Sóc Trăng:

Nghi án cán bộ QLTT “giải cứu” phân bón giả: Công văn của Bộ Công thương có thuyết phục?

(Dân trí) - Liên quan vụ nghi án cán bộ quản lý thị trường “giải cứu” phân bón giả ở Sóc Trăng, điều khiến dư luận băn khoăn là công văn 3194 của Bộ Công thương trả lời Công an tỉnh Sóc Trăng về việc xác định hiệu lực quyết định 2466 về việc hủy bỏ quyết định chỉ định tổ chức thử nghiệm và chứng nhận phân bón vô cơ đã cấp cho Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ có thuyết phục?

Cụ thể, ngày 17/6/2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã ký Quyết định số 2466/QĐ-BCT để hủy bỏ Quyết định số 8788/QĐ-BCT ngày 2/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc chỉ định tổ chức thử nghiệm phân bón vô cơ đã cấp cho Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng (KKNPB) Nam Bộ.

Quyết định số 2466/QĐ-BCT cũng đồng thời hủy bỏ quyết định số 8888/QĐ-BCT ngày 3/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc chỉ định tổ chức chứng nhận phân bón vô cơ đã cấp cho Trung tâm KKNPB Nam bộ.

Cùng với việc hủy bỏ việc chỉ định tổ chức thử nghiệm và tổ chức chứng nhận phân bón vô cơ của Trung tâm KKNPB Nam Bộ nêu trên, Quyết định 2466/QĐ-BCT còn yêu cầu Trung tâm này phải thu hồi tất cả các Giấy chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm phân bón vô cơ đã cấp ngoài phạm vi được chỉ định tại Quyết định số 8888/QĐ-BCT.

Trước đó, trong quá trình thanh tra chấp hành pháp luật ở lĩnh vực phân bón, cơ quan Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phát hiện rất nhiều vi phạm về quản lý nhà nước trong hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón tại Trung tâm KKNPB Nam bộ.

Cụ thể, tại văn bản số 235/KL-TTr ngày 28/4/2016 kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực phân bón của Thanh tra Bộ NN&PTNT, thể hiện: Trong giấy phép mà Bộ Công thương cấp, Trung tâm KKNPB Nam Bộ chỉ được quyền chứng nhận phân bón DAP (phân bón vô cơ hỗn hợp) và phân lân nung chảy.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Trung tâm KKNPB Nam Bộ đã cố ý làm trái quy định, chứng nhận tràn lan các loại phân bón ngoài phạm vi được giao, gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, trong số 496 sản phẩm không nằm trong danh mục tại phụ lục I, đã sử dụng dấu hợp quy trong thời gian từ năm 2012 đến 19/12/2014 khi chưa có quy chuẩn bắt buộc áp dụng. Từ tháng 12/2014 đến nay, số sản phẩm này vẫn sử dụng dấu hợp quy nhưng không được kiểm soát chất lượng theo quy định tại Thông tư 41 năm 2014 của Bộ NNPT&NT.

Trong số 1.274 sản phẩm phân bón không phải là phân bón DAP và phân lân nung chảy, hiện đang sử dụng dấu hợp quy do Trung tâm KKNPB Nam Bộ cấp là bất hợp pháp; Sản phẩm của 276 doanh nghiệp không được giám sát theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 55 năm 2012 Bộ NNPT&NT sau khi được cấp, sử dụng dấu hợp quy.

Trong quá trình hoạt động, Trung tâm KKNPB Nam Bộ còn “không có giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động phân bón; phòng thử nghiệm phân bón của Trung tâm không có giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm”.

Kết luận Thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định, những sai phạm trên của Trung tâm KKNPB Nam Bộ đã khiến cho hàng nghìn sản phẩm phân bón của 276 doanh nghiệp đã không được kiểm soát về chất lượng, chứng nhận sai giấy phép. Nhiều sản phẩm nằm ngoài danh mục cho phép nhưng đã được đóng dấu “hợp quy”, bán tràn lan trên thị trường.

Nghi án cán bộ QLTT “giải cứu” phân bón giả: Công văn của Bộ Công thương có thuyết phục? - Ảnh 1.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng.

