Người Việt vẫn "gọi nhau về"

Dù đường xa vạn dặm, ở bất cứ đâu trên trái đất này, người Việt vẫn luôn "biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ", luôn "gọi nhau về" dưới mái chung…

Những chuyến đi công tác nước ngoài, ngoài háo hức tìm hiểu vô vàn điều mới lạ ở xứ người, không hiểu sao tôi luôn ấn tượng khi đi trên phố xa lạ bỗng gặp tấm biển đề chữ "Phở" quen thuộc, ăn một bữa cơm Việt đầm ấm và đặc biệt hơn cả là những lần gặp gỡ bà con người Việt ở đó khiến ai cũng ngỡ như đang gặp nhau ở quê nhà.

Người Việt vẫn gọi nhau về - 1

Tác giả và TS Nguyễn Đài Trang tại Gian Việt Nam, Toronto (Canada).

Chuyến đi đến thành phố Toronto - Canada cách nay vài năm, tôi may mắn được gặp tiến sĩ Nguyễn Đài Trang qua giới thiệu của một đồng nghiệp đang thường trú ở đất nước tây bán cầu xa xôi này.

Nhà Việt Nam thu nhỏ

Đó là một Việt kiều gốc Huế, giọng nói nhẹ nhàng, thu hút. Căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng rất "giàu" sách báo và những bức tranh lọt vào tầm mắt khi cánh cửa nhẹ mở, ánh trời và gió nhẹ ùa vào dịu sáng. Tôi nhẹ bước tìm về các ô trưng bày với nhiều sách, tranh ảnh, nhạc cụ tiêu biểu của đất nước Việt Nam, các bức tranh quý của các họa sĩ Canada vẽ về đất nước Việt Nam, về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Không thể ngờ được rằng, người phụ nữ Việt kiều khiêm nhường này là tác giả của bộ sách 3 tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gây tiếng vang rất lớn ở trong nước, ở Canada và trên thế giới gồm các cuốn sách "Hồ Chí Minh: Tâm và tài của một nhà yêu nước" (2010, Tiếng Việt và Tiếng Anh), "Hồ Chí Minh: Nhân văn và phát triển" (2013, Tiếng Việt, Tiếng Anh và Tiếng Tây Ban Nha) và "Hồ Chí Minh: Các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới" (2018, Tiếng Việt, Tiếng Anh).

Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang dẫn chúng tôi tham quan Nhà Việt Nam thu nhỏ của chị, lặng lẽ cười hiền và hầu như nói rất ít về mình. Sau này, qua tìm hiểu, tôi được biết, bộ ba tác phẩm này đã giành được sự ủng hộ tích cực và nhiệt tình của nhiều bạn bè Canada cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Thật vui mừng vì tác phẩm đã góp phần đưa hình ảnh của Bác đến với bạn bè trên thế giới, để độc giả có được cái nhìn rõ hơn và thật hơn về con người nhân văn và vĩ đại của Bác.

Điều đáng nói là từ bộ ba tác phẩm sách quý nói trên và những hoạt động không ngừng nghỉ của nhiều người liên quan, tiến sĩ Nguyễn Đài Trang cùng Hội những người Việt Nam ở Canada đã từng bước thu hút, tập hợp được đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ, những người yêu mến đất nước Việt Nam không chỉ ở Canada mà nhiều nơi trên thế giới.

Nhiều người trong số họ sau khi đọc sách đã có nguyện vọng đến Việt Nam, trở thành bạn bè yêu quý của nhân dân Việt Nam như họạ sĩ Jean Maurice Gelinas và Guy Lapierre ở thành phố Toronto với những tác phẩm xuất sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đất nước Việt Nam…

Thấm thía nghĩa cộng đồng

Thật tiếc chưa có dịp được tới thăm Trung tâm thương mại Hà Nội - Moskva (Liên bang Nga) nhưng tôi từng tới khu Đồng Xuân ở Berlin (CHLB Đức), khu Sapa (Praha - CH Séc), làng Thời Đại ở Kharkov (Ukraine) hay khu Tiểu Sài Gòn (Little Saigon) ở California (Hoa Kỳ)… và có dịp gặp gỡ rất nhiều bà con người Việt sinh sống, làm ăn tại những nơi này.

