Chuyện lạ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội:

“Nhận tiền tiêu cực” vẫn được làm cao học (!?)

Câu chuyện bỏ tiền “mua” bằng thạc sĩ, tiến sĩ lâu nay vẫn được dư luận đồn thổi, nhưng không ai đưa được ra bằng chứng và cũng chẳng cơ quan quản lý giáo dục nào đứng ra “chủ trì” làm sáng tỏ.

Luận văn thạc sĩ khoa học của Nguyễn Văn Thuận tại Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội
Luận văn thạc sĩ khoa học của Nguyễn Văn Thuận tại Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thế nhưng, việc một học viên cao học của Trường ĐH Bách khoa HN đã bị cơ quan quản lý buộc thôi việc vì “nhận tiền tiêu cực” vẫn được Trường ĐH Bách khoa HN cho phép bảo vệ luận văn tốt nghiệp cao học, bước đầu vén lên “tấm rèm bí mật”...

Đi cao học nên… nhận tiền tiêu cực?

Năm 2009, ông Nguyễn Văn Thuận - giảng viên khoa Cơ khí - Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên (ĐH SPKTHY) - bị kỷ luật “buộc thôi việc”. Lý do kỷ luật ông Thuận được ghi rõ tại QĐ về việc thi hành kỷ luật số 790/QĐ-ĐHSPKTHY- ngày 30.6.2009: “Đã mắc khuyết điểm nhận tiền tiêu cực của sinh viên, đi ngược lại cuộc vận động “Hai không” đã và đang được triển khai thực hiện; vi phạm nghiêm trọng quy chế thi kiểm tra; vi phạm đạo đức nhà giáo; gây ảnh hưởng xấu trong cán bộ viên chức, giảng viên và học sinh sinh viên nhà trường, làm tổn hại đến uy tín của nhà trường”...

Tin ông Thuận bị đuổi việc xôn xao cả trường ĐH SPKTHY, nhiều thầy cô thấy “thông cảm” cho thầy giáo Thuận vì đang “đổ” công sức học cao học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nên đã phải “trót” nhận tiền tiêu cực của sinh viên.

Ngay sau khi ra QĐ buộc thôi việc ông Thuận, thầy Trần Trung - Hiệu trưởng ĐH SPKTHY - đã ký ngay CV (số 339/ĐHSPKTHY-TCCB ngày 3.7.2009) gửi ĐH Bách Khoa HN, Viện Đào tạo sau đại học (ĐTSĐH) “thông báo để quý trường, Viện ĐTSĐH và các đơn vị liên quan được biết; đồng thời xin hủy QĐ số 800/QĐ-ĐHSPKT ngày 28.9.2007 của Hiệu trưởng Trường ĐH SPKTHY về việc cử ông Nguyễn Văn Thuận đi học cao học năm 2007 tại ĐH Bách khoa Hà Nội”.

Đáng ngạc nhiên là sau thông báo của Trường ĐH SPKTHY, ngày 23.11.2009, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn ban hành QĐ về việc “Thành lập hội đồng chấm luận văn thạc sĩ cho học viên Nguyễn Văn Thuận; ngành cơ khí kỹ thuật; người hướng dẫn TS Trần Hữu Nam”. Và cuối cùng, cuốn “Luận văn thạc sĩ khoa học ngành cơ học vật liệu với đề tài “Mô hình hóa ứng xử siêu đàn hồi của dạng vật liệu composite cốt sợi” của “thạc sĩ nhận tiền tiêu cực” Nguyễn Văn Thuận đã nằm chễm chệ trên giá sách của thư viện danh tiếng Tạ Quang Bửu của Trường ĐH Bách khoa HN (?!).

Thầy bị buộc thôi việc vẫn được hướng dẫn…

Đến năm 2012, sự việc mới vỡ lở khi có đơn tố cáo gửi Thanh tra Bộ GDĐT, ngày 26.11.2012 Thanh tra Bộ GDĐT có CV gửi ông Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội “chuyển nội dung tố cáo” để Trường ĐH Bách khoa HN “xem xét, giải quyết theo quy định và báo cáo kết quả giải quyết về Bộ GDĐT trước ngày 15.12.2012”. Thế nhưng đến ngày 26.3.2013, ông Nguyễn Trọng Giảng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - mới ký ban hành “kết luận nội dung tố cáo” (số 182/KL-ĐHBK-HCTH).

Điều đặc biệt là lúc này, trong hồ sơ vụ việc Nguyễn Văn Thuận đã “xuất hiện” hai CV của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội gửi Hiệu trưởng Trường ĐH SPKTHY (ngày 12.4.2010) và gửi ông Chủ tịch UBND xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (ngày 14.4.2010) - nơi cư trú của Nguyễn Văn Thuận, hỏi về việc: “Anh Thuận có vi phạm và bị xử lý kỷ luật không? Nếu có thì là mức kỷ luật gì?...”.

 Với hai CV này, Trường ĐH Bách khoa HN trở nên “vô can” và ông Nguyễn Trọng Giảng dõng dạc tuyên bố: “Ngày 25.4.2010, Viện ĐTSĐH nhận được CV trả lời của Hiệu trưởng Trường ĐH SPKTHY thông báo về việc kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Văn Thuận. Sau khi nhận được thông báo của Trường ĐH SPKTHY, Trường ĐH Bách khoa HN đã xử lý theo đúng quy định của Bộ GDĐT” không công nhận học vị thạc sĩ đối với Nguyễn Văn Thuận (?!).

Trong một diễn biến khác, ngày 7.10.2010 TS Trần Hữu Nam - giảng viên bộ môn Sức bền vật liệu, Viện Cơ khí - bị ông Nguyễn Trọng Giảng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN - ký QĐ kỷ luật buộc thôi việc “vì đã tự ý bỏ việc đi nước ngoài không phép”. Một tháng sau (ngày 11.11.2010), Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN lại ra QĐ về việc giao đề tài luận văn thạc sĩ cho phép TS Trần Hữu Nam được hướng dẫn học viên.

Tất cả những lộn xộn trong công tác đào tạo sau đại học của Trường ĐH Bách khoa với đầy đủ chứng cứ như vậy, nhưng vẫn được Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Giảng khẳng định: “Thực hiện đúng các quy định về tổ chức và quản lý đào tạo sau đại học của Bộ GDĐT” (?!). Sự việc đến nay vẫn chưa được Bộ GDĐT giải quyết triệt để. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Thanh tra Bộ GDĐT đã có tờ trình “báo cáo nội dung vụ việc, đề xuất phương án xử lý đơn với Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Tuy nhiên, Thứ trưởng có ý kiến chỉ đạo (trái với Luật Tố cáo - PV) giao thanh tra bộ có buổi họp với lãnh đạo trường đề nghị gặp (người tố cáo) với tinh thần cầu thị, không nên kéo dài vụ việc ảnh hưởng đến công tác của đơn vị”(?!).
 
Theo Lao động