Nhiều mâu thuẫn trong nghi án “nữ sinh bị lột quần, tự tử”

(Dân trí) - Vụ việc nữ sinh Lương Thị H, học lớp 9 trường THCS xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương tự tử đang khiến dư luận bàn tán xôn xao về nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột của nữ sinh này.

Nhiều mâu thuẫn trong nghi án “nữ sinh bị lột quần, tự tử”
Chị Trâm - mẹ cháu H sốc nặng trước cái chết của con gái.
 

Đã nhiều ngày trôi qua nhưng cái chết của em H vẫn là nỗi bàng hoàng đối với những người dân nơi đây. Càng xót xa hơn đối với bố mẹ H khi cái chết của con gái mình còn mang nhiều uẩn khúc mà chưa được làm sáng tỏ. Vụ việc hiện nay đang cần được các cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ nhằm bảo vệ quyền lợi của H, an ủi được phần nào nỗi đau mất mát của gia đình nữ sinh, đồng thời cũng đảm bảo thực hiện chức năng của pháp luật xử đúng người đúng tội.

Để làm sáng tỏ hơn vụ việc, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý xung quanh vụ việc thương tâm này.

Luật sư Trương Anh Tú cho hay: Nội dung vụ việc đăng tải trên các phương tiện truyền thông đặt nghi vấn về nguyên nhân khiến nữ sinh tự tử là do không chịu được nỗi tủi hổ vì bị làm nhục giữa chợ nên sinh ra ý nghĩ tiêu cực. Mẹ của H kể lại sau cái chết của cô con gái, gia đình đã được một số người bán cá, thịt ở chợ cho biết vào ngày 09/02/2012 đã thấy H đứng khóc ở cửa hàng bán quần áo, chủ cửa hàng đã đánh đập H, đồng thời lột quần của H và trói vào cột điện vì cho rằng H lấy cắp quần trong cửa hàng.

Tuy nhiên, khi gia đình đến hỏi các cửa hàng bán áo quần gần đó thì các thông tin bị giấu nhẹm. Do đó, gia đình càng hoài nghi hơn đối với cái chết của con gái mình.

Có thể nhận thấy nghi ngờ của gia đình H hoàn toàn có căn cứ, bởi nếu câu chuyện chỉ dừng ở việc H bị phát hiện lấy cắp quần của cửa hàng, chủ cửa hàng yêu cầu mẹ H đến trả tiền mua chiếc quần đó thì sẽ không có vấn đề gì. Thế nhưng, các thông tin từ những người dân ở khu vực chợ cho thấy nhiều mâu thuẫn, khúc mắc trong vụ việc này.

Trong trường hợp thực sự có việc H bị đánh đập, lột quần áo và trói vào cột điện ở giữa chợ thì ở đây, vụ việc đã có yếu tố hình sự, cần được cơ quan công an điều tra làm sáng tỏ. Theo đó,“Tội làm nhục người khác” được quy định tại Điều 121 BLHS, có những dấu hiệu tội phạm đặc trưng sau.

Nhiều mâu thuẫn trong nghi án “nữ sinh bị lột quần, tự tử”
Con sông nơi em Lương Thị H đã gieo mình xuống

Theo quy định tại điều này thì một người bị coi là phạm tội “Làm nhục người khác” khi có hành vi “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm và danh dự người khác”. Đó là việc cố ý hạ thấp nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc làm mất uy tín, nhân cách của người đó đối với người thân trong gia đình, bạn bè, cơ quan hay nơi họ sinh sống, nơi công đồng. Việc xúc phạm thể hiện bằng lời nói như chửi rủa, xỉ nhục ở nơi đông người hay bằng những hành vi có tính bỉ ổi như: nhổ nước bọt vào mặt, lột quần áo, cắt tóc nạn nhân…

Mục đích của người phạm tội là mong muốn người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau như để trả thù (có thể trả thù người bị hại hoặc cũng có thể trả thù người thân của người bị hại…).

Người phạm tội cũng có thể có những hành vi vũ lực, dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình nhưng tất cả hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác.

Như vậy, dựa trên những yếu tố cấu thành tội phạm này, cơ quan điều tra cần tiến hành thu thập chứng cứ chứng minh có hành vi phạm tội này hay không.

Được biết ngay sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Giàng đã nhanh chóng xác minh sự việc và đưa ra kết luận không có hành vi làm nhục đối với nữ sinh H.

Mặc dù vậy, còn quá nhiều nghi vấn được đặt ra bởi các thông tin trái chiều về diễn biến của sự việc H đứng khóc ở chợ ngày 9/2/2012.

Thiết nghĩ vấn đề xác minh làm rõ đối với vụ việc này không quá phức tạp. Bởi ở một khu vực buôn bán nơi rất nhiều người dân thường xuyên qua lại, thì việc xảy ra hành vi làm nhục nói trên, nếu có, sẽ được chứng kiến bởi khá nhiều người dân. Các cơ quan chức năng cần thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra cụ thể, chi tiết hơn nữa để giải tỏa toàn bộ các nghi ngờ, khúc mắc của người dân.

Bên cạnh đó, những công dân nếu ai biết, có chứng kiến sự việc thì nên trình báo, hỗ trợ công tác điều tra vụ việc. Điều này hoàn toàn phù hợp với lương tâm đạo đức và cũng là quyền, nghĩa vụ công dân được pháp luật quy định.

Bộ luật hình sự không quy định hậu quả chết người là yếu tố cấu thành tội phạm “làm nhục người khác”, do vậy, dù có việc tự tử hay không thì hành vi làm nhục đối với H (nếu có) vẫn sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Vũ Văn Tiến