Người chơi tuyệt đối không im lặng khi gặp dự án "tiền ảo" lừa đảo!
(Dân trí) - "Tiền ảo" hay tiền kỹ thuật số không xa lạ với người Việt, nhưng sự biến tướng của nó gây hệ lụy xấu cho xã hội. Gặp những dự án lừa đảo, người dân không nên im lặng chấp nhận mà hãy tố giác.
Gần đây, rủi ro từ chứng khoán sau vụ ông Trịnh Văn Quyết "bán chui" cổ phiếu đã khiến không ít người hoang mang. Người dân tìm tới các kênh đầu tư khác nhiều hơn, trong đó có tiền kỹ thuật số.
Thế nhưng, theo Luật sư Trần Viết Hà, Công ty Luật Nam Sơn, đối với chứng khoán, những sự kiện tương tự như việc ông Quyết "bán chui" cổ phiếu xảy ra ít và không thường xuyên. Những hành vi đều được can thiệp và có chế tài xử lý bởi pháp luật.
Do đó, luật sư Hà cho rằng chỉ cần pháp luật kịp thời sửa đổi, điều chỉnh và có chế tài xử phạt nặng thì có thể hạn chế được những sự kiện như vậy xảy ra trong tương lai.
Tuy nhiên, theo vị luật sư này, đầu tư tiền kỹ thuật số rủi ro hơn rất nhiều, khả năng mất trắng hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, các đối tượng xấu lợi dụng tiền kỹ thuật số không được pháp luật bảo hộ, cộng với đánh vào tâm lý lợi nhuận cao thì đi đôi rủi ro cũng cao để dễ dàng vẽ ra các dự án lừa đảo.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư bị lừa một số tiền lớn khi tham gia các dự án tiền ảo, nhưng lại lựa chọn cách im lặng khi mất trắng. Đây là một điều đáng lo ngại, bởi theo luật sư Hà, người chơi tuyệt đối không nên im lặng và chấp nhận với suy nghĩ mất tiền khi gặp dự án lừa đảo. Bởi chính suy nghĩ đó càng khiến cho các dự án lừa đảo mọc lên càng nhiều.
Mặc dù, pháp luật Việt Nam không bảo hộ cho việc đầu tư tiền điện tử và việc đầu tư tiền điện tử xảy ra tranh chấp thì nhà đầu tư phải chịu rủi ro mất tiền. Thế nhưng, nếu như đội ngũ nhà phát hành xây dựng dự án đó với mục đích lừa đảo để "hút máu" đồng bào thì trong trường hợp đó hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể Luật sư Hà trích dẫn một số tội danh liên quan như "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; "Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" với các khung hình phạt cao từ 12-20 năm hoặc chung thân.
Do vậy, Luật sư Trần Viết Hà khuyến cáo, khi phát hiện các vụ việc lừa đảo tiền kỹ thuật số, người dân hãy chung tay lên tiếng tố cáo để cơ quan cảnh sát điều tra có thể kịp thời xử lý và răn đe các dự án lừa đảo khác trong tương lai. Việc tố giác các hoạt động này cũng sẽ giảm thiểu việc rủi ro cho các nhà đầu tư trong tương lai.
Ngoài ra, luật sư cũng đưa ra lời khuyên với những người chơi tiền ảo rằng, họ cần tránh đi theo hiệu ứng đám đông. Nhà đầu tư không nên lên mạng nghe người nổi tiếng này kia chia sẻ về dự án nào đó mà bỏ tiền vào đầu tư ngay.
Thay vào đó, nên có trách nhiệm với đồng tiền của mình bằng cách tìm hiểu lai lịch đội ngũ nhà phát hành, các quỹ đầu tư đứng phía sau của dự án. Các dự án trước đó có thành công hay thất bại và giá hiện tại của dự án đó đã nhân bao nhiêu lần so với giá phát hành.
"Thứ ba, quan trọng nhất đó là nên "chia tiền ở nhiều túi". Người chơi đừng tin quá nhiều vào dự án nào, bởi không loại trừ chính dự án người chơi tin đang lừa dối chính họ. Do vậy việc chia tiền đầu tư ở nhiều dự án giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư rất nhiều lần", luật sư Hà thông tin.
Hiện nay, một số luật sư cho rằng, các dự án tiền ảo đang là sự biến tướng của mô hình đa cấp. Sau khi bị cơ quan chức năng rà soát gắt gao, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự mới mẻ của tiền kỹ thuật số để có các hành vi "lùa gà" (dụ dỗ người chơi hưởng lợi lớn - PV) nhằm trục lợi. Người dân sau khi mất tiền vì giá tiền bị giảm đành ngậm ngùi, nhưng không biết rằng, mọi hoạt động của tiền ảo đều bị các đối tượng xấu thao túng phía sau.