản in. Vì lợi nhuận, những kẻ in lậu sách không giới hạn ở một loại sách cụ thể nào: từ sách văn học, sách phổ biến kiến thức khoa học đến giáo trình và sách giáo khoa.
 
Khâu tổ chức in, phát hành sách in lậu được các đầu nậu thực hiện khá tinh vi. Thường thì ruột sách và bìa sách được in ở những nơi khác nhau sau đó gom lại và đóng thành quyển. Sau khi in và hoàn thiện xong, sách được phân tán nhanh về các đại lý để tiêu thụ. Để “qua mặt” người mua và các cơ quan quản lý, sách thật thường được trà trộn với sách giả.
 
Người tiêu dùng nếu không xem xét kỹ sẽ khó phân biệt. Một “chiêu thức” khác mà những kẻ in ấn, phát hành sách lậu sử dụng là tìm cách “đánh” vào tâm lý thích mua của rẻ của khách hàng, tìm cách hạ giá bán xuống thấp hơn nhiều so với sách thật. “Chiêu thức” này được thực hiện thông qua các hình thức giảm giá, khuyến mãi có khi tới 30-50% so với giá bán được ghi ở bìa.
 
Những kẻ in và phát hành sách lậu còn tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động. Sách in lậu không chỉ xuất hiện trên các giá sách của các đại lý lớn mà còn được bày bán công khai ở các vỉa hè, trong công viên. Sách lậu còn được tuồn về các địa bàn nông thôn, miền núi. Các đầu nậu in lậu sách còn sẵn sang chi mức chiết khấu cao từ 20-40% nhằm kích thích các đại lý tiêu thụ.

Nạn in lậu sách gia tăng đã gây ra những thiệt hại không nhỏ về uy tín và doanh thu đối với các nhà xuất bản. Khi mà sách lậu có được “chỗ đứng” và thị phần đáng kể trên thị trường, đồng nghĩa với việc những cuốn sách thật do các nhà xuất bản phát hành (thường có giá cao hơn sách lậu) sẽ rơi vào cảnh ế ẩm. Thiệt hại lớn nhất từ vấn nạn sách lậu thuộc về những độc giả mua phải sách giả.
 
Người mua sách in lậu bị thiệt hại về chất lượng của giấy in, mực in và cả nội dung thông tin bên trong của cuốn sách. Những lỗi về tên sách, tiêu đề, tiêu mục, hiện tượng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong các cuốn sách in lậu không phải là cá biệt. Đáng lo ngại nhất là tình trạng sách giáo khoa của nhà xuất bản giáo dục Việt Nam bị in lậu lưu hành trên thị trường và đến được tận tay học sinh.
 
Trong sách văn học, nếu in thừa hoặc thiếu dù chỉ là một dấu câu thì đã có thể làm sai lệch ý nghĩa của cả văn bản. Đối với sách giáo khoa lậu, nếu in sai hình ảnh, chú thích có thể gây ra những hiểu lầm về mặt nội dung. Học sinh sẽ bị lệch lạc trong việc thu nhận kiến thức. Trong khi sách giáo khoa yêu cầu rất nghiêm ngặt về tính khách quan, khoa học, chuẩn xác.

Tình trạng sách in lậu ngang nhiên hoành hành trên thị trường sách thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. In lậu sách thực chất là làm giả sách. Tuy nhiên khung hình phạt hiện nay đối với những kẻ làm sách giả còn chưa tương xứng với tội trạng làm hàng giả, tiêu thụ hàng giả. Hầu hết các đại lý làm sách in lậu khi bị phát hiện chỉ bị xử phạt hành chính.
 
Mức xử phạt lại quá thấp so với lợi nhuận thu được trong lĩnh vực in, phát hành sách lậu. Một số nơi lại chỉ mới xử phạt những kẻ in sách lậu mà còn để “lọt lưới” những kẻ tòng phạm, tiếp tay. Hiện nay, phương tiện in ấn, sao chép ngày càng hiện đại cũng là một trong các lợi thế của những kẻ in sách lậu.
 
