Người dân bức xúc khi tên thôn làng bị "xoá sổ" sau khi sáp nhập tại Thừa Thiên Huế
(Dân trí) - Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, nhiều người dân ở thôn Lê Bình, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã tỏ ra bất bình khi việc nhập 2 làng (thôn) ở xã này có dấu hiệu không công minh và làng Lê Bình của bà con bị xóa tên hoàn toàn.
Theo đó, qua chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính có quy mô nhỏ ở huyện Phú Vang, thôn Lê Bình và thôn Quảng Xuyên ở xã Phú Xuân sẽ được gộp thành một thôn. Dân số ở thôn Quảng Xuyên lớn hơn thôn Lê Bình và có tuổi đời lịch sử lâu hơn.
Ở cuộc họp gần đây nhất vào ngày chiều 25/7 để lấy ý kiến nhân dân thôn về công tác sáp nhập 2 thôn, nhiều người dân thôn Lê Bình đã tỏ ra bất ngờ khi không nhận được giấy mời, hoặc giấy mời về trễ đến tận sáng cùng ngày, hay không đi họp mà cán bộ xã về nhờ hàng xóm… ký thay.
Theo bà Trần Thị Vỹ, cán bộ xã đã về nhà ông Trần Văn Phết và Trần Văn Phê (2 người này không đi họp) và nhờ hàng xóm ký phiếu giúp việc đồng thuận sáp nhập 2 thôn mà không có tên thôn Lê Bình ở tên mới của 2 thôn.
Bà Trần Thị Sinh thì được cán bộ xã đem phiếu lấy ý kiến đến nhà để lăn tay hợp thức hóa. Ông Trần Văn Thuận và cha có nhà cách trụ sở ủy ban xã vài bước chân nhưng lại không được nhận giấy mời họp vì nhiều cuộc họp trước, ông Thuận đã có ý kiến gay gắt về việc sáp nhập 2 thôn phải giữ lại 1 trong 2 chữ ở thôn Lê Bình trong tên thôn mới.
Người dân bức xúc.
Đáng chú ý, ông Trần Xề đi họp đã ký thay cho con là Trần Văn Xế đã tách hộ, việc này cũng được UBND xã Phú Xuân chấp nhận dù sai với quy định.
Ông Trần Văn Thìn góp ý, ủng hộ với việc sáp nhập thôn, nhưng lãnh đạo xã huyện phải cho giữ lại 1 trong 2 chữ hoặc chữ Lê hoặc chữ Bình của thôn để gộp vào thôn mới như Lê Quảng Xuyên hay Quảng Xuyên Bình… Điều này có ý nghĩa quan trọng vì thế hệ con cháu của thôn Lê Bình sau này lớn lên còn biết thôn mình đã từng tồn tại, qua đó có tình yêu với quê hương. Ý kiến của ông Thìn cũng như nhiều người dân ở thôn Lê Bình là nên phải giữ lại tên thôn chứ không thể xóa bỏ hết như vậy được.
Làm việc với PV, ông Đỗ Công Khiêm, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết thôn Lê Bình có dân số ít nằm đan xen trong thôn Quảng Xuyên với hơn 170 hộ dân. Ở cuộc họp ngày 25/7 dù đã đồng tình 100% về việc sáp nhập 2 thôn không có tên thôn Lê Bình, tuy nhiên do chỉ có 60/170 hộ ở thôn Lê Bình dự họp, về nguyên tắc không quá bán (hơn 50%) nên xã đã thành lập tổ đi lấy phiếu ý kiến tiếp cho đủ.
Ông Đỗ Công Khiêm, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân trả lời báo chí
Ông Hồ Thế Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Vang, người chủ trì cuộc họp ngày 25/7 cho biết đã 4 lần họp vận động nhân dân rất khổ cực chứ không có “chuyện gì” trong này cả. “Qua phản ánh của báo, chúng tôi thấy có nhiều vấn đề như lấy phiếu ý kiến không trực tiếp đến từng người, không dân chủ, giấy mời đưa về trễ rồi người có giấy người không có giấy mời. Qua đây quy trình cuộc họp này chúng tôi nhận thấy sai và xin rút kinh nghiệm” – ông Hùng trao đổi.
Hiện UBND xã Phú Xuân đang chuẩn bị để tổ chức lại một cuộc họp nữa để lấy ý kiến người dân. Dân trí sẽ tiếp tục thông tin.
Nhiều hộ dân thôn Lê Bình không đồng tình với cách làm của xã Phú Xuân
Nhiều ý kiến đưa ra đề xuất xin giữ lại tên làng, hoặc chỉ giữ lại 1 trong 2 chữ của tên làng
Các hộ dân ký tên yêu cầu chính quyền họp công khai, khách quan, có đầy đủ nhân dân để lấy ý kiến chính xác
Nhiều hộ dân thôn Lê Bình có đời sống trên sông nước đầm phá ít có trình độ học vấn nhưng trong tâm khảm họ đều muốn giữ lại tên làng quê để sau này con cháu đi đâu về đâu cũng không bị "mất gốc" bởi tên làng vẫn còn
Đại Dương