Ngụ ngôn người gieo giống

(Dân trí) - Hai tuần qua, các học sinh tài năng đã liên tục giành huy chương trong các kỳ thi Olympic Quốc tế toán học, vật lý, hóa học, sinh học và Olympic Vật lý châu Á. Thành tích của các em làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam.

Những đứa con thông minh đó như những hạt giống tốt. Nói như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khi trao phần thưởng cho các em, rằng chúc các em suy nghĩ nhiều hơn về đất nước và nhớ rằng hai mươi năm nữa, các em sẽ là những người quyết định vận mệnh của đất nước.  

Những hạt giống cho mùa gặt của hai mươi năm sau đang cần ươm như thế nào đó là câu hỏi phải được trả lời ngay. Đó là làm sao để những hạt giống tài năng được triển nở tốt nhất. Kinh thánh Tân ước có ngụ ngôn "Người gieo giống" để nhắc nhớ về những sự gieo trồng khác nhau, tất nhiên trong đó có việc trồng người. Người gieo giống đi gieo, hạt rơi vào vệ đường bị chim trời ăn mất, hạt rơi vào bụi gai nên không vươn lên được, hạt rơi vào ruộng đất màu mỡ nên trổ sinh được nhiều hoa trái.

Vận câu chuyện ngụ ngôn trên vào với những "hạt vàng" của chúng ta hôm nay, sẽ thấy đất tốt đương nhiên là nơi để lựa chọn, nếu không sẽ phí phạm những tài năng.

Trước hết hãy suy nghĩ về nguyện vọng của chính các em. Hầu hết các em đều ước mơ được đi du học ở những trường đại học tốt nhất của Mỹ, Anh. Đó là nguyện vọng của các huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế Phạm Duy Tùng, Phạm Thành Thái, Đỗ Xuân Bách... Nguyện vọng đó có chính đáng và xứng đáng không, xin thưa ngay rằng rất xứng đáng và rất hợp lý. Bởi lẽ, Việt Nam chưa có một trường đại học nào nằm trong danh sách 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Nếu các em được đào tạo ở những trường đại học danh tiếng trên thế giới, thì đó là điều kiện, là môi trường để các em phát huy tối đa tài năng và trí tuệ của mình.

Chúng ta có một số chương trình dùng ngân sách để đưa cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, có những người được lựa chọn đi đào tạo nhưng không thực sự đúng tiêu chuẩn. Còn các em đạt huy chương trong các kỳ thi quốc tế vừa rồi là vàng thật, tài năng thật, đầu tư cho các em là việc không có gì phải bàn cãi. Em nào được học bổng tài trợ từ các trường đại học và các tổ chức càng tốt, em nào chưa có thì nhà nước bỏ tiền cho đi du học theo nguyện vọng.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân là một trí thức được đào tạo ở các trường đại học nổi tiếng của Đức và Mỹ nên ông hiểu được vấn đề. Ông tỏ ra sốt ruột hối thúc: "Em nào đủ điều kiện nhận học bổng mau chóng về địa phương làm thủ tục, nộp hồ sơ để Bộ hướng dẫn đưa đi". Tuấn kiệt muôn đời vẫn hiếm hoi như sao buổi sớm, của quý hiếm tất nhiên phải được giữ gìn và chăm sóc thật kỹ lưỡng.

Lê Chân Nhân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm