Người dân đề nghị làm rõ nhiều câu hỏi khi thu hồi đất thực hiện dự án Hải Đăng City

(Dân trí) - Trong bản vẽ ban đầu của dự án này ghi rõ “dự án khu nhà ở Phú Mỹ”, nhưng sau đó trong các phương án đền bù thì dự án này đã thành Dự án Phát triển Kinh tế xã hội (KT - XH). Nó là một trong những nguyên nhân khiến bị một số hộ dân phản ứng quyết liệt.

Dự án Hải Đăng City tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm là dự án nhà ở do Cty cổ phần Đầu tư địa ốc Hải Đăng làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng diện tích 6,6 ha và quy hoạch chi tiết đã từng được thay đổi. Trên các bản vẽ ban đầu được ghi là “dự án khu nhà ở Phú Mỹ”, nhưng sau đó, trên các phương án đền bù thì dự án này đã thành Dự án Phát triển Kinh tế xã hội (KT - XH). Bị phản ứng gay gắt của 4 hộ, hiện vẫn chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) xong.

Chiều 11/1 vừa qua, tại UBND phường Mỹ Đình 2, trong buổi làm việc với các hộ dân về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư mới, ông Lại Văn Tiếp (chủ một hộ bị GPMB) nói thẳng: Tôi không hình dung được dựa trên cái gì mà phương án đền bù đưa ra chỉ có 26, 64 triệu đồng/m2, đã vậy lại còn bị trừ đi 40% (nghĩa là chỉ có giá gần 16 triệu đồng/m2). Không chỉ vậy, trong 360 m2 đất của mình, ông Tiếp cũng chỉ được 90 m2 đất với giá 16 triệu đồng, còn lại 270 m2 chỉ được tính giá theo đất nông nghiệp: 252.000đ/m2! Ông Tiếp cũng nói rõ, đây vốn không phải là đất nông nghiệp, nó thực chất là đất gò không thể trồng cái gì, nên cơ quan chủ quản của nó đã phân cho cán bộ công nhân viên. Những người này, sau đó bán đi bán lại vài lần, ông Tiếp cũng là người mua lại.


Người dân đề nghị làm rõ nhiều câu hỏi khi thu hồi đất thực hiện dự án Hải Đăng City.

Người dân đề nghị làm rõ nhiều câu hỏi khi thu hồi đất thực hiện dự án Hải Đăng City.

Ngoài nội dung thắc mắc giống ông Tiếp, ông Phạm Hồng Ánh còn cho biết, cũng là người mua lại qua vài đời chủ, nhà ông ở đây từ năm 1987, các bản đồ địa chính, nộp thuế và xác nhận của chính quyền đều là đất ở. Tuy nhiên, phương án đền bù cho ông Ánh vẫn có hơn 100 m2 đất theo giá đất nông nghiệp: 252.000đ/m2.

Bức xúc hơn, ông Ánh nói: Trên mảnh đất 282 m2 đất của nhà ông đã được chia cho 3 gia đình (ông Ánh và 2 con trai) từ nhiều năm trước, có 3 sổ hộ khẩu riêng, nộp tiền thuế đất ở từ lâu. Vậy vì lẽ gì, khi tính phương án đền bù lại chỉ tính cho một hộ? Bởi, dù giá có rẻ mạt, nhưng phương án đền bù với 3 hộ sẽ khác hẳn với phương án cho 1 hộ. Tại sao? Đây là câu hỏi ông nêu nhiều lần khi phát biểu tại buổi họp này.

Trả lời câu hỏi này, một cán bộ trung tâm Phát triển quỹ đất quận Nam Từ Liêm giải thích: chỉ được coi là các hộ riêng khi có khuôn viên, cổng riêng biệt!? Không thể chấp nhận cách giải thích đó, tôi có hỏi: Quy định đó theo văn bản nào? Vị đại diện chính quyền quận Nam Từ Liêm không thể trả lời được. Giá đền bù đã quá thấp, lại bị “áp dụng” kiểu này, người dân không bức xúc mới là lạ.

Đây có phải là dự án phát triển KT - XH?

Chúng tôi phải đặt câu hỏi này bởi lẽ, phương án GPMB cho dự án nhà ở thương mại khác hẳn dự án phát triển Kinh tế - Xã hội (KT- XH). Một bên, giá đền bù GPMB là giá thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà dân, còn với phương án phát triển KT - XH thì giá được áp theo giá của thành phố quy định. Do đó, đây cũng là nội dung được tôi đưa ra câu hỏi với chính quyền quận.

Đặc biệt, một lần nữa tôi xin nhấn mạnh, các bản vẽ trước đó ghi rất rõ dự án này là “Khu nhà ở Phú Mỹ”, vậy vì lý gì, khi lên phương án đền bù, nó lại thành dự án Phát triển KT - XH? Do đó, đây cũng là một trong những lý do đơn thư khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân ở đây đã hỏi: Đây có phải là dự án Phát triển KT - XH?


Người dân đề nghị làm rõ dự án này có phải là dự án Phát triển Kinh tế xã hội?

Người dân đề nghị làm rõ dự án này có phải là dự án Phát triển Kinh tế xã hội?

Xoay quanh câu hỏi này, tại buổi họp này, tôi hỏi vị đại diện của quận: Trong đơn khiếu nại tố cáo lần 3 của 3 hộ gia đình (ông Ánh, anh Đức và anh Nhật) đã đưa ra câu hỏi: Đây là dự án nhà ở thương mại hay dự án phát triển KT- XH, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa được trả lời, dù rằng đã gần 3 tháng trôi qua. Nếu là dự án phát triển KT - XH thì đề nghị quận cung cấp các văn bản liên quan. Trả lời câu hỏi này, vị đại diện của quận cho rằng, chủ đầu tư sẽ cung cấp. Tôi quay sang hỏi chủ đầu tư, ông Trần Đăng Lâm - Tổng giám đốc Công ty Hải Đăng lại nói: Chủ đầu tư chỉ biết thực hiện, chứ không có những giấy tờ đó!

Vì sao tôi hỏi vấn đề này? Bởi, trong văn bản (số 2408 ngày 20/10/2017) của quận Nam Từ liêm trả lời đơn thư KN - TC lần 2 cho các hộ dân ở đây đã viện dẫn một số văn bản của thành phố, trong đó có các văn bản: 3733/QĐ-UBND ngày 11/7/2014; 1825/ QĐ-UBND ngày 19/4/2016 và số 14/QĐ - UBND ngày 3/1/2017. Tuy nhiên, khi chúng tôi tra chúng trên cổng Giao tiếp điện tử của UBND thành phố Hà Nội thì không tìm thấy những văn bản này. Trong đó, chúng tôi tra thử một quyết định theo số, thì QĐ số 14 không phải là ngày 3/1, mà là ngày 13/4 và nội dung lại là phân cấp quản lý chứ chẳng dính dáng gì đến kế hoạch sử dụng đất.

Riêng một văn bản (Nghị quyết 13/2015/ HĐND ngày 02/12/2015) của Hội đồng nhân dân thành phố được quận Nam Từ Liêm viện dẫn là có. Tuy nhiên, đây là Nghị quyết Thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2016. Nhưng, một điều rất rõ là Nghị quyết này chỉ “có hiệu lực và áp dụng từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2016./.”- trích nguyên văn Nghị quyết số 13 này.

Vậy, ngay cả có dự án Hải Đăng City trong Nghị quyết này đi nữa thì nó còn hiệu lực pháp luật nữa hay không? Đây là nội dung mà UBND quận Nam Từ Liêm phải làm rõ với dư luận và đặc biệt với những người dân đang bị GPMB.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm