Nhiều đơn vị muốn nhận chị Hương vào làm việc
(Dân trí) - Sau bài báo của Dân trí về hoàn cảnh “dở khóc, dở mếu” của chị Trần Thị Diệu Hương vì quyết định ngược đời của Sở Nội vụ Quảng Bình, đã có hàng trăm người gọi điện, nhắn tin và viết thư bày tỏ sự cảm thông với chị.
Chị Trần Thị Diệu Hương tiếp chuyện PV Dân trí.
Trong ánh mắt buồn vui lẫn lộn, chị Hương cho biết: “Từ mấy hôm nay, có rất nhiều người ở khắp nơi trong nước đã nhắn tin, gọi điện và gửi thư cho em. Hầu hết mọi người đều động viên, an ủi và khuyên em nên cứng rắn tiếp tục đi tìm công lý. Những người liên lạc với em đa số đều nói rằng họ tin cuối cùng chân lý sẽ chiến thắng.
Trong đó, có lá thư của một anh không ghi tên thật, nhưng đã kể lại một câu chuyện tương tự mà anh ấy từng trải qua. Anh ấy nói đã ở trong hoàn cảnh của em, nên rất hiểu và cảm thông cho em. Có những người chỉ nhắn cho em một câu ngắn gọn nhưng khiến em xúc động không cầm được nước mắt: “Xã hội và anh sẽ luôn đứng bên cạnh Diệu Hương”.
Biết hoàn cảnh chị Hương là con thương binh, một cán bộ công tác tại Hội cựu chiến binh tỉnh Đak-lak đã gọi điện bày tỏ sự chia sẻ với gia đình chị.
Chị Hương và gia đình cho biết, trong số những cuộc gọi, có khá nhiều người là lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp khẳng định sẵn sàng tiếp nhận chị Hương vào công tác, trong đó có lãnh đạo Sở Y tế một tỉnh phía Nam, một doanh nghiệp lớn ở Đà Nẵng.
Trong hàng nghìn phản hồi của độc giả gửi tới Dân trí, cũng có không ít người khẳng định sẵn sàng tiếp nhận chị Hương vào công tác tại cơ quan, doanh nghiệp của họ.
Nhắc đến điều này, chị Hương khá buồn bã: “Là con gái, bố lại là thương binh, em cũng mong muốn tìm được một chỗ làm trong tỉnh để góp phần xây dựng quê hương và có điều kiện chăm sóc bố mẹ.
Nhưng sau khi việc này xảy ra, em có đi xin khá nhiều chỗ nhưng hầu hết các nơi em đến đều trả lời rằng “cứ về theo kiện xong xuôi đi đã rồi tính chuyện đi làm”. Em cũng 27 tuổi rồi, được học hành hẳn hoi nên quãng thời gian gần 3 năm chờ đợi với em quả là dài và nặng nề lắm”.
Về phần mình, ông Trần Xuân Hùng - bố chị Hương - khẳng định: “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đòi lại sự công bằng cho con. Tôi không tin xã hội sẽ chấp nhận để gia đình tôi tức tưởi như vậy”.
Nhớ lại 2,5 năm qua, ông Hùng kể một câu chuyện “cười ra nước mắt”: “Nhà chúng tôi ở quê, thấy con gái tôi chẳng có công việc gì nhiều người cứ nói ra nói vào “chắc là ế chỏng ế chơ”, có người thậm chí còn dẫn mấy anh chàng chẳng ra gì đến để giới thiệu, bảo là kiếm cho nó tấm chồng cho xong một đời”.
Tuy nhiên, trước câu hỏi nếu được nhận vào làm chỗ cũ, chị Hương liệu có chấp nhận được những “áp lực vô hình” sau những gì đã xảy ra, chị Hương chỉ ấp úng: “Điều đó em cũng không biết nữa, em chưa đi làm, chưa va chạm nhiều nên không biết mình sẽ thế nào nếu được nhận vào làm chỗ cũ”.
Chia tay chúng tôi, chị Hương vẫn nói như khóc: “Sự quan tâm, chia sẻ của mọi người khiến em vơi buồn nhiều và cũng tin tưởng hơn vào sự công bằng xã hội. Nhưng chặng đường vừa qua dài quá, em không thể để cuộc đời trôi dần theo những vụ kiện tụng được anh ạ. Có lẽ, nếu cứ kéo dài thì em cũng phải bỏ quê đi tìm một mảnh đất mới mà thôi…”.
Hồng Kỹ