Nhìn lại 5 năm mở rộng phân ban ở bậc THPT

Đây là năm thứ 5 thực hiện chương trình phân ban đại trà ở bậc THPT. Tiếng là phân ban nhưng thực tế hiện nay lại là không phân ban, vì hầu hết học sinh chỉ chọn và học ban cơ bản mà thôi.

Về chương trình, sách giáo khoa phân ban có nhiều đổi thay so với chương trình, sách giáo khoa hệ cải cách. Nhưng xem ra, chất lượng dạy và học chương trình mới này lại không có gì khá lên, thậm chí còn sa sút hơn thời trước đây. Học sinh vẫn lười nhác tư duy, rất thụ động trong học tập. Giáo viên thì dậm chân tại chỗ về phương pháp dạy học, đọc chép như cũ.

Kì vọng vào cái tốt đẹp, tích cực của chương trình mới dường như đã xa vời. Nhiều chuyên gia giáo dục kết luận rằng, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả chưa đạt, là do giáo viên yếu kém về kiến thức chuyên môn, trì trệ, chậm đổi mới về phương pháp dạy học. Đánh giá như vậy là chính xác, đúng tình hình thực tế.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Để khắc phục điểm yếu đó của đội ngũ giáo viên, thời gian qua ,Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có những cố gắng đề ra những biện pháp cụ thể khắc phục. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên. Có văn bản yêu cầu các trường, địa phương thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học ở các môn xã hội, văn, sử, địa, giáo dục công dân...Chuyển sang hình thức hợp đồng giáo viên, không còn biên chế nữa, để giáo viên tích cực , năng động hơn. Có hướng  giao cho hiệu trưởng trả lương cho giáo viên theo năng lực, hiệu quả. Ra chỉ thị về việc cấm đọc cho học trò chép và giáo viên dạy theo kiến thức chuẩn. Triển khai chuẩn đánh giá hiệu trưởng , giáo viên và tự đánh giá của cơ sở giáo dục...Những nỗ lực ấy, theo những “người trong cuộc” nhận xét thì cũng chỉ có tác dụng tạm thời, làm xôn xao lên một thời gian ngắn rồi xẹp xuống như bong bóng. Nó chưa đủ lực để lăn đi "cỗ máy" giáo viên vốn ì ạch, già nua lâu nay. Vì sao vậy? Theo chúng tôi suy nghĩ, bởi các nguyên nhân " gốc" sau đây:

-Có một thời gian khá dài, ngành sư phạm là ngành chẳng ra gì. Các trường đào tạo sư phạm, chỉ toàn nhận được thứ "hạt gạo" dưới sàn. Học hành yếu kém, lòng yêu nghề, năng khiếu nghề không có mấy,  song vì đường cùng, dạng "chuột chạy cùng sào" nên mới chui vào sư phạm. Trong trường sư phạm, học kiểu gì cũng được ra trường, làm thầy, làm cô như ai. Cái "gốc" hạn chế, yếu kém nhiều thì làm sao dạy cho được, cho tốt? Hậu quả là học sinh, xã hội phải lãnh đủ.  Gần đây,  Nhà nước có chủ trương,miễn giảm học phí đối với sinh viên sư phạm nhằm thu hút nhiều học sinh khá, giỏi vào học. Nhưng thực tế, nhiều em khá, giỏi vẫn" quay lưng", không mấy mặn mà với nghề giáo ( có nhiều lý do). Và bản thân các trường sư phạm cũng yếu kém từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giảng viên, giảng dạy, đào tạo hạn chế, còn nhiều bất cập. Sinh viên yếu, cộng với trường yếu nữa, thì sản phẩm ra lò tất nhiên phải yếu.

