Người lao động bị “đẩy ra đường” trái luật nhận lại việc làm sau phản ánh của Báo Dân trí

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “người lao động “tố” Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Sóc Trăng chấm dứt hợp đồng lao động trái luật”, sau khi báo Dân trí phản ánh, người bị cho thôi việc là bà Phạm Thị Hồng Khanh đã được ngân hàng này nhận lại làm việc.

Theo một cán bộ thuộc Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh Sóc Trăng (Co.op Bank Sóc Trăng) cho biết: Giám đốc Co.op Bank Sóc Trăng đã chính thức công bố Quyết định thu hồi Quyết định số 69/QĐ-NHHT.ST chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với bà Phạm Thị Hồng Khanh (nhân viên Kiểm ngân thuộc Phòng Kế toán ngân quỹ Co.op Bank Sóc Trăng) do Giám đốc Lê Văn Chơn ký ngày 11/7/2016; đồng thời ban hành Thông báo số 376/TB-NHHT.ST mời bà Khanh trở lại làm việc từ ngày 1/12/2016.

Theo Quyết định số 88/QĐ-NHHT.ST do Giám đốc Lê Văn Chơn ký ngày 18/11/2016 có nội dung: “Thu hồi Quyết định số 69/QĐ-NHHT.ST ngày 11/7/2016 về việc chấm dứt HĐLĐ đối với bà Phạm Thị Hồng Khanh; Bà Phạm Thị Hồng Khanh được làm việc bình thường như trước đây và được hưởng đầy đủ các chế độ như lương, thưởng trong thời gian tạm nghỉ; Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/12/2016”.

Đồng thời, Giám đốc Lê Văn Chơn cũng ký Thông báo “mời cán bộ công nhân viên trở lại làm việc” gửi bà Khanh với nội dung “Tiếp nhận bà Phạm Thị Hồng Khanh trở lại làm việc kể từ ngày 1/12/2016. Yêu cầu bà Khanh lúc 7h30 ngày 1/12/2016 có mặt tại Co.op Bank Sóc Trăng tiếp tục làm việc”.

Sau khi báo Dân trí phản ánh, Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Sóc Trăng đã mời người lao động trở lại làm việc.
Sau khi báo Dân trí phản ánh, Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Sóc Trăng đã mời người lao động trở lại làm việc.

Như Dân trí đã phản ánh, bà Phạm Thị Hồng Khanh (nhân viên Kiểm ngân thuộc Phòng Kế toán ngân quỹ Co.op Bank Sóc Trăng) có thời gian công tác trên 25 năm, trong đó công tác ở Co.op Bank Sóc Trăng từ năm 2007. Trong những năm ở Co.op Bank Sóc Trăng, bà Khanh không vi phạm kỷ luật, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đến ngày 11/7/2016, Giám đốc Co.op Bank Sóc Trăng là ông Lê Văn Chơn ký quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với bà Khanh không đúng quy định pháp luật khiến bà bị thiệt thòi.

Trước đó, ngày 26/5/2016, Giám đốc Lê Văn Chơn ký thông báo chấm dứt HĐLĐ với bà Khanh bắt đầu từ ngày 12/7/2016, nhưng đến ngày 30/6/2016 lại ban hành Quyết định 66/QĐ-NHHT.ST điều chuyển bà Khanh từ Phòng Kế toán ngân quỹ sang Phòng Hành chính - Nhân sự, trước khi có quyết định chính thức chấm dứt HĐLĐ 10 ngày.

Ngoài ra, trước khi đi đến thông báo chấm dứt HĐLĐ, lãnh đạo Co.op Bank Sóc Trăng không thông báo công khai nên gây dư luận bà Khanh không hoàn thành nhiệm vụ, có dấu hiệu trù dập người lao động. Sau khi có phản ứng từ bà Khanh, Co.op Bank Sóc Trăng đã có nhiều báo cáo, biên bản mang tính chất “đối phó”, “hợp thức hóa” việc làm sai quy trình này.

Trả lời PV, bà Phạm Thị Kim Loan (Phòng Hành chính - Nhân sự, Co.op Bank Sóc Trăng) cho rằng, việc chấm dứt HĐLĐ với bà Khanh không phải bà Khanh bị kỷ luật hay không hoàn thành nhiệm vụ, mà là do sắp xếp lại biên chế, tái cơ cấu lại nhân sự cho hoạt động của chi nhánh. Như vậy, bà Khanh thuộc diện tinh giản biên chế. Còn lý do chuyển bà Khanh từ Phòng Kế toán ngân quỹ sang Phòng Tổ chức - Nhân sự trước ngày chấm dứt HĐLĐ, thì theo giải thích, do trước đó đã có thông báo chấm dứt HĐLĐ nên sợ bà Khanh tâm lý không ổn định, trong khi công việc hàng ngày luôn gắn liền với tiền bạc, lỡ sơ suất thì hậu quả rất khó lường.

Sau khi nhận được Quyết định số 88/QĐ-NHHT.ST về việc thu hồi, hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với mình, bà Phạm Thị Hồng Khanh xúc động nói: “Tôi rất cảm ơn sự phản ánh kịp thời của báo Dân trí đã giúp tôi được trở lại với công việc mà mình đã gắn bó nhiều năm qua, lấy lại được niềm tin trong cuộc sống”.

Bạch Dương