Ngăn chặn nguy cơ những “ông vua con”: Kinh nghiệm của huyện Kỳ Sơn
Những "ông vua con - hiệu trưởng" trong bài viết của tác giả Trọng Nghĩa tuy là số ít nhưng có thể nói đây là một trong những vấn đề khá nhức nhối hiện nay. Những con sâu này đang làm xấu đi hình ảnh của những người thầy - những người hiệu trưởng chân chính.
Hiện tượng hiệu trưởng là “vua con” ở các trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn, gian khổ càng có nhiều điều đáng nói. Hầu hết ở những nơi này, giáo viên ở tập trung, có một số luợng lớn giáo viên cắm bản, số rất ít ở lại cơ sở chính. Điều này đã tạo ra cho hiệu trưởng những thứ quyền lực"không giống ai", đã từng có những hiệu trưởng yêu cầu giáo viên nữ phải "chiều sếp" thì được ở cơ sở chính hoặc đi bản lẻ gần trường để khi cần sếp gọi, nếu chống đối thì sẽ phải đi bản xa nhất và chưa biết lúc nào được ra. Nhiều cô giáo dù không muốn nhưng đành phải nhắm mắt làm liều...
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Để giải quyết vấn đề này cần thiết phải có chế tài cụ thể, quy định chặt chẽ từ trên xuống dưới, quyền hạn và trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên và các tổ chức đoàn thể phải được cụ thể hoá và phải được cấp trên phê chuẩn, lấy đó làm căn cứ để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động của nhà trường và hiệu trưởng.
Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã có cách làm rất hay, đó là đưa hiệu trưởng, hiệu phó vào diện Ban thường vụ Huyện ủy quản lý. Đến cuối năm học, Ban tổ chức Huyện ủy chủ trì lấy phiếu tín nhiệm của giáo viên (bao gồm các mục: chuyên môn, đạo đức lối sống và năng lực quản lý, điều hành) để tổng hợp kết quả báo cáo Ban thường vụ. Như vậy, có thể tránh được nguy cơ thiếu tính khách quan và nguy cơ giáo viên không dám phản ánh ý kiến. Những hiệu trưởng đạt số phiếu dưới 50% thì có phương án thay thế, số phiếu 50 - 70% thì xem xét, kiểm điểm và có thể bố trí đi làm hiệu trưởng trường khác. Cách quản lý và giám sát cán bộ như vậy làm cho các hiệu trưởng không dám "quân phiệt” với giáo viên và phải quan tâm hơn đến công việc được giao.
Sau hai năm thực hiện, phương án này được tất cả giáo viên trong huyện Kỳ Sơn ủng hộ cao. Nhiều vị hiệu trưởng trước đây coi giáo viên như "nô lệ "đã không còn “đất” để ra oai. Vai trò của cấp uỷ và các tổ chức đoàn thể được nâng lên rõ rết. Nhiều giáo viên đã nói rằng: "Bây giờ chúng em đã có nơi để giãi bày, phản ánh những bất công, tiêu cực trong nhà trường mà khống sợ bị trù dập - đó là Ban thường vụ Huyện ủy".
Thiết nghĩ cách làm này nên được phổ biến rộng rãi trong các địa phương, chắc rằng nó sẽ là phương thuốc hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời những "ông vua con" lộng hành.
Ha Giang
havinhkshopthu.com
Huyện Kỳ Sơn, Nghệ An
LTS Dân trí - Lẽ ra ở những địa bàn còn nhiều khó khăn như miền núi, vùng sâu vùng xa, người hiệu trưởng càng phải nêu cao vai trò gương mẫu, trước hết phải là người thầy chuẩn mực về chuyên môn cũng như đạo đức. Ngược lại, như bài viết nói trên phản ảnh, một số hiệu trưởng đã tự biến mình thành “ông vua con”, gây ra nhiều nỗi oan ức và sự bất bình trong đội ngũ giáo viên.
Nhằm tăng cường quản lý và phát hiện kịp thời những hiệu trưởng thoái hóa, biến chất, cách làm của huyện ủy Kỳ Sơn, Nghệ An là một kinh nghiệm tốt. Điều đó cho thấy Huyện ủy ở đây rất coi trọng việc lãnh đạo sự nghiệp giáo dục, đã đưa hiệu trưởng và hiệu phó các trường vào diện quản lý của Ban Thường vụ huyện ủy và hằng năm tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm của quần chúng giáo viên ở cơ sở. Nhờ vậy đã đánh giá đúng được vai trò của người hiệu trưởng và ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực.
Đấy là cách làm dựa vào quần chúng giáo viên để phát huy đầy đủ dân chủ ở cơ sở cũng như đề cao đúng mức vai trò của các tổ chức quần chúng ở cơ sở.