-Nhìn vào  những người làm công ăn lương, thì thu nhập và mức sống của nhà giáo vẫn thấp nhiều. Tuy lương, phụ cấp các ngành khác không bằng ngành giáo, song những khoản phụ, phần mềm, thưởng này nọ của họ, cộng lại vẫn vượt xa lương, phụ cấp của giáo viên. Tết nhất, hầu hết, giáo viên chả biết tiền thưởng là gì. Thu nhập, mức sống khá chật vật. Tiền chi tiêu cho mình và gia đình chưa đủ, thì nghĩ gì đến chuyện mua sách để đọc. Tìm cách làm thêm, cải thiện đời sống, thì thời gian đâu để đầu tư chuyên môn, bài vở. Xin đừng hô hào, lí tưởng suông! Thời nay khác thời xưa. Không có thực thì làm sao vực được đạo? Mặt khác, nghề này quá lặng lẽ, gò bó, công việc cứ đều đều, lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán. Kể cả gia đình giáo viên, nhiều người cũng không có ý định hướng cho con em mình nối nghiệp bố, mẹ, vì thấy nghề này vất vả, nhọc nhằn mà xã hội lại luôn yêu cầu, đòi hỏi cao. Đây cũng là lí do, khiến hệ giáo dục mần non, tiểu học các thành phố lớn thiếu hụt trầm trọng giáo viên. Lương bổng, chế độ ưu đãi thấp quá, không đủ chi tiêu tối thiểu, hàng trăm giáo viên mần non, tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh bỏ dạy, kiếm nghề khác. Nhiều giảng viên trẻ có năng lực được giữ lại các trường đại học, vì lương bổng quá thấp nên cũng đành chia tay với trường lớp, ra bên ngoài kiếm nghề, ngành có thu nhập cao hơn. 

-Mặc dù là chương trình mới, tiêu tốn hàng triệu đô của nhà nước nhưng đã sớm bộc lộ nhiều bất cập, sai sót... Người ta từng tính chuyện phá đi làm mới hoàn toàn. Từ mục tiêu, chương trình, nội dung, đến biên soạn sách giáo khoa đều có "vấn đề" không ổn. Giáo viên và học sinh là hai đối tượng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Niềm tin của thầy cô vào chương trình, nội dung sách giáo khoa dường như suy giảm nhiều. Nảy sinh tâm lí tiêu cực trong giáo viên" mình đầu tư, nghiên cứu, giảng dạy chi cho hung, tới đây mấy ông trên Bộ, mấy ông làm chương trình, viết sách giáo khoa lại bỏ, lại đổi khác, thì thật phí công. Cứ tành tành, cứ tà tà cho rồi." Một khi ở trên không xong, rối tung, rối mù lên thì làm sao bảo bên dưới này yên ổn, say mê cho được?

-Những chủ trương lớn như " hai không", nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục...được phát động mấy năm qua, trong tình trạng không thực chất, " nói một đằng, làm một nẻo", rất nửa vời, kết quả đạt được chẳng có là bao. Những thầy cô giáo tâm huyết với nghề, với ngành giáo dục, cảm thấy thất vọng, chán nản, xói mòn niềm tin trước một thực trạng giáo dục yếu kém, có quá nhiều xáo trộn, lỏng lẻo.

Chúng tôi thiết nghĩ, muốn cỗ máy giáo dục bậc phổ thông vận hành tốt, bảo đảm chất lượng và hiệu quả họat động, thì đi đôi với với việc đổi mới công tác quản lý, đội  ngũ giáo viên có vai trò cực kì quan trọng. Vì vậy, Bộ giáo dục và đào tạo nên xem xét, giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề, bắt đầu từ chất lượng đầu vào các trường sư phạm; cần chăm lo tốt hơn đời sống và điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên; xác định rõ mục tiêu cũng như chuẩn xác hóa chương trình, nội dung sách giáo khoa; những cuộc vận động lớn trong ngành cần tiến hành có thực chất.  Bốn vấn đề đó có mối quan hệ hữu cơ với nhau, cần tiến hành đồng bộ thì mới đem lại hiệu quả mong muốn.

Thanh Bình

 

 

LTS Dân trí-Muốn nâng chất lượng giáo dục phổ thông nói chung và bậc học THPT nói riêng thì không thể không giải quyết tòan diện các vấn đề cốt yếu từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất-kỹ thuật và chương trình, sách giáo khoa, trong đó đội ngũ giáo viên là nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất. Điều đó cũng giải thích vì sao trong các cuộc kháng chiến trước đây, dù thiếu thốn mọi thứ, nhưng có đội ngũ giáo viên giỏi và tâm huyết với nghề, chúng ta vẫn làm nên những thành tích thật đáng tự hào trong giáo dục.

Ngày nay, dù thời thế đã đổi thay, nhưng bài học đó vẫn còn nguyên giá trị. Cho nên, muốn xoay chuyển tình hình giáo dục yếu kém hiện nay thì điều quan trọng trước hết là làm tốt việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên có thể yên tâm gắn bó cả đời mình với nghề, dành tòan bộ trí tuệ và tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người” .           

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm