Nghệ An:
Nghệ An: Trang trại lợn công nghệ cao "bức tử" môi trường, dân yêu cầu dừng hoạt động
(Dân trí) - Mới đi vào hoạt động chính thức được nửa năm, nhưng theo phản ánh của người dân sở tại thì trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao đóng tại địa bàn xóm 8, xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.
Theo chân người dẫn đường vào vùng trồng keo ở xóm 8, xã Tân Sơn chúng tôi tiếp cận trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao của công ty TNHH đầu tư và Xây dựng thương mại Đức Minh.
Bao quanh trang trại là bức tường bằng gạch táp-lô dài hàng trăm mét có độ cao xấp xỉ 2 - 2,5m ngăn cách trại lợn với vùng đất xung quanh. Đi qua vùng trồng keo của người dân, men theo bức tường, chúng tôi tiếp cận điểm nước rỉ ra từ trại lợn.
Đây là vị trí mà bức tường vẫn liền mạch nhưng ở phần móng thì không bị xây bít lại. Một khoảng hở với chiều rộng khoảng 3m, cao 1m được rào lại bằng lưới thép. Phía bên trong cỏ dại mọc um tùm, dòng nước từ khu đất của trại lợn rỉ ra qua tấm lưới thép, chảy vào con đập nhỏ bên cạnh vùng trồng keo.
Con đập nhỏ cạnh trại lợn thuộc vùng đất trồng keo của gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh, đập rộng hàng trăm m2 được phủ lên một lớp bèo tấm màu xanh nhạt. Chỗ nào không có bèo, bằng mắt thường cũng nhận thấy màu nước đen sì, bọt nước sủi tăm nổi lấm tấm.
Theo lời người dẫn đường, nước từ đập nước nhỏ của bà Hạnh chảy qua đoạn cống nhỏ đặt dưới đường đi, từ đó dòng nước này chảy xuôi, theo con nước đi qua nhiều vùng của xã Tân Sơn rồi đổ vào đập nước 3/2. Đập nước 3/2 là đập lớn, đây là nguồn nước người dân thường dùng để tưới tiêu, sinh hoạt.
Cách đây mấy hôm, người dân bỗng thấy màu nước ở trong trại lợn chảy ra đen đặc, sủi bọt, bốc mùi. Rồi thấy công nhân trại lợn lắp máy bơm lấy nước từ ao nước của một gia đình ở sát trại, bơm vào pha loãng cho chảy đi theo dòng. Sự việc trên khiến nhiều người dân hồ nghi quá trình hoạt động của trang trại này xuất hiện vấn đề.
Tìm hiểu thực địa, điều khiến người dân sở tại lo lắng là không biết việc cấp phép thiết kế xây dựng cho trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao này có tính đến việc diện tích trại lợn ôm luôn dòng chảy tự nhiên trong khuôn viên của nó.
Bởi nguồn nước theo dòng chảy từ đập Hàng Tổng (huyện Yên Thành) lại chảy trong phần đất của trang trại rồi đi ra phía hạ nguồn. Lo lắng của người dân không phải là vô căn cứ bởi sau bức tường của trại chăn nuôi, nơi kề đập nước nhỏ của người dân thì nước trong đập này có màu, mùi của chất thải từ chăn nuôi lợn.
Bà Hồ Thị Xuyên, trú xóm 3, xã Tân Sơn, có vùng trại trồng keo ở xóm 8, sát trang trại lợn, cho biết: “Khi chưa có trang trại lợn chúng tôi đi chăm keo, chăn trâu hay lội ruộng gì cũng rửa ráy tay chân thoải mái. Nhưng từ khi trang trại lợn đi vào hoạt động, thì rửa cái tay cái chân cũng thấy mẩn ngứa, không ai còn dám múc nước lên rửa mặt nữa. Ngay cả con trâu con bò cũng không uống nước này, phải múc từ giếng lên thì mới chịu uống.”
Bà Xuyên than thở: “Nước lấy cho ruộng lúa cũng là nguồn nước này, nhưng trong nước có lẫn chất thải của lợn nên lúa cứ xanh mơn mởn, đến kỳ ra hạt thì hạt lép, nhà tôi phải rắc thêm muối để hãm nhưng cũng không giảm được bao nhiêu. Sao mà khổ như thế này chứ?”
Chúng tôi đi lên đồi cao, qua vùng trồng keo của người dân, tiếp cận phía sau của trang trại chăn nuôi. Đều gặp bức tường bằng gạch cao quá đầu người phía trên mắc dây kẽm gai bảo vệ. Từ điểm nhìn này một loạt dãy nhà chăn nuôi lợn sinh sản lợp mái tôn xanh hiện ra, quy mô và hiện đại. Đứng ở vị trí hõm núi, luồng gió thổi qua không khó để nhận ra là mùi từ việc chăn nuôi lợn.
