Nghi vấn nhiều sai phạm tại Đài kiểm soát không lưu Nội Bài

(Dân trí) - Sau khi báo chí nêu về những dấu hiệu sai phạm tại gói thầu số 18 của dự án Đài kiểm soát không lưu Nội Bài, Đoàn kiểm tra của Cục Hàng không Việt Nam đã có cuộc kiểm tra, xác minh bước đầu vụ việc.

Nghi vấn nhiều sai phạm tại Đài kiểm soát không lưu Nội Bài - 1
Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài nhìn từ trên cao

Tuy nhiên, thông tin hầu hết các nội dung đơn thư phản ánh là sai sự thật như Đoàn kiểm tra đưa ra hiện chưa thuyết phục, có nhiều cơ sở cho thấy việc kiểm tra còn hời hợt, bỏ sót nhiều sai phạm nghiêm trọng...

Đoàn công tác của Cục Hàng không đã làm việc với Tổng công ty Quản lý bay VN (chủ đầu tư) và Ban QLDA để làm rõ các nội dung được tố cáo có sai phạm. Bản kết luận của đoàn kiểm tra do Cục Hàng không thành lập đánh giá: 13 nội dung tố cáo phần lớn thông tin không đúng sự thật. Đơn thư phản ánh Ban QLDA lưu trữ hồ sơ không đúng quy định nhằm thông đồng, tráo đổi, hợp thức sai phạm đấu thầu là không có chứng cớ; nhà thầu Technimex đáp ứng yêu cầu đặt ra...

Tuy nhiên, qua kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện một số khiếm khuyết cần khắc phục như chất lượng hoàn thiện của công trình chưa đạt yêu cầu, 1 thang máy khác mã hiệu, tính năng so với thiết kế ban đầu, chưa lắp đặt các máy tính sử dụng hiển thị đầu cuối APTN, khí tượng, rada thời tiết và tra cứu tài liệu... Đặc biệt, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu bố trí lại màn hình máy tính trên bàn điều khiển thấp hơn hiện nay để đảm bảo tầm nhìn của người điều hành tàu bay cất hạ cánh.

Sau khi những thông tin trên được công bố, tiếp tục xuất hiện nhiều đơn thư phản ánh rằng cách thức làm việc của đoàn kiểm tra rất đơn giản, chỉ nghe giải trình của ông Trịnh Như Long, Trưởng ban Quản lý dự án rồi đưa ra nhận xét, cách thức nhận xét hời hợt, né tránh, bỏ sót nhiều sai phạm.

Đoàn kiểm tra đã né tránh không đả động gì đến việc công trình này từng được đăng ký xin gắn biển “Công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” nhưng đến nay dự án đã chậm 5 năm so với mục tiêu ban đầu và chậm 12 tháng so với tiến độ được phê duyệt có nguyên nhân do chủ đầu tư chưa sâu sát trong quá trình triển khai, năng lực của Ban quản lý dự án nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu xây dựng còn hạn chế. Việc làm rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này và trách nhiệm của những người liên quan đã bị bỏ qua.

Đoàn kiểm tra đã phát hiện thêm chiều cao của Đài KSKL mới cao vượt hơn cấp có thẩm quyền cho phép tới 7 mét (cho phép 88 mét nhưng hiện xây 95 mét). Độ cao này sẽ làm khó cho các chuyến bay thương mại và cả những chuyến bay quân sự. Gặp lúc thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế, phi công phải cho máy bay bay vòng chờ đủ điều kiện hạ cánh mới có thể đáp xuống, thậm chí phải đáp xuống sân bay dự bị.

Dư luận cho rằng, chính do việc mua ra-đa không đúng chủng loại so với hồ sơ thiết kế nên để lắp đặt ra đa này, độ cao phải vượt trên mức cho phép, đây là vấn đề cần được làm rõ tại sao lại thay đổi rađa?   Nếu sửa đổi đúng theo chiều cao quy định thì chi phí sửa đổi nhiều nhất cũng chỉ 20-30 tỷ đồng.

Một trong những sai phạm mới theo đơn thư phản ánh mới đây là cả ông Long khi giải trình và Đoàn thanh tra đều đã né tránh câu hỏi là: Trong thoả thuận liên danh, ai lắp đặt thiết bị tại hiện trường, ai giám sát lắp đặt tại hiện trường? Theo văn bản phân chia công việc trong thoả thuận liên danh thì Technimex đảm nhận việc lắp đặt thiết bị nhưng họ không có đăng ký hành nghề cũng như nănglực để đảm nhận công việc này. Pack Air thực hiện giám sát lắp đặt. Tại sao đoàn thanh tra lại không xem nhật ký công trình? Dư luận cho rằng, Ban QLDA không lập nhật ký công trình để tránh phải ghi lại ai là người lắp đặt và ai là người giám sát?