Khi Quyết định 2466/QĐ-BCT được ban hành thì tại Sóc Trăng, vào tháng 4/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Châu Hoài Phương (Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Sóc Trăng) làm trưởng đoàn đã kiểm tra, tạm giữ 148 bao phân bón gồm 3 loại phân khác nhau của DNTN Hồ Mỹ Nhiên (phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng).

Kết quả giám định lần đầu, cả 3 mẫu phân bón bị tạm giữ đều không đạt chất lượng. Doanh nghiệp khiếu nại nên kiểm định lần 2 vẫn không đạt. Tuy nhiên, các mẫu này sau đó được đưa đi kiểm định lần 3 tại Trung tâm KKNPB Nam Bộ thì kết quả lại đạt chất lượng nên toàn bộ số phân bị tạm giữ được giải phóng, trả lại cho doanh nghiệp tiêu thụ.

Theo cơ quan ANĐT, quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra vụ án, không có quy định cho kiểm định lần 3 nhưng ông Châu Hoài Phương đã cho kiểm định lần 3. Việc kiểm định lần 3 thực hiện gửi mẫu và Trung tâm KKNPB Nam Bộ nhận mẫu vào ngày 17/6/2016, ngày 27/6/2016 trả kết quả thử nghiệm cho Đoàn kiểm tra liên ngành với kết luận đạt yêu cầu. Điều đáng nói, ngày 17/6/2016, Trung tâm KKNPB Nam Bộ nhận mẫu thử nghiệm cũng là ngày Bộ Công thương có quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc thu hồi chức năng kiểm định của Trung tâm này.

Do Trung tâm KKNPB Nam Bộ bị hủy bỏ chức năng thử nghiệm trùng với ngày nhận mẫu thử nghiệm nên cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã có Công văn gửi Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) về hiệu lực của Quyết định 2466/QĐ-BCT ngày 17/6/2016 và tính hợp pháp của các kết quả thử nghiệm.

Ngày 17/4/2017, Bộ Công thương cố Công văn 3194/BCT-KHCN do Vụ Khoa học và Công nghệ trả lời cho cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng xác định: Các phiếu kết quả thử nghiệm do Trung tâm KKNPB Nam Bộ cấp ngày 27/6/2016 là hợp pháp. Lý do, tại thời điểm kiểm nghiệm phân bón thì Trung tâm này chưa nhận được quyết định của Bộ Công thương về việc hủy bỏ quyết định chỉ định cho Trung tâm này kiểm nghiệm phân bón, mà tới ngày 28/6/2016 Trung tâm này mới nhận được Quyết định số 2466/QĐ-BCT nên Trung tâm chỉ chịu trách nhiệm thi hành kể từ ngày 28/6/2016.

Nghi án cán bộ QLTT “giải cứu” phân bón giả: Công văn của Bộ Công thương có thuyết phục? - Ảnh 2.
Nghi án cán bộ QLTT “giải cứu” phân bón giả: Công văn của Bộ Công thương có thuyết phục? - Ảnh 3.

Công văn 3194 của Bộ Công thương.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại tá Dương Việt Hùng- Phó Thủ trưởng cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng nêu quan điểm: Quyết định 2466/QĐ-BCT là quyết định hành chính cá biệt, không ghi ngày có hiệu lực thi hành, cũng không ghi các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành kể từ ngày nhận được quyết định. Do đó, hiệu lực thi hành phải được hiểu là kể từ ngày ký quyết định, tức là ngày 17/6/2016. Vấn đề đặt ra là Trung tâm KKNPB Nam Bộ có được tiếp nhận mẫu thử nghiệm ngày 17/6/2016 và trả kết quả thử nghiệm ngày 27/6/2016 hay không ? Câu trả lời là không được phép vì Trung tâm này phải chấp hành quyết định kể từ ngày ký (ngày 17/6/2016).

