Nhà nông chờ hội xuống đồng đầu Xuân

(Dân trí) - Gặp gỡ, trao đổi với những người con tỉnh lẻ lên thủ đô làm ăn dịp này, chuyện “Tết nhất” giờ cũng chẳng quan trọng bằng nỗi mong mỏi ông thời tiết dự báo đúng, để ngay mùng Hai Tết bà con có thể xuống đồng cấy lúa kẻo lỡ thời vụ.

Nhà nông chờ hội xuống đồng đầu Xuân - 1
Xuống đồng cấy lúa (ảnh minh họa từ Internet).
 
Sản xuất lúa vụ xuân rất quan trọng, chiếm tới 55% sản lượng lúa cả năm. Nhưng vụ xuân phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, mà năm nay ông Trời lại quá  bất lợi  cho việc gieo cấy lúa.

 

Dẫu vậy theo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 1 đến giáp Tết, các địa phương trong cả nước đã gieo cấy được gần hai triệu ha lúa đông xuân, nhanh hơn 3,5% so cùng kỳ năm 2010. Các tỉnh miền bắc gặp khó khăn lớn do bị ảnh hưởng nặng nề của đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhưng vẫn nỗ lực gieo cấy được 86.600 ha, nhanh hơn 17,1% so với cùng kỳ năm 2010. Các tỉnh miền nam cũng đạt 1 triệu 861 nghìn ha, nhanh hơn 3% so cùng kỳ năm 2010.

 

Song với các tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung bộ, do có khoảng 15% diện tích mạ xuân (mạ trà xuân sớm và xuân trung) đã bị chết rét,  nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, khi nhiệt độ ngoài trời ấm lên vượt ngưỡng  15 độ C mới gieo mạ và cấy. Bà con nông dân cũng được khuyến cáo cần bố trí lượng giống dự phòng từ 5-10% bằng các giống lúa ngắn ngày để chủ động khắc phục khi cần thiết.

 

Trước Tết thì lo cháy ruột, giờ đã có thể thở phào rồi. Bánh mứt kẹo, quần áo  mới cho các cháu vợ chồng em đã mua sắm tàm tạm ở Hà Nội. Bố mẹ và các anh chị ở  nhà chỉ lo  gạo nếp, đỗ xanh và đụng ít thịt lợn nấu nồi bánh chưng. Thêm con  gà luộc  và nồi  thịt lợn nấu đông, muối vại dưa hành nữa là đủ cho ba ngày Tết. Chỉ mong trời ấm lên  để mùng Hai Tết cả nhà em sẽ xuống đồng, cấy vét số mạ  gieo đã già quá rồi. Nếu để chậm nữa thì e là không còn kịp thời vụ nữa.” – từ vùng quê lúa Thái Bình, cô thợ may tên Nhiên ở gần nhà tâm sự với tôi qua email.

 

Trước đó Nhiên đã phát khóc khi nhận được điện thoại của mẹ báo tin con trâu “đầu cơ nghiệp” của cả nhà cùng nhiều trâu bò của bà con trong xã dính dịch bệnh. May nhờ được chăm sóc và che chắn chuồng trại cẩn thận, nên sau đó đàn trâu bò ở xã cô hầu hết đều vực lại được, không bị chết hàng loạt như tại các tỉnh vùng cao Lạng Sơn (chết 6.674 con), Sơn La (chết 5.853 con), Cao Bằng (4.777 con), Lào Cai (4.133 con).

 

Một em gái khác tên Giang mà tôi quen đã lâu, người Hải Dương, gia đình cũng trong hoàn cảnh tương tự. Giang có chút vốn dành dụm sau vài năm sang làm giúp việc ở Đài Loan. Nhưng về nước rồi hai vợ chồng vẫn chỉ còn cách bám lấy vài sào đất  tiếp tục kiếm sống.

