Tư vấn pháp luật:
Ngân hàng giao dịch nhầm, khách hàng có phải hoàn lại tiền?
(Dân trí) – Cách đây gần 2 tháng có một khách hàng đến rút tiền tại Ngân hàng em, em đã giao tiền và cho khách ký nhận, nhưng trên hệ thống em lại bấm nhầm vào phần khách nộp tiền. Vậy, khách hàng có nghĩa vụ hoàn lại tiền cho Ngân hàng không?
Sau khi em phát nhầm lệnh 1 tiếng thì vị khách hàng ấy đã cầm thẻ ATM ra cây rút hết tiền. Khi nhân viên Ngân hàng gọi điện trao đổi thì vị khách này chối quanh co, không có thiện chí hợp tác. Như vậy, khách hàng có vi phạm pháp luật không?
(Nguyễn Bích Loan, Email: nguyenloan1289@gmail.com).
(Ảnh minh họa)
Trả lời:
Căn cứ Điều 183 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về chiếm hữu có căn cứ pháp luật như sau:
“Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong các trường hợp sau đây:
1. Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
2. Người được chủ sở hữu uỷ quyền quản lý tài sản;
3. Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
4. Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;
5. Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;
6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định”.
Đồng thời điều 233, 234, 235, 241, 245, 245… Bộ luật Dân sự cũng quy định về xác lập quyền sở hữu do lao động, do hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp, theo thoả thuận của các bên trong giao dịch, do thừa kế, theo bản án, quyết định Tòa án hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác… thì khi có sự kiện xảy ra theo đúng quy định của pháp luật, người chiếm hữu tài sản đó mới được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó.
Theo quy định nêu trên thì khách hàng của bạn có được khoản tiền đó là không có căn cứ, không phải là chủ sở hữu cũng không phát sinh từ giao dịch dân sự nào mà do thao tác nhầm của bạn mà được hưởng số tiền lớn. Khi khách hàng được lợi về tài sản không có căn cứ thì theo khoản 1 điều 599, Bộ luật Dân sự 2005 quy định phải hoàn trả cho người chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Trường hợp không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong trường hợp khách hàng của bạn nói mất thẻ ATM thì người khác cũng không thể rút được số tiền này do không thể biết mật khẩu. Khi tiến hành làm thẻ ATM khách hàng cũng đã cam đoan không cho người khác mượn thẻ, khi mất phải báo Ngân hàng. Vì vậy kể cả khi người khác chứ không phải khách hàng của bạn rút tiền Ngân hàng vẫn có quyền yêu cầu khách hàng trả lại khoản tiền đã rút do Ngân hàng chuyển nhầm.
Trong trường hợp khách hàng cố tình không hoàn trả lại số tiền mà Ngân hàng đã chuyển nhầm thì Ngân hàng có quyền tố cáo đến cơ quan Công an đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại điều 141, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009: “Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Luật sư Vũ Hải Lý
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166
Ban Bạn đọc