Do cấu trúc địa hình của vùng đồi núi, những hộ ở sát phía sau của trang trại này không bị ảnh hưởng bởi mùi từ việc chăn nuôi lợn. Nhưng chếch một chút, ở phía xóm Tiến Sơn, cũng thuộc đất xã Tân Sơn, gió đưa mùi từ trang trại này lan ra cả một vùng dân cư đang sinh sống.
Ở địa điểm này, khác với vùng dân đang sống ở phía dưới trang trại, người dân không có ý kiến gì về nguồn nước mà họ đang dùng, nhưng chất lượng không khí thì đang ngày một ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày.
Anh Lê Đình Nam, xóm Tiến Sơn, xã Tân Sơn phản ánh với phóng viên: “Trước đây vùng của chúng tôi được tiếng là không khí trong lành, người ở vùng ngoài vào đây ai cũng thích, nhưng từ khi có trang trại lợn thì chất lượng không khí ở đây có thể khẳng định là đã đi xuống. Chúng tôi không phản đối việc làm kinh tế nhưng gây ô nhiễm, đặc biệt ở vùng này là gây mùi khó chịu độc hại, thì quả là tâm tư của người dân rất bức bối.”
Ông Nguyễn Hữu Xuân, cùng ở xóm Tiến Sơn cho hay: “Mùi từ trại lợn gây rất nhiều khó chịu đến đời sống của chúng tôi, đặc biệt khi trở gió đông bắc là mùi không chịu được. Đang ăn hay đang nằm ngủ trong nhà là mùi xộc vào nồng nặc phải chạy ra ngoài, nhưng ở ngoài mùi cũng hôi thối. Mỗi lần như thế thì chỉ mong là lại được như ngày trước.”
Không chỉ gia đình anh Nam, ông Xuân mà hơn 30 hộ gia đình đang sinh sống ở xóm Tiến Sơn này đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi mùi từ trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao này, đặc biệt khi gió đổi chiều thổi theo hướng đông bắc thì coi như cả làng Tiến Sơn ngập chìm trong không khí ô nhiễm.
Thông tin tìm hiểu được, trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao này do công ty TNHH đầu tư và Xây dựng thương mại Đức Minh trụ sở chính ở tỉnh Bình Phước đầu tư. Tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 20 ha, dự án có quy mô nuôi hơn 1400 con lợn giống, mỗi năm sẽ cung cấp ra thị trường 6.000 con lợn. Công nghệ nuôi được công bố là toàn bộ phân chuồng sau khi được xử lý sẽ hút ra ngoài cho vào máy ép thành phân khô.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn thu thập được thông tin trang trại chăn nuôi này mới đi vào hoạt động nửa năm, số lượng lợn giống nhập về được 2 đợt, chưa đạt đến số lượng đàn nuôi tối đa theo thiết kế. Mặc dù vậy, thực trạng của dòng nước chảy ra từ trang trại và mùi từ quá trình chăn nuôi khiến không ít người dân mất lòng. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu trang trại chăn nuôi đúng theo quy mô đàn lợn tối đa, thì không biết ảnh hưởng của nó sẽ đến mức độ nào? Câu hỏi này của người dân chúng tôi xin được gửi đến lãnh đạo tỉnh Nghệ An xem xét.
Một số hình ảnh ô nhiễm do trại lợn công nghệ cao của công ty TNHH đầu tư và Xây dựng thương mại Đức Minh gây ra tại địa bàn xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu được PV ghi lại:
Vị trí phần móng tường bao không bị bít lại.
Được rào bằng lưới thép, dòng nước từ trang trại rỉ ra con đập nhỏ của người dân mang theo chất thải quá trình chăn nuôi.
Con nước tự nhiên chảy về từ đập Hàng Tổng.
Dòng chảy này đi qua tường bao, chảy trong phần đất của trang trại.
Dòng chảy này đi qua tường bao, chảy trong phần đất của trang trại.
Người dân lo sợ nguồn chất thải sẽ đi theo dòng chảy này ra ngoài.
Trang trại quy mô rộng lớn, ảnh chụp ở phía cuối gió, mùi từ chăn nuôi lợn rất dễ nhận biết.
Người dân xóm Tiến Sơn bức bối vì mùi từ trang trại chăn nuôi lợn này khi gió đông bắc thổi qua.
Nước từ trại lợn rỉ ra, đậm màu và mùi từ chất thải chăn nuôi lợn, chảy vào đập của người dân. Nước từ đập này chảy xuôi xuống đập 3/2, là nguồn nước của xã Tân Sơn.
Nước đen phủ váng trong ao hồ của bà con ...
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc này đến bạn đọc.
Nguyễn Duy - Danh Thắng