 

Đợt rét này, báo chí đưa tin: Hải Dương đã có 731 ha mạ xuân sớm chết rét, hơn 1.200 ha mạ còn lại bị táp lá, vàng lá, bộ rễ kém phát triển. Ước tính thiệt hại do mạ chết đến nay khoảng 6,5 tỷ đồng… Việc nhà nông chẳng mấy khi rảnh rỗi, vốn có tay nghề nấu ăn cũng kha khá, nên những lúc nông nhàn Giang lại ra thành phố làm đầu bếp kiếm thêm thu nhập. Lâu rồi Giang mới liên lạc với tôi, cũng lại là chia sẻ về chuyện  mùa vụ:

 

Đã tưởng mất Tết, nhưng may hai vợ chồng em vẫn động viên nhau cố gắng đội mưa rét quây nilon che chắn, ủ ấm giữ mạ, nên vẫn còn đủ số mạ sống, chỉ chờ ấm lên là chúng em cấy luôn. Vẫn còn phiên chợ sáng 30, em còn kịp sắm sanh ít thịt thà, cá  mú, bánh kẹo để hai con cũng được vui vẻ với chúng bạn. Năm nay đành lỡ hẹn mời chị về ăn Tết cùng. Đến mùa gặt chị ghé  ăn cơm mới với gia đình em vậy  nhé!” –  thư Giang viết.

 

Tin Nghệ An có tới 10.000ha lúa vừa cấy xong bị chết rét khiến Thu – em gái thợ phụ tại một tiệm làm tóc quen đứng ngồi không yên. Giáp Tết các tiệm làm tóc đều huy động nhân viên tối đa, hoạt động hết công suất nên không thể xin nghỉ sớm được. Thu rầu rĩ than thở:

 

Phải trưa 29 chị chủ mới linh động cho em nghỉ trước về lo chuẩn bị ruộng, mạ, để sáng mùng Hai mấy mẹ con cùng đi cấy. Miễn cắm được cây mạ xuống ruộng mà đứng vững được là đỡ lo rồi. Mẹ bảo vụ này nếu được mùa, vàng giảm giá một chút  thì mới có thể dành dụm mua vài chỉ  làm hồi môn gả chồng nốt cho gái út  được”.

 

Tôi phì cười trước cái giọng xứ Nghệ pha Hà Nội nũng nịu, càng thương hơn  cô con út trong gia đình thuần nông chất phác vừa phải chịu cảnh lũ lụt kỷ lục ở mảnh đất miền Trung đầy nắng gió ấy. Gia đình khó khăn nên con út cũng phải đi làm ăn xa. Được cái sống trong môi trường khá phức tạp ở thành phố, nhưng cô em có vóc dáng cao ráo, làn da trắng nõn, khá xinh đẹp này vẫn giữ được nết ngoan, hiền, chịu thương, chịu khó nên được cô chủ tín nhiệm và yêu mến. Khách đến sửa sang sắc đẹp ở tiệm ai cũng quý Thu, quan tâm, chia sẻ mọi chuyện buồn vui với cô như với người nhà.

 

Mong rằng cùng với những sáng kiến giúp ứng phó lâu dài với giá rét và cứu mạ hiệu quả sẽ được cả ngành chức năng và bà con nông dân lưu tâm, thì sự chủ động đối phó với những sự bất thường của thời tiết còn được các nhà nông chú trọng hơn.

 

Một vài kinh nghiệm đã được nêu trên báo Tiền Phong như các tỉnh Bắc Trung Bộ đã chủ động lùi thời vụ quanh tiết lập xuân, đảm bảo cây mạ, lúa sinh trưởng và phát triển. Hoặc ý tưởng để miền Trung cấp mạ cho miền Bắc vụ đông-xuân, mà thí điểm gieo mạ ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng rồi chuyển ra cấy ở miền Bắc, qua hai đợt thí điểm năm 2009 và 2010 ở xã Mai Đình cho thấy kết quả rất tốt. Phương thức này giúp thu hoạch sớm hơn 10 ngày so với gieo mạ và cấy tại miền Bắc, năng suất mỗi sào Bắc Bộ (360 m2) còn cao hơn từ 7 đến 10 kg…
 
Mong mọi nhà nông đều có cái Tết thật vui vẻ, đầm ấm và có một ngày hội xuống đồng thuận lợi để có một vụ mùa mới bội thu.

 

Thanh Nguyễn