Ngọc "Rambo" sẽ đổi thói côn đồ càn rỡ lấy hậu quả nặng đến mức nào?

(Dân trí) - "Lối hành xử càn rỡ, bất chấp pháp luật của những kẻ côn đồ như Ngọc "Rambo" cần phải được xử lý nghiêm khắc để răn đe, đảm bảo trật tự xã hội", luật sư Quách Thành Lực nhận định.

Như Dân trí đã đưa tin, "giang hồ mạng" Lê Thanh Ngọc (Ngọc "Rambo") nghe người quen nói bị mất máy tính xách tay và nghi ngờ Nguyễn Trường A. (SN 2004, trú tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) là thủ phạm.

Ngày 16/8/2020, Ngọc "Rambo" và Phùng Văn Hùng đã bắt A. về nhà để tra khảo và ép người thân cháu A mang máy tính xách tay xuống để chuộc A. về.

Quá trình tra khảo, Ngọc "Rambo" và Hùng đã quay lại video và đăng tải lên kênh Youtube Ngọc "Rambo". Việt bắt giữ người, ngoài mục đích để đòi lại laptop, Ngọc còn tính toán quay video câu view, kiếm tiền trên kênh YouTube cá nhân.

Ngọc Rambo sẽ đổi thói côn đồ càn rỡ lấy hậu quả nặng đến mức nào? - 1

" Giang hồ mạng" Ngọc "Rambo" bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Bắt giữ người trái pháp luật".

Ngày 22/12, phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Bắc Giang đã đấu tranh làm rõ, bắt giữ Ngọc Rambo và Phùng Văn Hùng về hành vi "Bắt giữ người trái pháp luật".

Tại thời điểm bắt giữ Ngọc và Hùng, cơ quan Công an thu giữ 1 điện thoại di động, 4 case máy tính là tang vật vụ án.

Được biết, Ngọc "Rambo" là một trong những hiện tượng mạng xã hội nổi lên trong thời gian gần đây. Kênh Youtube của Ngọc sở hữu lượng người theo dõi lên tới 456 nghìn, không kém cạnh so với các ngôi sao ca nhạc hay diễn viên, người mẫu.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Luật pháp chỉ trao cho những chủ thể nhất định hoặc hoàn cảnh nhất định được quyền bắt giữ người. Bắt, giữ người trái pháp luật được hiểu là hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục.

Bắt người trái pháp luật là hành vi bắt người mà không có lệnh của người có thẩm quyền, không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, không thuộc trường hợp bắt người có lệnh truy nã hoặc có lệnh bắt người nhưng thực hiện không đúng thủ tục.

Ngọc Rambo sẽ đổi thói côn đồ càn rỡ lấy hậu quả nặng đến mức nào? - 2

Luật sư Quách Thành Lực nhận định mức án đối tượng sẽ phải trả giá.

Giữ người trái pháp luật là hành vi ra lệnh tạm giữ người không đúng với quy định của pháp luật; giữ người khi không có lệnh của người có thẩm quyền; tạm giữ người quá hạn; giữ người thuộc trường hợp không được tạm giữ.

Tính trái pháp luật trong việc bắt, giữ người là việc bắt, giữ ngoài những trường hợp được cho phép. Vì vậy, để xác định được hành vi bắt, giữ người là trái pháp luật hay không thì phải căn cứ vào các quy định về việc bắt, giữ người tại một số quy định trong Luật Hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự,…

Những hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Nhà nước.

Hành vi bắt giữ người trái phép được pháp luật quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, người nào bắt, giữ người trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trừ trường hợp phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi tại Điều 153 và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật tại Điều 377.

Lối hành xử càn rỡ, bất chấp luật lệ, coi thường tính mạng sức khỏe của người dân, thiếu tôn trọng vai trò đảm bảo an ninh trật tự của cơ quan chức năng như Ngọc Rambo thực hiện cần phải xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục chung trong xã hội".

Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; d) Đối với từ 02 người đến 05 người; đ) Phạm tội 02 lần trở lên; e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Đối với 06 người trở lên; c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; d) Làm nạn nhân chết; đ) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Điều 377 Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;

b) Quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật;

c) Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;

d) Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành;

đ) Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Giam, giữ trái pháp luật từ 02 người đến 05 người;

b) Làm người bị giam, giữ trái pháp luật bị tổn hại về sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Làm người bị giam, giữ hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

d) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Giam, giữ trái pháp luật 06 người trở lên;

b) Làm người bị giam, giữ trái pháp luật tổn hại về sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc chết;

c) Làm người bị giam, giữ tự sát;

d) Làm gia đình người bị giam, giữ ly tán.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm."