Nhiều lúc tối tăm mặt mũi để dịch đơn thuốc

Sao các bác sỹ không nghĩ đến hậu quả nếu ngộ bị dịch sai?! Tôi cũng là dược sỹ, có một cửa hàng bán thuốc, nhiều lúc tối tăm mặt mũi để dịch đơn vì chỉ sợ dịch nhầm.

 

Bạn đọc: Dinh Dung

 

Người ta nói ngày xưa do bệnh viện quá tải nên mới xảy ra tình trạng bác sỹ viếc nguệch ngoạc, khó đọc nên mới có câu chữ như chữ bác sỹ. Vậy mà ngày nay vẫn vậy.

 

Sao các bác sỹ không nghĩ đến hậu quả nếu ngộ bị dịch sai?! Tôi cũng là dược sỹ, có một cửa hàng bán thuốc, nhiều lúc tối tăm mặt mũi để dịch đơn vì chỉ sợ dịch nhầm. Thiết nghĩ không chỉ ông QTK mà nhiều Bác sỹ khác đều mắc cái cố tật này. Một việc nhỏ như vậy sao ngành y tế vẫn để nguyên, không can thiệp? 

 

Bạn đọc:  MTDT 

 

Tôi cũng đã từng rơi vào trường hợp của bạn, khi đưa vợ đi khám, bác sĩ kê đơn thuốc nhưng không thể đọc được. Tôi ra hiệu thuốc của bệnh viện mua và người ta đã bán thuốc cho tôi, nhưng khi về nhà, tìm hiểu trên mạng về loại thuốc mà người ta đã bán, tôi quả thực bất ngờ khi đọc được rằng công dụng của loại thuốc đó hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh của vợ tôi. Tôi đã hỏi lại người bán thuốc thì được họ trả lời là đọc được như thế thì bán thế. Tôi vô cùng hoang mang, rất tiếc vì một số lý do nên tôi chưa có điều kiện hỏi lại bác sĩ hay thử mua thuốc đơn thuốc đó ở hiệu thuốc khác... Nhưng cũng vì thế mà từ đó vợ tôi không dám uống thuốc.

 

Tôi không nghi ngờ gì trình độ của bác sĩ, nhưng tôi rất bất bình trước cách viết của các bác sĩ. Vợ tôi là giáo viên, tôi đã xem rất nhiều bài kiểm tra của học sinh, chữ đẹp cũng có, mà rất xấu cũng có, nhưng không có bài nào là không thể đọc được. Tôi đặt ra 1 câu hỏi rằng phải chăng trong trường đại học y, ngoài đào tạo 1 bác sĩ người ta còn đào tạo cách viết chữ xấu, chữ để “đánh đố” người bệnh???

 

Tôi được biết Bộ Y tế đã ban hành 1 văn bản yêu cầu về cách viết của bác sĩ (tôi nhớ không rõ nhưng chắc chắn là đã có), nhưng không biết cho đến khi nào người bệnh khi đi khám có thể yên tâm khi mua thuốc, khi đọc đơn thuốc của mình, những người bệnh đã hết sức mệt mỏi rồi, thế nhưng họ cũng mệt mỏi không kém khi phải mang đơn đi mua thuốc. Mong các vị bác sĩ đáng kính của chúng ta sẽ sớm có những thay đổi, phải chăng các vị chưa được nghe câu “nét chữ nét người” ư. Nghề y là 1 nghề cao quý, thế nhưng chỉ vì cách viết của các vị đã làm thay đổi đi hình ảnh của người thầy thuốc trong con mắt mọi người.

 

Bạn đọc: Tuấn Lưu Anh

 

Thực sự là tôi thấy rất buồn cười khi đọc bài viết này. Tôi cũng cố gắng đọc nhưng không thể. Có lẽ đây là chữ của thời La Mã khi mà chữ viết của người ta chỉ là những ký tự. Chắc có lẽ những chuyên gia mới có thể dịch nổi đơn thuốc này. Tôi không biết là khi mang đơn thuốc này lại cho bác sỹ Quách Tuấn Kiệt dịch thì có dịch được không nữa. Nếu như người bán thuốc không thể dịch được đơn thuốc mà vẫn cố bán cho người bệnh thì không biết hậu quả như thế nào. Lúc đấy ai sẽ là người chịu trách nhiệm hay là đổ lỗi cho đơn thuốc không rõ ràng. Các cụ ngày xưa nói chữ xấu như chữ bác sỹ có đúng không hay đó là “style” của bác sỹ. Tôi mong rằng thế hệ bác sỹ bây giờ bỏ “style” đó để người bệnh yên tâm uống thuốc không sợ bị uống “nhầm” thuốc do chữ quá xấu.

 

Bạn đọc: Nguyễn Hải Long

 

Tôi bức xúc về vấn đề này đã nhiều năm nay. Bài báo của Dân trí đã nói đúng vấn đề nhức nhối của xã hội. Tôi mong rằng từ bài báo này chúng ta sẽ tạo ra 1 diễn đàn làm thay đổi hiện tượng nêu trên. Không thể chấp nhận được cách làm tắc trách cẩu thả đó mãi duy trì.

 

Bác sỹ là nghề có học thức không thể có bất cứ lý do gì ngụy biện cho cách viết lách cẩu thả được. Đó là việc thiếu tôn trọng người bệnh. Sức khỏe, tính mạng của con người sẽ ra sao khi được giao cho những người tắc trách đó. Mong rằng ngành Y tế sẽ có quy chế xử lý vấn đề này.