Thứ hai, Bộ Công thương cho rằng “Quyết định 2466 của Bộ Công thương được phát hành theo đường công văn (gửi qua bưu điện) đến Trung tâm KKNPB Nam Bộ, do đó phải mất một thời gian nhất định để văn bản được chuyển từ Bộ Công thương đến Trung tâm để chịu trách nhiệm thi hành. Như vậy, về nguyên tắc, Quyết định 2466/QĐ-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày Trung tâm này nhận được quyết định này”.

Trong khi đó, Quyết định 2466/QĐ-BCT đã được dư luận cả nước (trong đó có Bộ Công thương và Trung tâm KKNPB Nam Bộ) biết đến qua phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, ngày 23/6/2016, trên báo Lao Động đã có bài viết “Hủy giấy phép của Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ”. Điều đó cho thấy lý giải của Bộ Công thương như nêu ở trên là chưa thuyết phục, bởi chính đơn vị ban hành Quyết định 2466/QĐ-BCT có cung cấp cho cơ quan báo chí quyết định này thì báo chí mới được phép đăng tải thông tin về việc ra đời của quyết định 2466. Điều đó cũng có nghĩa là Trung tâm KKNPB Nam Bộ phải có trách nhiệm thi hành Quyết định 2466 và không được phép trả kết quả thử nghiệm ngày 27/6/2016.

Thứ ba, theo cơ quan ANĐT, Công văn số 3194 ngày 17/4/2017 của Bộ Công thương cho rằng “Qua trao đổi và thông tin nhận được từ Trung tâm KKNPB Nam Bộ, Quyết định 2466/QĐ-BCT được Trung tâm này nhận ngày 28/6/2016…”. Trong khi đó, ngày 4/8/2016, ông Ma Quang Trung (Cục trưởng Cục Trồng trọt) đã ký quyết định cách chức, đồng thời điều chuyển công tác đối với ông Trần Quốc Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm KKNPB Quốc gia kiêm Giám đốc Trung tâm KKNPB Nam Bộ) vì đã để xảy ra tiêu cực có liên quan đến việc “bán” chứng nhận hợp chuẩn hợp quy cho hàng ngàn sản phẩm phân bón như nêu ra trong kết luận của Thanh tra Bộ NN&PTNT.

Ngày 10/8/2016, Cục Trồng trọt quyết định thu hồi Quyết định số 308/QĐ-TT-KKNPB ngày 17/7/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm KKNPB Nam Bộ (trực thuộc Trung tâm KKNPB Quốc gia) và dừng hoạt động kể từ ngày 15/8/2016. Vậy, Công văn số 3194 ngày 17/4/2017 cho rằng “Qua trao đổi và thông tin nhận được từ Trung tâm KKNPB Nam Bộ” liệu có thuyết phục ?

Thứ tư, theo cơ quan ANĐT, tại sao các bị can biết dựa vào Thông tư 29/2014/TT-BCT, ngày 30/9/2014 của Bộ Công thương quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ để ký các văn bản đề nghị cơ quan chuyên môn đánh giá các kết quả thử nghiệm, nhưng lại không căn cứ vào Thông tư 29/2014/TT-BCT để xác định giá trị của các kết quả thử nghiệm lần 3 trong trường hợp Trung tâm KKNPB Nam Bộ bị hủy bỏ chức năng thử nghiệm ? Theo cơ quan ANĐT, các bị can biết rất rõ các quy định này, biết kết quả thử nghiệm không có giá trị nhưng vẫn cố ý lấy kết quả thử nghiệm lần thứ 3 để giải tỏa lô phân bón đã niêm phong.

Lý giải quan điểm của cơ quan điều tra, Đại tá Dương Việt Hùng phân tích: Ngày 14/7/2016, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng nhận được Quyết định 2466/QĐ-BCT; ngày 15/7/2016, Chi cục QLTT Sóc Trăng cũng nhận được quyết định này nhưng mãi đến ngày 1/8/2016 các bị can mới tiến hành giải tỏa lô phân bón đã niêm phong. Như vậy là các bị can đã có một khoảng thời gian từ ngày 15/7/2016 đến ngày 1/8/2016 để nghiên cứu, nắm bắt về nghĩa vụ phải chấp hành, thực hiện Quyết định 2466/QĐ-BCT theo Điều 4 của quyết định này; việc chấp hành quyết định này gắn với Khoản 3 Điều 19 Thông tư 29/2014/TT-BCT. Như vậy, Chi cục QLTT Sóc Trăng (cũng như Sở Công thương Sóc Trăng) đã nhận được Quyết định 2466, các bị can (vào thời điểm từ ngày 15/7/2016 đến 1/8/2016 là cán bộ của Chi cục QLTT Sóc Trăng) thì không thể cho rằng không biết có quyết định để thi hành.

