“Ngành Tòa án trước hết phải tự tin”

(Dân trí) - Luật sư Đặng Văn Luân, Trưởng văn phòng luật sư Miền Bắc bày tỏ quan điểm như vậy khi trao đổi với Dân trí về những ý kiến tranh luận xung quanh <a href="http://www9.dantri.com.vn/Sukien/2006/11/154779.vip">phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao</a> Nguyễn Văn Hiện và khi ông Hiện có những ý kiến phản hồi sau kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp Quốc hội vừa qua đã kết thúc nhưng vẫn thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là phần chất vấn đối với Chánh án TAND tối cao, nhất là sau khi có ý kiến phản hồi của ông Nguyễn Văn Hiện. Là người từng tham gia nhiều trong hoạt động tố tụng, ông có nhận xét gì về hoạt động của ngành Tòa án hiện tại?

Phải khẳng định rằng Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến ngành Tòa án. Bộ Chính trị cũng đã ra nhiều Nghị quyết về cải cách tư pháp nhằm hoàn thiện hoạt động của ngành Tòa án, nhất là trong giai đoạn hiện nay, ngành Tòa án đã chuẩn bị rất tốt cho công cuộc hội nhập. Nhìn vào Huân chương Sao vàng mà ngành Tòa án vừa được tặng thưởng thời gian qua có thể thấy những cố gắng rất lớn của ngành.

Tuy nhiên, nhiều yếu kém trong cơ cấu tổ chức, hoạt động của ngành Tòa án là sự thật, cần phải nói thẳng. Những yếu kém đó cũng mang tính “lịch sử”. 

Nói thế có nghĩa là “đổ tội” cho tính kế thừa?

Không phải là “đổ tội”. Nhưng đúng là ngành nghề, lĩnh vực nào hiện tại cũng phải kế thừa từ quá khứ và thế có nghĩa là được thừa hưởng những thành tựu đồng thời cũng phải chấp nhận những điểm yếu kém, ấu trĩ nội tại của nó.

Cũng như các bạn đều biết, cho tới trước năm 2002, ngành Tòa án vẫn được tổ chức, bố trí theo kiểu: Các Tòa án cấp huyện thì hoàn toàn do Sở Tư pháp quản lý từ khâu tuyển dụng, bổ nhiệm đến chi trả kinh phí, quản lý con người; Các Tòa án cấp tỉnh thì do Bộ tư pháp quản lý và Bộ cũng tự chủ và toàn quyền về tất cả các hoạt động đó.

Do tổ chức như vậy nên trình độ của các thẩm phán không đồng đều dẫn đến việc nhiều nơi xét xử không tốt, đó là nguyên nhân dẫn dến án oan sai. Vì cách tổ chức như vậy mà đương nhiên trình độ các thẩm phán không đồng đều, các tỉnh vùng núi, vùng sâu, xa chất lượng nới nhẹ hơn các quận huyện ở thành phố, tác phong làm việc cũng thể hiện rõ tính địa phương.

Tôi nhận thấy phần trả lời chất vấn của ông Nguyễn Văn Hiện đã thẳng thắn nói về những yếu kém của chính ngành mình mà dù đã thay đổi nhưng thời gian mới chỉ vài ba năm, chưa thể khắc phục ngay được. Không lẽ, vì yếu kém nên tránh không nói tới? 

Có ý kiến cho rằng, ngành Tòa án có nhiều bất cập khác không chỉ phát sinh từ cơ cấu tổ chức đó?

Đúng thế, như việc bàn án, duyệt án chẳng hạn, chẳng cơ cấu tổ chức nào đề nghị cách làm đó. Nhưng chúng ta có những cái “lệ” bất thành văn tồn tại từ lâu, đó là trước khi xét xử phải bàn án, báo cáo án. Có những Tòa án có hẳn một quyển sổ ghi rõ to “Sổ bàn án” thì làm sao thực hiện được nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Mà không chỉ thế, Tòa án mà phụ thuộc vào chính quyền từng cấp như cơ cấu trên thì liệu ông Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện hay ông Giám đốc Sở Tư pháp có “quan tâm” đến những vụ việc có liên quan đến người thân, họ hàng của họ không? Đó là mầm mống sinh ra việc chạy án.

Muốn loại bỏ hiện tượng này, các Tòa án cần thực hiện nghiêm túc theo công văn số 32 năm 2004 của Chánh án TAND tối cao là thẩm phán không phải đề xuất án cũng như lãnh đạo Tòa án không phải nghe thỉnh thị án để tránh một khâu dễ bị lợi dụng để can thiệp vào nội dung án. 

Ông nhận xét thế nào về nội dung chất vấn của một số đại biểu Quốc hội?

Tôi rất phấn khởi khi không khí chất vấn và trả lời chất vấn hướng về những vấn đề cụ thể, rõ ràng. Những câu hỏi và những câu trả lời mà ngay lập tức có ý kiến ngược chiều, phản hồi là những câu hỏi, câu trả lời thẳng thắn, không dấu diếm yếu kém, khuyết điểm. Vì có nhận thấy yếu kém người ta mới có hướng mà sửa chữa, khắc phục. 

Dư luận cho rằng chúng ta đã chính thức gia nhập WTO, theo chất vấn của một số đại biểu thì ngành Tòa án còn quá non nớt và yếu kém, liệu Tòa án có đảm đương được vai trò xét xử, nhất là với những vụ án có yếu tố nước ngoài?

Tôi khẳng định là chúng ta không thua kém các Tòa án nước ngoài, có điều nếu chúng ta không tự tin vào mình thì làm sao người ngoài tin vào mình được?

Sẽ là tệ nhất nếu chúng ta không tin vào chúng ta, các đối tác nước ngoài sẽ không chọn Tòa án Việt Nam để xử các vụ việc tranh chấp có liên quan đến họ, như vậy chúng ta sẽ thiệt hơn cả.

Dĩ nhiên, ngành Tòa án cũng cần chấn chỉnh ngay những yếu kém cần phải khắc phục ngay như: kiên quyết đưa ra khỏi ngành những thẩm phán kém phẩm chất làm ảnh hưởng đến hoạt động chung; kiên quyết không bổ nhiệm lại những thẩm phán có hai lần xử sai và kiên quyết không cho Tòa án nào được bàn án, duyệt án trước khi xử.

Phương Thảo