Người Việt vẫn gọi nhau về - 2

Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo Nguyễn Trung Kiên cùng bà con kiều bào gói bánh chưng đón Tết Nhâm Dần.

Đến được nơi đây mới hiểu và thấm thía từ "cộng đồng" có ý nghĩa lớn lao như thế nào. Thậm chí, nhiều lúc ngẫm nghĩ lại, tôi cho rằng, từ "cộng đồng" này là con đẻ của từ "đồng bào": ngày xưa là lên rừng, xuống biển, bây giờ là làm ăn sinh sống ở trong và ngoài nước.

Mỗi "cộng đồng" đó là một bộ phận người Việt ở nước ngoài, gắn bó chặt chẽ mọi mặt trong cộng đồng và với sở tại, gắn bó chặt chẽ với đất nước trong mỗi lúc buồn vui. Tất cả đều là người Việt Nam, là con dân đất Việt "ăn đâu, làm đâu cũng biết cúi nhớ ngày giỗ tổ"!

Có một chuyện nhỏ, cứ khiến tôi vừa vui vừa… buồn cười. Ấy là lần chúng tôi đến khu Sapa ở Praha (CH Séc) đúng dịp đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu.

Trong đoàn có nhiều người hâm mộ bóng đá nên có ý hỏi bà con có cách gì xem trực tiếp trận đấu đó được không. Thật vui khi được trả lời rằng: nhiều bà con ở đây không bỏ sót một trận đấu nào, khó đến mấy cũng tìm ra cách để xem, nếu không xem thì những giờ phút đó không thể làm được công việc gì! Bà con cũng mặc áo đỏ sao vàng, trống chiêng, hò reo, cổ vũ rát hơi, bỏng cổ như ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình!

Vâng, màu cờ đỏ, sao vàng luôn theo bước bà con trong cộng đồng người Việt ở những sự kiện hướng về Đất Mẹ, nhất là khi chủ quyền nước Việt đứng trước phong ba, bão táp, những khi mưa không thuận, gió không hòa trên quê cha, đất tổ.

Gìn giữ chủ quyền thiêng liêng

Chúng tôi đã được xem một bộ phim về các hoạt động của Hội người Việt Nam tại CH Séc, trong đó nổi bật nhất là những tình cảm, hành động của người Việt nơi đây tiếp sức, cổ vũ cho cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân nhân trong nước để gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bất ngờ và thú vị vô cùng là trong cộng đồng tại đây có một tổ chức của những người lính năm xưa là Hội Cựu chiến Việt Nam tại CH Séc với hơn 600 hội viên, với 6 chi hội trực thuộc trong đó có Chi hội Cựu chiến binh xe tăng.

Người viết từng là một người lính xe tăng nên việc tìm nhận những người anh em cùng binh chủng (thường gọi nôm na, thân mật là các "quê") diễn ra rất dễ dàng và nhanh chóng. Có lẽ chỉ người lính sắt đá là thế và dễ mủi lòng đến thế trong giây phút gặp nhau bất ngờ trên "trận địa" mới và xa xôi, để rồi ríu rít nói cười, hỏi han đồng đội, người quen, lưu số điện thoại, hẹn gặp nhau một ngày gần nhất "quê" nhé, "quê" ơi...

Đã có nhiều bà con người Việt ở nước ngoài về nước và đi thăm Trường Sa máu thịt, trực tiếp mang ra đảo xa những món quà tình nghĩa từ khắp năm châu, bốn biển. Đồng thời đây cũng là những người trực tiếp ghi nhận, phản ánh công cuộc gìn giữ biển đảo thiêng liêng ra bạn bè quốc tế.

Lần ấy, cộng đồng người Việt ở CH Séc đã tập hợp khá đông đủ để nghe thông tin mọi mặt của đất nước, trong đó không thể thiếu nội dung về công tác tuyên truyền biển đảo.

Đặc biệt hơn cả, chính từ đây đã diễn ra một sự kiện văn hóa lớn, khởi nguồn cho các hoạt động có ý nghĩa quảng bá đất nước, con người, biển đảo Việt Nam ra thế giới. Đó là triển lãm ảnh và tư liệu về biển đảo Việt Nam do Bộ Thông tin -Truyền thông và Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc đồng tổ chức, với sự hỗ trợ quý báu của chính quyền quận Praha 1 và Hội người Việt Nam tại CH Séc.

