Vụ kiện tại quận Hoàng Mai (Hà Nội):

Nhiều “uẩn khúc” của một bản án phúc thẩm

(Dân trí)- Trước dấu hiệu vi phạm về nội dung, thể hiện sự không khách quan, sử dụng chứng cứ một chiều, làm sai lệch hồ sơ vụ án, tước bỏ quyền được khởi kiện chính đáng của công dân, ông Phạm Ngọc Hào đã có đơn khiếu nại bản án của tòa phúc thẩm TAND Tối cao.

Nhiều “uẩn khúc” của một bản án phúc thẩm - 1
Đã qua hai cấp tòa, nhưng ông Phạm Ngọc Hào vẫn chưa tìm được công lý.
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Báo Dân trí nhận được đơn của ông Phạm Ngọc Hào, sinh năm 1962, trú tại số nhà 22, ngõ 159, phố Đông Các, phường Ô Chờ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội khiếu nại bản án số 142/2011/DSPT ngày 3/8/2011 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở của toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội.

Tại bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội cho thấy, năm 2001, ông Phạm Ngọc Hào có mua một ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nga (thôn Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì - nay là số nhà 224 đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) có diện tích 201m2 với giá 1,6 tỷ đồng.

Đến năm 2005, khi ông Hào làm thủ tục sang tên trước bạ mới ngã ngửa khi biết rằng ngôi nhà trên của mình giờ đã đứng tên sở hữu là người khác.

Trước việc quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại, ông Hào đã làm đơn khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ra TAND TP. Hà Nội.

Tại bản án số 63/2010/DSST ngày 25/11/2010, TAND TP. Hà Nội tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hào, công nhận hợp đồng mua bán nhà đất của ông Phạm Ngọc Hào và bà Nguyễn Thị Nga; Hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị Nga và bà Phạm Thị Ngọc Lan lập tại phòng Công chứng số 1; Yêu cầu ông Hoàng Diệu giao nhà đất tại 224 Kim Giang và các giấy tờ về nhà đất nêu trên hiện nay ông Diệu đang quản lý cho ông Phạm Ngọc Hào.

Tuy nhiên, tại bản án phúc thẩm số 142/2011/DSPT ngày 3/8/2011, của TAND Tối cáo tại Hà Nội đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 63/2010/DSST ngày 25/11/2010, TAND TP. Hà Nội và đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thụ lý số 05/2011/TLPT-DS ngày 28/1/2011 về việc tranh chấp mua bán nhà giữa ông Hào và bà Nga.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Qua xem xét bản án phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm đã sử dụng lời khai một phía của bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, xem xét, đánh giá lời khai của người làm chứng chưa khách quan, nhận định của bản án phúc thẩm không rõ ràng, trái ngược và mâu thuẫn với bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội.

Ngoài ra, hồ sơ vụ án cũng có nhiều lời khai thể hiện sự mâu thuẫn, không đồng nhất, không những không có tính hợp lý mà còn có những mâu thuẫn không thể lý giải.

Mặt khác, nhằm mục đích thi hành đúng và thống nhất các quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2004 ngày 10/8/2004 hướng dẫn đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện về hình thức và không có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc cơ UBND cấp có thẩm quyền.

Theo quy định tại Mục II, tiểu mục 2.3 điểm b3 của Nghị quyết số 02 này thì việc mua bán nhà đất của ông Hào thuộc trường hợp được hướng dẫn và được Toà án công nhận hợp đồng. Nhưng Toà án cấp phúc thẩm đã bỏ qua, không xem xét, áp dụng chính hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Toàn bộ bản án sơ thẩm không hề có một dòng chữ nào xác định hợp đồng giữa ông Hào và bà Nga đã ký là hợp pháp, mà bản án sơ thẩm công nhận giữa ông Hào và bà Nga hình thành một giao dịch dân sự thông qua việc chuyển nhượng nhà đất, giao dịch này đáp ứng được những điều kiện quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 1995.

Tuy vậy, toà án cấp phúc thẩm lại cho rằng: “Toà án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai không có chứng cứ nào của khác của ông Hào, cùng một số lời khai của các nhân chứng là người thuê nhà đất để xác định giữa ông Phạm Ngọc Hào và bà Nguyễn Thị Nga đã ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất tại thôn Kim Lũ, xã Đại Kim là hợp pháp là không có căn cứ pháp luật” (Trang 15, bản án phúc thẩm).

Trước bản án phúc thẩm không những có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về nội dung, thể hiện sự thiếu khách quan, sử dụng chứng cứ một chiều, làm sai lệch nội dung, tước bỏ quyền được kiện chính đáng của công dân, ông Phạm Ngọc Hào đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét và có quyết định kháng nghị Bản án số 142/2011/DSPT ngày 3/8/2011 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Vũ Văn Tiến