Trước câu hỏi “Quyết định 2466/QĐ-BCT có hồi tố không”, Đại tá Dương Việt Hùng phân tích: Quyết định 2466 hủy bỏ chức năng thử nghiệm của Trung tâm KKNPB Nam Bộ. Khi đã có quyết định hủy bỏ chức năng thử nghiệm thì các kết quả thử nghiệm của Trung tâm này trong khoảng thời gian đó phải được xem xét có giá trị hay không, việc xem xét này được căn cứ vào Khoản 3 Điều 19 Thông tư 29/2014/TT-BCT. Theo đó, “Trường hợp quyết định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp bị hủy bỏ, các kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp trong khoảng thời gian kể từ lần kiểm tra trước đến thời điểm hủy bỏ quyết định chỉ định sẽ không còn còn giá trị”.

Như vậy, Thông tư số 29/2014/TT-BCT quy định trong trường hợp bị hủy bỏ chức năng thử nghiệm, thì có một khoảng thời gian ấn định để xác định các kết quả thử nghiệm không có giá trị, khoảng thời gian đó là “Kể từ lần kiểm tra trước đến thời điểm hủy bỏ chức năng thử nghiệm” (lần kiểm tra trước là ngày 20/5/2016, thời điểm hủy bỏ chức năng thử nghiệm là ngày 17/6/2016). Với quy định như vậy thì không thể nói các phiếu kết quả thử nghiệm do Trung tâm KKNPB Nam bộ đã cấp ngày 27/6/2016 là hợp pháp. Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng ngày 28/6/2016 Trung tâm này mới nhận được Quyết định 2466/QĐ-BCT nên chỉ chịu trách nhiệm thi hành kể từ ngày 28/6/2016 là trái với Khoản 3 Điều 19 Thông tư số 29/2014/TT – TT do chính Bộ Công thương ban hành.

“Việc Trung tâm KKNPB Nam Bộ chỉ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định 2466/QD-BCT kể từ ngày nhận được quyết định như giải thích của Bộ Công thương là đúng, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là xem xét các kết quả thử nghiệm có giá trị hay không tại thời điểm bị hủy bỏ chức năng thử nghiệm. Việc thi hành quyết định và xem xét các kết quả thử nghiệm có giá trị hay không tại thời điểm bị hủy bỏ chức năng thử nghiệm là 2 việc hoàn toàn khác nhau cả về hình thức lẫn nội dung. Do đó không thể lấy việc thi hành quyết định để áp vào việc xem xét các kết quả thử nghiệm, để từ đó xác định kết quả thử nghiệm có hợp pháp hay không.

Đối với Trung tâm KKNPB Nam Bộ, việc thi hành quyết định 2466 được chấp nhận kể từ ngày 28/6/2016, nghĩa là kể từ ngày 28/6/2016 Trung tâm này không được nhận mẫu thử nghiệm nữa. Nhưng khi xem xét kết quả thử nghiệm do Trung tâm đã cấp trong trường hợp có quyết định hủy bỏ chức năng thử nghiệm thì phải xét kể từ ngày 20/5/2016, bởi đây là ngày có biên bản (của Tổ công tác của Bộ Công thương) là căn cứ để Bộ Công thương ban hành quyết định hủy bỏ chức năng thử nghiệm. Như vậy, Công văn 3194 của Bộ Công thương chỉ đúng khi nói về thi hành quyết định, còn không đúng khi nói về các kết quả thử nghiệm là hợp pháp”, Đại tá Hùng chỉ rõ thêm.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Bạch Dương