Được biết, triển lãm đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của Bộ Văn hóa CH Séc, của các chính giới, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ nước sở tại. Không chỉ là các thông tin quảng bá, Triển lãm còn thu được sự ủng hộ của nhiều người trên thế giới về chính nghĩa của Việt Nam, về tình yêu thiên nhiên, mong mỏi cuộc sống hòa bình, thịnh vượng của người dân Việt Nam.

Rock Việt trên đất Mỹ

Cũng thú thực là tôi mới một lần đến Mỹ, không biết nhiều về cộng đồng người Việt tại đây. Nhưng có một điều khiến tôi không thể quên, ấy là một đêm vui tại gia đình nhạc sĩ Lê Quang ở California, được nghe các thành viên ban nhạc Da Vàng, cái tên quen thuộc của công chúng yêu rock Việt và của cộng đồng người Việt tại Mỹ, hát những bài hát về nước Việt ngàn năm yêu dấu.

Người lần đầu mới gặp, người từng nghe tuổi tên, từng làm việc cùng nhau nhưng hầu như ngay từ đầu đã không còn khoảng cách, trái lại tất cả như anh em một nhà lâu ngày gặp lại. Nhạc sĩ Lê Quang từng phổ nhạc một bài thơ của bạn tôi, nên chuyện trò càng xoắn xuýt, gần gụi hơn.

Tôi xen giữa câu chuyện của mọi người rằng, hôm nay cuộc vui vừa có Nguyễn Đạt, vừa có Lê Quang thì trụ cột khủng ban nhạc Da Vàng ở đây hết rồi, không phải lo gì nữa. Với lại hôm nay, số người nghe cũng vượt quá … 2 người anh Quang nhé, nên tha hồ cho Da Vàng dấn thân, rock xuyên tuổi tác, phải không anh Đạt?

Và "được lời như cởi tấm lòng", Nguyễn Đạt với mái tóc dài ấn tượng, vừa ôm đàn vừa nói rằng, Da Vàng là ban nhạc của người máu đỏ, da vàng chơi nhạc rock. Khi anh hát Bạch Đằng Giang được dịch ra tiếng Anh cho khán giả Mỹ, cơ hội để chuyển tải lịch sử Việt và cuộc đấu tranh bền bỉ của cha ông ta để giữ nền độc lập dân tộc càng được phát huy nhiều hơn ở mỗi nơi, mỗi lần tiếng hát được cất lên.

Quả đúng là xuyên tuổi tác, qua bao thời gian chất giọng của Nguyễn Đạt vẫn đầy bão tố, vẫn xứng đáng là cánh chim đầu đàn của rock Việt khi anh vừa đàn vừa hát với điệp từ "Bạch Đằng Giang" được điệp đi, điệp lại như sóng dồn dập "Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của núi sông Tiên Rồng/ Giống Lạc Hùng/ Giống anh hùng/ Nam Bắc Trung/ Trên dòng sông muôn bóng cờ trông chí Nam/ Biết mấy thành tích, biết mấy chiến công đã qua/ Bạch Đằng Giang".

Khoảng cách giữa người hát và người nghe mỗi lúc càng thu hẹp lại, vai kề vai, mắt tìm mắt tin cậy, yêu thương. Ấy là khi mọi người tụ lại, đứng thành hàng làm điểm tựa ấm nồng sau lưng Lê Quang, bất cứ cái gì trên tay cũng có thể gõ nhịp theo tiếng hát trầm vang của Lê Quang "Gọi nhau về ngày nắng/ Gọi nhau về ngày mưa/ Gọi nhau về giữa những đêm khuya/ Ta gọi nhau về dù đường xa vạn dặm".

Đúng vậy, dù đường xa vạn dặm, ở bờ bên này hay bờ bên kia Thái Bình Dương hay ở bất cứ đâu trên trái đất này, thì người Việt dù đi đâu, làm đâu vẫn luôn "biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ", luôn "gọi nhau về" dưới mái chung của dân tộc Việt trường tồn bên sóng Biển Đông!

 Bùi Sỹ Hoa

Theo vietnamnet.vn