“Ngày Tiếng Việt” - Tại sao không?

Một vấn đề hết sức cấp bách được đặt ra trong thời đại hội nhập là bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Trong thời đại ngày nay, hai yêu cầu có tính song hành của nền văn hóa là tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Trên phương diện ngôn ngữ, tính chất này cũng thể hiện rất rõ.

Một mặt, chúng ta phải tiếp tục tiếp thu các yếu tố ngôn ngữ ngoại lai để làm giàu cho vốn từ tiếng Việt, để cho tiếng Việt bắt kịp với xu thế phát triển chung của nhân loại, đặc biệt là việc xây dựng các thuật ngữ khoa học kĩ thuật, các khái niệm văn hoá...

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Qua các thử nghiệm, những yếu tố mới nếu phù hợp sẽ được gia nhập vào vốn từ tiếng Việt như tin tặc, số hoá, game thủ, bộ vi xử lí, điện thoại di động, toàn cầu hoá, cơ chế thị trường, kinh tế tri thứcNói chung, xu hướng Việt hoá lành mạnh như vậy diễn ra còn chậm, chưa bắt kịp với xu thế của thời đại bùng nổ thông tin.

Mặt khác, tiếng Việt phải bảo tồn những bản sắc, tinh hoa về các phương diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, phong cách để “hoà nhập nhưng không hoà tan”, chống lại những biểu hiện lai căng, tiêu cực trong đời sống ngôn ngữ hiện đại. Có thể nói đây là một cuộc chiến không có tiếng súng nhưng cũng không hề kém phần gay go, quyết liệt và nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.

Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng luôn đi tiên phong trong lĩnh vực này, nhất là những năm gần đây, khi những biểu hiện thiếu yêu quí, thiếu tôn trọng tiếng nói dân tộc ngày càng nhiều. Các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ phát triển không lành mạnh của tiếng Việt trước làn sóng “xâm lăng” của các ngôn ngữ ngoại lai, đặc biệt là tiếng Anh: ngôn ngữ quảng cáo, tên các thương hiệu, lời ăn tiếng nói của giới trẻ, ca từ của các bài hát, ngôn ngữ báo chí, sự xuất hiện các tiếng lóng lai căng, kệch cỡm, thậm chí xu hướng bắt chước cách diễn đạt của nước ngoài đã xuất hiện ngay cả trong phạm trù ngữ pháp, vốn là một yếu tố ổn định nhất của ngôn ngữ…

Trong giới trẻ đang có xu hướng mải mê theo học ngoại ngữ mà không quan tâm trau dồi những kiến thức của tiếng mẹ đẻ-vốn vô cùng phong phú và sâu sắc. Trước đây, Báo Văn nghệ có mục “Dọn vườn”, Đài Tiếng nói Việt Nam có chuyên mục “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” rất được dư luận quan tâm.

Hiện nay, nhiều tờ báo cũng có các bài viết với nội dung chống những biểu hiện lệch lạc trong việc sử dụng tiếng Việt, Báo Lao động cuối tuần có chuyên mục “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đã giới thiệu nhiều bài viết đặc sắc…Các trường tiểu học đã có phong trào thi “Vở sạch chữ đẹp” cũng là một cách làm hay để giáo dục các em tình yêu tiếng Việt. 

Nhằm khơi dậy mạnh mẽ tình cảm yêu quí, trân trọng tiếng Việt và xây dựng ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong cộng đồng, chống lại những biểu hiện tiêu cực trong việc sử dụng tiếng Việt đang có xu hướng gia tăng, chúng tôi đề nghị Nhà nước hãy chọn một ngày làm “Ngày Tiếng Việt” hàng năm, ngày truyền thống của tiếng mẹ đẻ, ngày tôn vinh những giá trị của tiếng Việt, ngày hội của những người yêu tiếng Việt, ngày trao thưởng cho những công trình nghiên cứu xuất sắc về tiếng Việt.

Theo chúng tôi, có thể chọn ngày 8/9 làm “ngày tiếng Việt” hàng năm. Bởi vì vào ngày 8/9/1962, trong bài nói chuyện tại đại hội lần thứ ba hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một câu nói nổi tiếng: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quí báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quí trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Lấy ngày 8/9 làm “ngày tiếng Việt”, chúng ta nguyện học tập “tấm gương sáng chói của Người về lòng yêu mến, quý trọng tiếng Việt, tin tưởng ở khả năng to lớn của tiếng Việt”(*). Chúng ta đều biết,  suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành không ít tâm huyết và trí tuệ để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Yêu quí và có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là một biểu hiện của tình yêu nước.

Đã có những ngày truyền thống tương tự (như “Ngày Thơ Việt Nam” tổ chức vào rằm tháng giêng hàng năm) rất thành công, trở thành một hoạt động văn hoá sôi nổi trên toàn quốc. Chúng tôi được biết, ở một số nước trên thế giới, những hoạt động bảo vệ tiếng mẹ đẻ cũng được tổ chức rất nhiều; ở nước Nga đã chọn một năm làm “năm tiếng Nga”, Chính phủ Pháp cũng rất quan tâm đầu tư xây dựng “Cộng đồng Pháp ngữ”, Chính phủ Trung Quốc đã có qui định về viết tên thương hiệu, tên của các cơ quan, tổ chức, công ty theo nguyên tắc chữ Hán được tôn trọng. Mỗi người Việt Nam hãy thể hiện tình yêu nước bằng những hành vi giản dị nhất như viết và nói cho đúng với những chuẩn mực ngôn ngữ mẹ đẻ.

Trần Quang Đại
Trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
email: quangdaiht@gmail.com    

(*) Nguyễn Kim Thản trong sách Hồ Chí Minh-Tác gia tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. NXB Giáo dục,1997, trang 207).

LTS Dân trí - Mỗi dân tộc tồn tại lâu dài trong lịch sử đều có ngôn ngữ - tiếng nói riêng. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, trao đổi thông tin mang tính đặc thù của mỗi dân tộc mà còn thể hiện phương pháp tư duy truyền thống của dân tộc đó.

Người Việt Nam ta có truyền thống văn hiến hàng nghìn năm  đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử làm cho vốn liếng ngôn ngữ của dân tộc ngày càng phong phú, có sức chuyển tải đầy đủ thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội cũng như thể hiện những sắc thái tình cảm tinh tế để làm nên nhiều tuyệt tác văn học.

Bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc chính là cái gốc, là nền tảng quan trọng nhất để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Cũng vì vậy mà sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các nhà văn, nhà báo và mọi người dân Việt Nam phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt.

Với tinh thần đó, chúng ta hoan nghênh đề xuất của tác giả bài viết trên đây về việc tổ chức thường kỳ hằng năm “Ngày Tiếng Việt” để tôn vinh Tiếng Việt trong thời đại toàn cầu hóa, cũng là góp phần quan trọng vào việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.