Bắc Giang - Bài 7:

Ngao ngán chuyện “con voi, cái kiến” trong xử lý vụ đánh cắp tài nguyên trắng trợn!

(Dân trí) - Vụ việc đánh cắp tài nguyên quốc gia trắng trợn giữa ban ngày xảy ra tại huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã được Báo Dân trí phản ánh qua loạt bài điều tra dài kỳ. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo kiểm tra khẩn sự việc. Sau khi có kết luận sai phạm nghiêm trọng như “con voi”, mới đây nhất, huyện Tân Yên có báo cáo xử lý sai phạm nhẹ nhàng đến…ngỡ ngàng!

Trắng trợn đánh cắp tài nguyên quốc gia giữa ban ngày

Sau nhiều ngày ghi nhận thực tế trên nhiều địa bàn thuộc huyện Tân Yên (Bắc Giang), PV Dân trí đã "mục sở thị" mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chở đất chạy vào các mỏ, điểm hạ cốt nền tại các xã Lam Cốt, An Dương, Cao Xá… để "ăn" đất; sau đó di chuyển qua những con đường làng, những chiếc cầu yếu ra đường liên tỉnh và chạy sang địa bàn các huyện khác.

Khi di chuyển trên con đường bê tông độc đạo nối xã An Dương và Lam Cốt, những chiếc xe này sẽ phải đi qua 3 cây cầu dân sinh. Đáng chú ý, có những chiếc cầu chỉ cho phép trọng tải từ 5 - 7 tấn đi qua; thế nhưng những chiếc xe tải chở cả chục tấn đất vẫn ngang nhiên di chuyển qua cầu.

Ngao ngán chuyện “con voi, cái kiến” trong xử lý vụ đánh cắp tài nguyên trắng trợn! - 1

Một hậu quả nhìn thấy bằng mắt thường thể hiện việc kiếm lợi bất chính sẵn sàng bức hại cuộc sống và tính mạng của người dân.

Một hậu quả nhìn thấy bằng mắt thường thể hiện việc kiếm lợi bất chính sẵn sàng bức hại cuộc sống và tính mạng của người dân.

Sai phạm bằng "con voi", xử lý bằng 'con kiến"?

Đến ngày 12/10/2018, UBND huyện Tân Yên đã có báo cáo về kết quả chấn chỉnh, xử lý vi phạm khai thác, vận chuyển đất tại địa bàn huyện trong thời gian vừa qua.

Theo báo cáo, về kết quả kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân người đứng đầu để xảy ra vi phạm trong quản lý hoạt động khai thác đất tại xã An Dương, Cao Xá, Lam Cốt, Việt Ngọc:

Chủ tịch UBND huyện đã ban hành Văn bản số 1695/UBND-TTr ngày 28/9/2018 về xử lý vi phạm trong việc khai thác, vận chuyển đất trên địa bàn các xã Cao Xá, Việt Ngọc, An Dương, Lam Cốt, trong đó đã kiểm điểm làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ phụ trách và các cá nhân liên quan đối với UBND xã An Dương, Cao Xá do để hoạt động khai thác, san gạt, hạ cốt nền và vận chuyển sai phép, trái phép trong thời gian qua mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm.

Kết quả đến nay đã thực hiện xong việc kiểm điểm trách nhiệm của Trưởng phòng tài nguyên và môi trường, Chủ tịch UBND xã Cao Xá, xã An Dương và các cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra vi phạm khai thác đất trên địa bàn huyện trong thời gian vừa qua.

Về việc chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản: báo cáo cho biết, ngày 12/101/2018 Chủ tịch UBND huyện Tân Yên đã ban hành văn bản số 1765/UBND-TNMT về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện, theo đó yêu cầu phòng TNMT huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp phép, quản lý khai thác các mỏ đất, san gạt, hạ cốt nền theo đúng quy hoạch, kế hoạch. Chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn kiểm tra, nắm tình hình và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ngao ngán chuyện “con voi, cái kiến” trong xử lý vụ đánh cắp tài nguyên trắng trợn! - 3

 


Phạt hành chính vài chục triệu đồng, giấu tên cán bộ sai phạm trong bản cáo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

Phạt hành chính vài chục triệu đồng, giấu tên cán bộ sai phạm trong bản cáo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

Về kết quả xử lý sai phạm của các đối tượng khai thác đất trái phép, sai phép tại địa bàn 4 xã: Sau khi tổng hợp kết quả kiểm tra, làm rõ vi phạm trong khai thác đất của các tổ chức, cá nhân tại địa bàn 4 xã An Dương, Cao Xá, Việt Ngọc, Lam Cốt, đã xử lý, xử phạt 16 trường hợp với tổng số tiền 252,9 triệu đồng. Trong đó: Chủ tịch UBND huyện đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 lượt tổ chức cá nhân với tổng số tiền là 235,9 triệu đồng, UBND các xã ban hành 05 quyết định xử phạt với số tiền 17 triệu đồng. Cụ thể:

Tại địa bàn xã An Dương: đối với xử lý vi phạm tại khu đồi Ngàn Ván. Chủ tịch UBND huyện đã ban hành 02 quyết định xử phạt đối với ông Vũ Văn Mạnh, bà Nguyễn Thị Tuyết với số tiền là 49,1 triệu đồng; Tại khu đồi Kẻng, thôn Ngàn Am, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành 04 quyết định xử phạt đối với 03 cá nhân là cá nhân các ông Nguyễn Hữu Du (1QĐ), Nguyễn Quang Tường (1QĐ), Vũ Văn Mạnh (2QĐ), tổng số tiền 100,6 triệu đồng; UBND xã An Dương ban hành 05 quyết định xử phạt (17 triệu đồng), tổng số tiền xử phạt tại xã An Dương là 166,7 triệu đồng.

