Hà Nội:
Người dân bức xúc vì cách trả lời khiếu nại mập mờ của quận Long Biên
(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ đã đề nghị TP. Hà Nội chỉ đạo giải quyết khiếu nại của công dân về việc thu hồi đất ở ao Năm Di, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Nhưng ngày 11/12/2012, UBND quận Long Biên lại ra văn bản trả lời mập mờ khiến công người dân bức xúc.
Sau khi nhận được văn bản của Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét giải quyết khiếu nại của công dân, ngày 2/11/2012, bà Đặng Thị Luyến, trú tại số 19, ngõ 67, ngách 67/5, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP. Hà Nội tiếp tục nhận được phiếu chuyển đơn số 2224572/PC – BTCD của Ban tiếp công dân TP. Hà Nội yêu cầu quận Long Biên giải quyết đơn khiếu nại theo thẩm quyền.
Đón nhận văn bản trả lời số 2072 của UBND quận Long Biên, bà Luyến tỏ ra rất hụt hẫng và bức xúc. Theo trình bày của bà Luyến, việc quận Long Biên kết luận gia đình bà không hợp tác điều tra xác minh số liệu khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án là hoàn toàn sai và không có căn cứ, vì từ trước đến nay sau khi nhận được bất kỳ giấy thông báo nào của phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, gia đình bà Luyến đều làm việc và gửi rất nhiều đơn tố thư khiếu nại tố cáo đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ phương án giải phóng đền bù và hiện gia đình bà Đặng Thị Luyến vẫn lưu giữ đầy đủ hàng tập phiếu nhận đơn.
Cũng theo ý kiến của bà Luyến, UBND quận Long Biên và phường Ngọc Lâm hoàn toàn sai khi khẳng định phần diện tích thu hồi tại khu ao Năm Di là đất công, bởi phần đất này gia đình bà Luyến vẫn hoàn thành nghĩ vụ nộp thuế sử dụng hàng năm. Tại tất cả các buổi làm việc, bà Đặng Thị Luyến liên tục khẳng định sẵn sàng trả lại đất nếu UBND phường Ngọc Lâm đưa ra tài liệu chứng minh nguồn gốc đất, nhưng chính quyền sở tại đã không đưa ra được bất cứ tài liệu nào để chứng minh. Trong suốt quá trình lập dự án, lên phương án bồi thường phần diện tích GPMB, nhà bà Luyến không hề được hỏi ý kiến với tư cách là người có quyền lợi liên quan trực tiếp.
Mảnh đất ao Năm Di có diện tích sử dụng ban đầu là 1544m2, năm 1956 cụ nội ông Thạch mất và có để lại mảnh đất cho ông Lê Văn Kim (bố ông Thạch). Sau khi vợ chồng ông Lê Văn Kim qua đời, mảnh đất được giao cho ông Lê Văn Thạch quản lý và sử dụng ổn định nhiều năm. Kể từ khi nhà nước thực hiện chính sách thu thuế đất vào năm 1993, gia đình ông Thạch bà Luyến thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và không có bất cứ tranh chấp nào với hàng xóm, các cơ quan, tổ chức xung quanh.
Từ 1997 đến 2002, gia đình bà Luyến đã ký hợp đồng chuyển nhượng khoảng 1000m2 đất (nửa bên trái thửa đất) cho 6 hộ dân. UBND phường Ngọc Lâm cũng biết việc chuyển nhượng này, hiện tất cả số hộ gia đình mua đất nhà bà Luyến đều đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định pháp luật.
Năm 2011, gia đình bà Thạch nhận được thông báo phương án chi tiết bồi thường mặt bằng của phường Ngọc Lâm nhằm phục vụ cho dự án khu nhà ở Ao Trũng. Thông báo nêu rõ sẽ thu hồi phần diện tích 540m2, nhưng gia đình bà Luyến chỉ được hưởng mức đền bù 35.000 đ/m2 (trong khi giá thị trường thời điểm này khoảng gần 100 triệu đồng/m2). Nhận được thông báo, gia đình bà Luyến đã làm đơn gửi UBND phường xem xét lại mức đền bù. Tuy nhiên đề nghị này đã không được xem xét giải quyết vì UBND phường Ngọc Lâm cho rằng diện tích nhà bà Luyến bị thu hồi là diện tích đất công do phường quản lý, gia đình bà Luyến là người lấn chiếm phần diện tích này.
Ngày 28/2/2012, gia đình nhà bà Luyến san ủi mặt bằng và làm ràng rào trên phần diện tích 540m2 thì bị UBND phường Ngọc Lâm cho người vào phá dỡ. Ngày 15/3/2012, Phó Chủ tịch phường là Nguyễn Thế Tuấn tiếp tục cho người vào phá dỡ hàng rào nhà bà Luyến xây dựng. Bức xúc vì cách xử lý của UBND phường, bà Luyến yêu cầu UBND phường xuất trình giấy tờ liên quan chứng minh mảnh đất thuộc quyền quản lý của phường nhưng UBND phường không đưa ra giấy tờ nào.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương