Người dân bức xúc vì khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Sóc Trăng gây ô nhiễm

D.B

(Dân trí) - Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng, lưu lượng xả thải của các doanh nghiệp thủy sản tăng mạnh khiến nhà máy xử lý nước thải bị quá tải, gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều ngày qua, người dân sống quanh khu công nghiệp (KCN) An Nghiệp (nằm trên địa bàn xã An Hiệp, huyện Châu Thành và phường 7, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) rất bức xúc vì nước thải từ KCN này chảy ra các tuyến kênh gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối. 

Đây là KCN đầu tiên và lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, diện tích trên 250ha, có 6 nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động.

Ông Danh Dân (ngụ ấp Phụng Hiệp, xã An Hiệp) cho biết, gần một tháng qua, ông và nhiều người dân sống dọc theo kênh 30/4 rất khổ sở, luôn bị mùi hôi “khủng bố”.

“Mùi hôi thối từ dưới kênh bốc lên khiến cả nhà không ngủ được. Tôi và các con phải lấy mền (chăn) trùm kín đầu. Do nước bị ô nhiễm nên tôi cũng không thể bơm lên rẫy để tưới hoa màu được”, ông Dân nói.

Người dân bức xúc vì khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Sóc Trăng gây ô nhiễm - 1

Kênh bị ô nhiễm.

Ban quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng xác định, từ tháng 7/2020 đến nay, lưu lượng xả thải của các nhà máy chế biến thủy sản trong KCN An Nghiệp tăng liên tục. Lượng nước thải thu về nhà máy xử lý nước thải tập trung lên đến 11.800m3 mỗi ngày. Con số này trong quý 1/2020 chỉ khoảng 7.500m3.

Do nhà máy xử lý nước thải (công suất 10.000m3/ngày) bị quá tải nên ảnh hưởng đến chất lượng nước sau xử lý để thải ra môi trường. Đây là nguyên nhân khiến nước kênh bị ô nhiễm.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện rằng, trong thời gian nâng công suất nhà máy xử lý nước thải cần có giải pháp căn cơ để xử lý nước thải hiệu quả.

Về đề xuất giao kênh Thẻ 25 cho Ban quản lý các KCN quản lý, đề nghị cần nêu cụ thể diện tích kênh và đơn vị phải bố trí kinh phí nạo vét, làm sạch bùn đáy của kênh.

Đối với việc nâng cấp nhà máy xử lý nước thải từ 10.00m3 lên 20.000m3, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các KCN cần đề xuất thủ tục giao đất cho UBND tỉnh. Uỷ ban tỉnh cũng thống nhất việc cho phép Ban phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận và trình hồ sơ thuê đất của Công ty DVMT An Nghiệp.

Theo Chủ tịch Sóc Trăng, thời gian tới sẽ có một số doanh nghiệp chế biến thủy sản di dời nhà máy vào KCN An Nghiệp, nên lượng xả thải sẽ tăng lên. Do đó, cần có giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề xả thải, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, vừa không làm ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ông Nguyễn Thanh Trong, Giám đốc Ban quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng, cho rằng, hiện nay, tình hình ô nhiễm tại các kênh nội đồng giáp KCN An Nghiệp đã được kiểm soát.

Còn về lâu dài, Công ty TNHH Dịch vụ môi trường An Nghiệp (Công ty DVMT An Nghiệp) phải làm dự án nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung từ 10.000m3/ngày lên 20.000m3/ngày. Do đó, công ty phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, lập hồ sơ thuê đất để làm cơ sở thiết kế, chuẩn bị các thủ tục đầu tư xây dựng.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên, Ban quản lý các KCN đề nghị UBND tỉnh cho phép phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận và trình hồ sơ thuê đất của Công ty DVMT An Nghiệp; đồng thời, giao kênh Thẻ 25 cho Ban quản lý để phục vụ cho việc thoát nước của KCN và tưới tiêu của các hộ dân dọc tuyến kênh.

Người dân bức xúc vì khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Sóc Trăng gây ô nhiễm - 2
Người dân bức xúc vì khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Sóc Trăng gây ô nhiễm - 3

Nước đen, bốc mùi hôi thối.

Điều đáng nói, để khắc phục ô nhiễm, Ban quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các doanh nghiệp điều tiết hoạt động sản xuất, giảm lưu lượng nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ban cũng yêu cầu Công ty DVMT An Nghiệp đầu tư nâng công suất nhà máy xử lý nước thải lên 12.000m3 mỗi ngày vào quý 4/2020 và năm 2022 là 15.000m3.

Trước đề nghị này, lãnh đạo một doanh nghiệp thủy sản cho biết, việc tăng công suất của nhà máy là do có nhiều đơn hàng được ký kết với đối tác nước ngoài. Việc có nhiều hợp đồng mới là niềm vui của doanh nghiệp nhưng Ban quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng yêu cầu điều tiết việc sản xuất chẳng khác nào bị “ép buộc”, sẽ gây khó khăn cho các công ty.

Theo ông Nguyễn Thanh Trong, đơn vị đã đào thêm nhiều ao chứa và đắp đập ngăn nước thải chảy ra các kênh xung quanh KCN An Nghiệp. Ban cũng cho nhân viên rải vôi bột xuống các dòng kênh nước đen, có mùi hôi để từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường.

“Nước dưới kênh xung quanh còn đen là do nguồn nước ô nhiễm của những ngày trước còn đọng lại. Tôi cam kết nước ô nhiễm trong KCN An Nghiệp không còn chảy ra ngoài. Khoảng 10 ngày nữa môi trường sẽ trở lại bình thường”, ông Trong nói.

Người dân bức xúc vì khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Sóc Trăng gây ô nhiễm - 4
Người dân bức xúc vì khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Sóc Trăng gây ô nhiễm - 5

Các cơ quan chức năng Sóc Trăng vẫn đang tìm cách khắc phục ô nhiễm.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết, lãnh đạo Ủy ban tỉnh sẽ làm việc với lãnh đạo Ban quản lý các KCN để yêu cầu sớm khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các tuyến kênh trong và ngoài KCN An Nghiệp.

Đồng thời, sẽ làm việc với Công ty DVMT An Nghiệp để bàn giải pháp nâng công suất xử lý nước thải để đáp ứng nhu cầu xả thải của các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Chuyện, các nhà máy chế biến thủy sản tăng công suất là do có nhiều đơn hàng từ nước ngoài. Đây là tín hiệu vui của ngành xuất khẩu thủy sản nên Ban quản lý các KCN không thể yêu cầu các nhà máy điều tiết hoạt động sản xuất theo hướng giảm lại.