Ba phút cùng luật sư:
Người tiêu dùng cần bảo vệ mình trước vấn nạn hàng giả ngày cận Tết
(Dân trí) - Thời điểm cận Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao. Đồng thời, đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, không có nguồn gốc tung hoành, lừa đảo người tiêu dùng.
Trao đổi trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh, giám đốc công ty luật Đức Chánh, thẳng thắn chia sẻ chế tài xử lý đối với hành vi làm hàng giả, hàng nhái là rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, do các cơ quan chức năng chưa mạnh tay xử lý nên hành vi này vẫn diễn biến phức tạp, gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
PV: Thưa luật sư, hiện pháp luật xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả như thế nào mà tình hình diễn biến quá phức tạp. Có phải chế tài chưa đủ mạnh?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Hiện nay, sản phẩm hàng giả, hàng nhái trở nên khá phổ biến và rộng rãi với nhiều chủng loại hàng hóa từ quần áo, giày dép, thực phẩm, hóa mỹ phẩm đến đồ điện tử, điện gia dụng...
hàng hóa được làm giả dưới những hình thức, cách thức khác nhau và ngày càng tinh vi. Những hành vi làm giả hàng hóa đều bị pháp luật cấm, nhưng việc đấu tranh để chống lại các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này vẫn là một thách thức.
Về xử phạt hành chính: hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị Định Số 185/2013 của Chính phủ và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị Định 124/2015.
Về trách nhiệm hình sự, tùy theo mặt hàng bị làm giả có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm tù. Trong 1 số trường hợp có các tình tiết tăng nặng có thể bị phạt mức cao nhất lên đến tù chung thân hoặc tử hình.
PV: Như vậy các chế tài xử lý đối với hành vi làm hàng giả hiện nay là tương đối mạnh. Nhưng tại sao hàng giả vẫn ngang nhiên được bày bán như hiện nay?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Rõ ràng, chế tài xử lý đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả là đã khá nghiêm khắc. Sắp tới, Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016 quy định theo hướng còn nghiêm khắc hơn đối với các hành vi trên. Chẳng hạn, hình phạt tiền tăng lên từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay hàng giả vẫn ngang nhiên được bày bán, chèn ép hàng thật, làm điêu đứng người sản xuất kinh doanh chân chính, khiến người dân luôn cảm thấy bất an.
Tôi cho rằng nguyên do chính là do khả năng phát hiện hành vi làm hàng giả còn yếu kém. Chế tài xử lý nghiêm nhưng không chịu truy tìm ra cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, không xử lý thì rõ ràng chế tài cũng không phát huy được tính nghiêm khắc của nó.
Điều đáng nói là những thứ hàng giả, hàng nhái này đa số lại được nhập từ Trung Quốc. Nếu cơ quan chức năng siết chặt quản lý, kiên quyết hơn thì tôi nghĩ việc chặn nguồn hàng giả từ Trung Quốc là không khó.
Phía doanh nghiệp cũng cần có mạng lưới kiểm soát hàng hóa do mình sản xuất ra, tích cực, chủ động cung cấp thông tin cho khách hàng các dấu hiệu phân biệt hàng giả, hàng thật thì khách hàng sẽ dễ phát hiện hàng giả, thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
PV: Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng ra tay thì người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ mình trước vấn nạn hàng giả lộng hành như hiện nay?
Luật sư Nguyễn Đức Chánh:
Người tiêu dùng nên quan tâm đến thói quen cẩn trọng trong mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ, chỉ nên mua hàng tại những địa chỉ quen thuộc, đáng tin cậy, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, có tem chống hàng giả, tem chứng nhận nhập khẩu…
Cũng cần báo ngay cho cơ quan quản lý thị trường, công an, hải quan... khi phát hiện hàng giả, phát hiện hành vi làm hàng giả, cá nhân, tổ chức làm hàng giả để các cơ quan này kịp thời xử lý, ngăn chặn hành vi làm hàng giả.
Đối với nhà sản xuất, cần mạnh dạn tiến hành các biện pháp bảo vệ mình như yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi sai phạm. Nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra xem xét khởi tố vụ án hình sự. Nếu nhà sản xuất, phân phối có đủ căn cứ chứng minh thiệt hại thì có thể khởi kiện dân sự để buộc người xâm phạm phải bồi thường theo quy định pháp luật.
PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư đã tư vấn cho bạn đọc Dân trí!
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Ngọc Tiến (thực hiện)