Người đàn ông đập 7 hộp sữa trước cửa siêu thị có nguy cơ nhận án tù?
(Dân trí) - Người đàn ông có hành vi đập 7 hộp sữa trước tại siêu thị sẽ đối diện với án phạt cao nhất đến 3 năm tù nếu cơ quan chức năng đưa ra đầy đủ các yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như Dân trí đã đưa tin liên quan đến việc Công an Thành phố Vinh (Nghệ An) bắt tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Cảnh Cường (SN 1988, trú phường Hà Huy Tập) và Nguyễn Văn Hùng (SN 1966, trú xã Nghi Phú) để tiếp tục điều tra về hành vi “Hủy hoại tài sản”.
Cơ quan chức năng cho biết, việc bắt giữ Hùng và Cường phục vụ điều tra dựa vào hành vi phá hoại 7 hộp sữa Glico loại 800 gram với tổng trị giá 3.745.000 đồng tại siêu thị Tú Bắc (số 77 đường Đinh Công Tráng, TP Vinh).
Vì sự việc diễn ra phức tạp trong 1 thời gian dài nên để có căn cứ thì điều tra viên phải thu thập chứng cứ từ nhiều phía, làm việc với tất cả các bên liên quan cùng các nhân viên trong siêu thị.
Nhận định dưới góc độ pháp lý Luật sư, TS NGuyễn An, Hãng luật Cộng đồng cho rằng: Xét về thời gian tạm giữ 2 đối tượng để điều tra về hành vi “Hủy hoại tài sản”: Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định: Thời hạn tạm giữ không quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gai hạn tạm giữ tối đa 02 lần, mỗi lần không quá 03 ngày. Như vậy, thời hạn tạm giữ tối đa sẽ là 09 ngày kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
Xét về trách nhiệm hình sự ứng với hành vi “Hủy hoại tài sản”: hành vi phá hoại 7 hộp sữa Glico loại 800 gram với tổng trị giá 3.745.000 đồng như lãnh đạo công an thành phố Vinh cho biết thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo đó, điều luật quy định: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Cụ thể, cấu thành tội phạm của Tội hủy hoại tài sản như sau:
Chủ thể: Người thực hiện hành vi phải có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
- Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều 143 Bộ luật hình sự thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự
Khách thể: Tội cố ý làm hư hỏng tài sản xâm phạm đến quan hệ sở hữu
Mặt khách quan của tội phạm
- Hành vi hủy hoại làm tài sản lâm vào tình trạng mất hẳn giá trị sử dụng của nó, không thể khôi phục lại được.
- Hậu quả: Thiệt hại gây ra phải từ 2 triệu đồng trở lên, nếu dưới 2 triệu đồng thì phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người phạm tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tương tự, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm: Hành vi được thực hiện với lỗi cố ý nhằm hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Trong trường hợp này, hành vi “Hủy hoại tài sản” của đối tượng Nguyễn Cảnh Cường và Nguyễn Văn Hùng đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009) với mức phạt có thể lên đến 03 năm tù.
Phân tích cụ thể về vụ việc, Luật sư An cho rằng, thứ nhất do video quay lại của siêu thị không thể hiện rõ việc có hay không có giao dịch thỏa thuận trước đó. Đây chính là mấu chốt của sự việc. Nếu có thỏa thuận yêu cầu giữa khách và người bán để lấy sữa ra khỏi kệ trưng bày dù chưa thanh toán thì đúng là hành vi mua bán chưa thành
Thứ hai, về chất lượng của sữa cần phải kiểm tra chất lượng của những hộp sữa đã bị đập hỏng. Nguyên nhân dẫn đến việc đập sữa của siêu thị xuất phát từ việc sữa kém chất lượng gây tiêu chảy cho con anh Cường. Do vậy, ở đây phải đặt ra nghi ngờ về chất lượng sữa của Công ty SNB và siêu thị Tú Bắc là đại lý phân phối.
Thứ ba, nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì đây chính là có lỗi của phía bị hại.
“Vụ việc này có nét tương đồng với vụ con ruồi nửa tỷ đồng ở miền Nam.Cũng là do người tiêu dùng phát hiện ra sản phẩm của nhà sản xuất có lỗi và chính nhà sản xuất đã thừa nhận lỗi, cả hai bên đã thỏa thuận với nhà sản xuất nhưng sau đó chính người tiêu dùng lại vướng vào vòng lao lý”- Luật sư An nhận định.
Phạm Thanh (ghi)