Thủ đoạn “làm ăn” của những đầu nậu in sách lậu ngày càng tinh vi, được tổ chức liên hoàn, chặt chẽ từ khâu in ấn, gia công, hoàn thiện đến việc phát tán ra thị trường nên các cơ quan chức năng rất khó phát hiện và triệt phá. Trong khi lực lượng chức năng còn mỏng, không đủ để kiểm soát hết được thị trường sách rộng lớn, phức tạp.
 
Do không tốn kém về các chi phí như: bản quyền, thuế, chất lượng mực in, giấy in không đảm bảo nên giá sách giả thường thấp hơn nhiều so với sách thật lại có mức chiết khấu cao nên đã thu hút được mạng lưới trung gian là các đại lý tiêu thụ và một lượng lớn độc giả có thu nhập thấp hoặc trung bình. Liên quan đến vấn đề này, có thể nhận thấy, chính tâm lý dễ dãi và cái lợi trước mắt vì mua được sách rẻ của khách hàng đã vô tình “tiếp tay” cho nạn sách lậu hoành hành.

Nhằm làm lành mạnh hoá thị trường sách, ngăn chặn tiến tới đẩy lùi nạn in lậu sách cần phải có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, triệt để và đồng bộ. Trước sự hoành hành ngày càng nghiêm trọng của nạn in lậu cần phải nâng cao khung hình phạt, mức xử lý.
 
Có thể sử dụng các biện pháp mạnh, kiên quyết như: tịch thu, tiêu huỷ phương tiện in ấn, làm sách lậu, đóng cửa, cấm hành nghề, truy thu tiền bản quyền đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm. Các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên thanh, kiểm tra các cơ sở in và các nhà sách. Nếu phát hiện vi phạm, cần có sự thống nhất cao độ trong trong việc xử lý của các ngành chức năng, tránh tình trạng lực lượng công an bắt nhưng toà án chỉ xử nhẹ, chủ yếu là phạt hành chính, lực lượng quản lý thị trường đứng ngoài cuộc vì không coi đây là hàng giả.
 
Đối với sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ cho việc học tập của học sinh, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam phải tìm cách đẩy lùi nạn sách lậu bằng việc nâng cao chất lượng sách và giảm giá bán. Với sách giáo khoa, khi in với số lượng lớn có nghĩa là lợi nhuận thu được không nhỏ. Nếu giảm giá bán đến mức nhà xuất bản vẫn có lời mà các cơ sở in lậu không thu lời được thì đương nhiên phải “giải nghệ”.
 
Việc phát hành sách giáo khoa cũng cần được tổ chức chặt chẽ, tăng cường tiếp cận, phát hành đến tận tay học sinh. Được biết, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đưa ra đề xuất trong thời gian tới, mỗi cuốn sách in lậu sẽ bị các ngành chức năng xử lý theo cả 3 tội danh: vi phạm luật xuất bản với mức phạt cao nhất là 30 triệu đồng; vi phạm luật sở hữu trí tuệ với mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng và vi phạm tội làm hàng giả thuộc Bộ luật Hình sự.
 
Trong khi chờ đợi những chế tài mạnh được áp dụng trong thực tế, người tiêu dùng cũng cần chung sức trong cuộc chiến với nạn sách in lậu bằng cách phát hiện, tẩy chay. “Nói không” với sách in lậu cũng là cách để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

 

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Nạn in lậu sách đúng là một vấn nạn xã hội rất đáng quan tâm và cần có những biện pháp đồng bộ để đẩy lùi tệ nạn này. Tác giả bài viết trên đây đã nêu rõ thực trạng, nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Mong rằng các cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản lưu tâm nhiều hơn đến việc phối hợp chặt chẽ và có những biện pháp kiên quyết ngăn chặn tệ nạn in lậu sách. Mặt khác đối với đông đảo bạn đọc đừng vì tham của rẻ mà mua sách in lậu không bảo đảm chất lượng và làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường văn hóa.
 
“Nói không” với việc mua sách in lậu chính là thể hiện trách nhiệm công dân đối với lĩnh vực kinh doanh văn hóa, kiên quyết không tiếp tay cho những kẻ làm ăn bất chính.