Về các màn hình 28inch 2Kx2K, cả đơn vị giải trình lẫn Đoàn kiểm tra đã không am hiểu về màn hình màu, giải trình và chấp nhận hoàn toàn sai về công nghệ. Nếu màn hình ghi là 8bit mà hiểu công nghệ xử lý 8bit cho một màu, màn hình có 3 màu cơ bản như vậy số bit màu là 8x3=24 bít chỉ là cảm tính số học, sai về yêu cầu công nghệ vì chưa rõ bài toán tổ hợp màu thế nào. Màn hình có yêu cầu 24 bit thì phải hiểu công nghệ xử lý màu chung cho cả màn hình là 24 bit.Vì vậy không thể chấp nhận văn bản xác nhận của ai đó về tiêu chuẩn màn hình 8bit tương đương với 24bit cũng như các nhận màn hình đạt 7500độK. Tiêu chuẩn màn hình phải căn cứ vào tài liệu kỹ thuật của hãng sản xuất đã công bố.

Về các sai phạm liên quan đến hệ thống máy tính, các máy tính giám sát đường truyền, hiển thị dữ liệu ra đa, hiển thị dữ liệu khí tượng; khai thác AFTN nằm trong dây chuyền phương tiện kiểm kiêm soát không lưu phải đảm bảo hoạt động 24/7 và độ ổn định 99,99%. Cơ sở để bảo đảm tiêu chí này là bản công bố tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất, bao gồm: Môi trường hoạt động, vòng  đời thiết bị, thời gian trung bình giữ hai lần sự cố (MTBF)... Những yêu cầu này là bắt buộc và có trong hồ sơ mời thầu và dùng để tính độ ổn định, độ tin cậy của hệ thống. Ban QLDA và Đoàn kiểm tra né tránh vấn đề hồ sơ dự thầu của Technimex không có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng máy tính của công ty sản xuất. Phải khẳng định răng việc chấp nhận các máy tính này là sai ngay từ lúc đấu thầu. Trách nhiệm trước hết thuộc về Ban QLDA. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra đã hoàn toàn không đả động gì đến việc này?

Về những sai phạm liên quan hệ thống máy phát điện và UPS, cả Ban QLDA và Đoàn kiểm tra đều né tránh việc trong quá trình chạy thử Đài KSKL, số lần mất điện là bao nhiêu lần? Vì sao lại mất điện? Giải pháp để ngăn ngừa sự cố này như thế nào? Liệu khi đưa đài vào hoạt động chính thức, sự cố này có lặp lại không? Dư luận cho rằng, chất lượng của hệ thống nguồn là không bảo đảm, khi đài hoạt động chính thức sự cố mất điện lại xảy ra đương nhiên nguy cơ mất an toàn do hoạt động điều hành bay là rất lớn. Hiện nay, Ban QLDA đã làm một việc sai là xoá hết dữ liệu ở log-on của UPS nhưng họ không thể xoá hết được dữ liệu đã ghi lại tình trạng mất nguồn điện đột ngột ở tất cả các máy tính. Hành động xoá dữ liệu trên log-on của các UPS phải được xem là xoá chứng cứ và cần được làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.
 

Công trình Đài kiểm soát không lưu Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài được khởi công từ tháng 9-2008 do Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.

Công trình có tổng mức đầu tư năm 2008 là hơn 545 tỷ đồng, bao gồm 1 Đài Kiểm soát không lưu (KSKL) cao 90m; 1 nhà kỹ thuật 4 tầng có tổng diện tích 2.600m2,  là Đài KSKL cao nhất Việt Nam.

Lẽ ra với một công trình có ý nghĩa chiến lược quan trọng về an ninh – quốc phòng và kinh tế như vậy, phải được tiến hành xây dựng chặt chẽ, nghiêm túc. Tuy nhiên, hiện nay, công trình đang  trong quá trình nghiệm thu, bàn giao nhưng đã và đang bộc lộ một số dấu hiệu sai phạm ở gói thầu xây lắp dân dụng có giá trị hơn 170 tỷ đồng, do Tổng công ty xây dựng Hà Nội là nhà thầu.

Tổ PVĐT