Đối với việc xử lý vi phạm tại xã Lam Cốt, đã ban hành 01 quyết định xử phạt vi phạm đối với ông Nguyễn Văn Dũng, số tiền 4 triệu đồng.

Tại địa bàn xã Cao Xá: khu vực núi Hin, thôn Trại, đã kiểm tra, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 trường hợp bao gồm ông Nguyễn Vă Tuyền, thôn Trại (17 triệu đồng), Công ty TNHH khoáng sản Trung Bắc thôn Trại (10 triệu đồng); Khu núi Lăng Cao, xử phạt Công ty TNHH khoáng sản Linh Trung (34,4 triệu đồng), ông Nguyễn Văn Đỗ (9,9 triệu đồng), tổng tiền xử phạt tại xã Cao Xá là 71,4 triệu đồng.

Một vụ việc được đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh chỉ đạo thanh tra khẩn, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang kết luận hàng loạt sai phạm đã được UBND huyện Tân Yên báo cáo kết quả xử lý nhẹ nhàng đến...ngỡ ngàng. Thậm chí, báo cáo còn không nêu rõ tên các cá nhân cán bộ, lãnh đạo và mức độ kỷ luật cụ thể. Trong đó, hình thức kiểm điểm, trách nhiệm liên quan và hình thức kỷ luật cụ thể với Bí thư huyện uỷ Tân Yên, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên và Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Yên đều không được nêu rõ.

Cùng đó, trong báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tân Yên phải có văn bản báo cáo kết quả xử lý sai phạm gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang (qua Sở TN&MT) và trả lời Báo Dân trí trước ngày 15/10/2018. Tuy nhiên, Báo Dân trí đã không hề nhận được văn bản báo cáo này của huyện Tân Yên. Chỉ đến khi liên hệ với Văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang, nhận được sự hỗ trợ và phối hợp nhiệt tình từ cơ quan này, PV Dân trí mới có được bản báo cáo "ỡm ờ" của UBND huyện Tân Yên.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương dưới góc độ pháp luật ra sao?

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: Theo phản ánh của Báo Dân trí thì có hai hành vi sai phạm diễn ra trong quá trình khai thác đất đồi tại huyện Tân Yên. Một là khai thác sai so với giấy phép được cấp, hai là khai thác không có được cấp giấy phép của đơn vị khai thác.

 


Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên vô can trong khi tài nguyên quốc gia bị đánh cắp nườm nượp giữa ban ngày?

Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên vô can trong khi tài nguyên quốc gia bị đánh cắp nườm nượp giữa ban ngày?

Đối với hành vi vi phạm nêu trên được quy định cụ thể tại Nghị định số 33/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Điều 36. Vi phạm các quy định về khu vực khai thác khoáng sản

6. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 100% trở lên hoặc vượt từ 01 ha trở lên; vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 05 m trở lên, cụ thể như sau:

b) Từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ cát, sỏi lòng sông và trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

 


Luật sư Lực cho rằng, hành vi trục lợi tài nguyên quốc gia của đất tặc không thể thực hiện được nếu không có sự buông lỏng quản lý, thậm chí là bao che, dung túng, tiếp tay của chính quyền địa phương.

Luật sư Lực cho rằng, hành vi trục lợi tài nguyên quốc gia của "đất tặc" không thể thực hiện được nếu không có sự buông lỏng quản lý, thậm chí là bao che, dung túng, tiếp tay của chính quyền địa phương.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu toàn bộ khoáng sản đã khai thác trong diện tích vượt ra ngoài phạm vi của khu vực được phép khai thác đối với một trong các trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 3, 4, 5 và khoản 6 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến dưới 03 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 3; từ 03 tháng đến dưới 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 4; từ 06 tháng đến dưới 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 5 và từ 12 tháng đến 24 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông còn phải khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình khác có liên quan do hành vi vi phạm gây ra.

Luật sư Lực cho rằng, hành vi trục lợi tài nguyên quốc gia của "đất tặc" không thể thực hiện được nếu không có sự buông lỏng quản lý, thậm chí là bao che, dung túng, tiếp tay của chính quyền địa phương. "Sự việc được báo chí nêu tại huyện Tân Yên, trước hết tôi thấy chúng ta cần ghi nhận động thái kịp thời và quyết liệt của UBND tỉnh Bắc Giang, cụ thể là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo lập ngay đoàn thanh tra về hiện trường làm rõ sự việc. Đây là hành động cần có để làm sáng tỏ, minh bạch sự việc", luật sư Lực bày tỏ.

Theo luật sư Lực, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương nếu xảy ra sai phạm trên được pháp luật quy định rõ.

Trong vụ việc này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải xác định mức độ trục lợi tài nguyên của các đối tượng để tiến hành truy thu về ngân sách nhà nước.

Trong trường hợp, mức độ trục lợi lớn, đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan công an cần khởi tố vụ án điều tra làm rõ sai phạm của các đối tượng cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan.

 

Ngọc Hân - Anh Thế