Ngăn chặn hành vi bạo lực trong học sinh: Hãy bắt đầu từ gia đình (2)

Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong số những nữ sinh có hành vi bạo lực thì có ba đặc điểm quan trọng liên quan đến gia đình, đó là: Sự thiếu quan tâm của cha mẹ; Bạo hành trong gia đình; và Sự thờ ơ của cha mẹ đối với hành vi bạo lực của con cái.

Gia đình, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi bạo lực của nữ sinh

 

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong số những nữ sinh có hành vi bạo lực thì có ba đặc điểm quan trọng liên quan đến gia đình, đó là 1) sự thiếu quan tâm của cha mẹ; 2) bạo hành trong gia đình; và 3) sự thờ ơ/vô cảm của cha mẹ đối với hành vi bạo lực của con cái. Những phân tích sau đây cho thấy điều đó:

 

Thứ nhất, khảo sát cho thấy có mối liên hệ giữa hành vi bạo lực của nữ sinh với mức độ quan tâm của cha mẹ đến đời sống tâm lý, tinh thần của con cái. Trong số các em có hành vi bạo lực thì 77,3% nói rằng trong gia đình mình “các thành viên ít có sự quan tâm lẫn nhau”. Mức độ quan tâm của cha mẹ đến đời sống tâm lý, tinh thần của con cái thì 52% trả lời “ít quan tâm”, 14,7% nói cha mẹ “không quan tâm” so với 33% trả lời cha mẹ quan tâm đến tâm lý của con cái. Với các em đã từng có hành vi đánh nhau, mối liên hệ giữa mức độ quan tâm của cha mẹ như sau:

 

Có sự khác biệt đôi chút giữa các lớp, những nữ  lớp 10 sinh có hành vi đánh nhau thì 60% các em nói rằng “cha mẹ ít quan tâm” và 30% nói “cha mẹ không quan tâm” đến đời sống tâm lý của các em. Con số này ở nữ sinh lớp 11 là 64,6% và 16,7%, ở nữ sinh lớp 12 là 64,3% và 25%.

 

Cha mẹ, vì những lý do khác nhau nên ít quan tâm đến đời sống tâm lý của con cái ở độ tuổi Trung học phổ thông – tuổi có nhiều biến đổi về tâm lý, sinh lý, đầy những mộng mơ - khiến cho các em có thể cảm thấy cô đơn ngay trong ngôi nhà vốn được xem là tổ ấm gia đình, như lời một nữ sinh lớp 12 “Ở nhà em thấy chán quá nên đi chơi thôi. Bố mẹ em đi suốt ngày, em cũng đi học cả ngày. Buổi tối về nhà gặp mặt nhau được một lúc thì đường ai nấy đi. Còn chuyện bố em hỏi han, tâm sự á? Hiếm lắm. Mẹ em thì đi làm cả ngày, về nhà là chỉ muốn ngủ thôi, mà em cũng chả muốn nói chuyện nhiều đâu”.

 

Nghiên cứu cũng cho thấy không chỉ có mối liên hệ giữa hành vi bạo lực của nữ sinh với mức độ quan tâm của cha mẹ, mà còn có mối liên hệ giữa số lần đánh nhau của nữ sinh với sự quan tâm đến tâm lý của con cái.

 

 Thứ hai, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, có 84,7% nữ sinh đánh nhau nói rằng trong gia đình các em có hành vi bạo lực giữa các thành viên, trong đó 12% bạo lực giữa cha mẹ; 16,7% bạo lực giữa anh, chị em; đáng lo ngại về mức độ bạo lực giữa cha mẹ và con cái: 32,7%. Có 13,3% gia đình tồn tại cả ba bạo lực trên. Chúng tôi cũng nhận thấy có mối tương quan giữa bạo lực gia đình với hành vi bạo lực  của nữ sinh, theo đó 47,2% đến 52,8% nữ sinh sống trong gia đình có bạo lực đã có hành vi bạo lực với bạn cùng trang lứa.

 

Thứ ba, khi được hỏi về “Thái độ của cha mẹ khi biết con gái đánh nhau” thì kết quả đáng ngạc nhiên: có 41,7% các em nói rằng bị cha mẹ “mắng chửi và đánh”; 9,4% cha mẹ “khuyên bảo nhẹ nhàng”; 6,3% yêu cầu phải “xin lỗi bạn”; và có đến 42,6% nói rằng “cha mẹ không quan tâm đến hành vi đánh nhau của con gái”(!).

 

Những con số này đáng dóng lên hồi chuông báo động về vai trò làm cha mẹ trong gia đình hiện nay. Chỉ có 15,7% cha mẹ biết cách giáo dục con cái đúng mực và có văn hoá khi thấy con đánh nhau thì “khuyên bảo nhẹ nhàng và bắt con xin lỗi bạn”. Trong khi đó, 41,7% cha mẹ sử dụng hình thức bạo lực (chửi mắng, đánh) để đối xử với hành vi bạo lực của con cái. Chính điều này đã đẩy con cái mình trượt tiếp trên con đường bạo lực “Hôm em đánh nó xong, bố em biết được liền cho em một trận tơi bời. Bố em chả hỏi han gì, cứ thế mà quất em liên tục. Em ức lắm... Để giải toả ấm ức với bố em á, em đi chơi, nếu thích em lại đánh nhau tiếp. Cùng lắm thì bị bố em đánh thêm trận đòn nữa chứ mấy. Em quen rồi (cười)”.

 

Đáng ngạc nhiên có đến 42,6% không quan tâm đến chuyện này “Bố mẹ em chả thèm quan tâm nữa cơ. Bố mẹ em đi công tác suốt, mẹ em thì làm tối mịt mới về. Hôm em đánh nhau với đứa bạn bị thấy hiệu trưởng gọi lên, đòi gặp phụ huynh. Mẹ em lên gặp rồi về nhà cũng chả nói gì”. Chính sự thờ ơ, vô cảm đến vô trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái, cộng thêm phương pháp giáo dục sai lầm không chỉ là mảnh đất nuôi dưỡng hiện tượng bạo lực mà còn là môi trường để sự vô cảm phát triển trong học sinh hiện nay.

 

Bạo lực gia đình là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi bạo lực của con cái. Nhiều công trình xã hội học trên thế giới và nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy, có sự “chuyển giao hành vi bạo lực” giữa các thế hệ trong gia đình. Theo đó, nếu trẻ em thường xuyên hoặc thỉnh thoảng chứng kiến cảnh cha đánh chửi mẹ (hoặc ngược lại mẹ đánh, chửi mắng cha) thì với bé trai dần dần sẽ hình thành nhận thức rằng: làm đàn ông có quyền đánh đập phụ nữ, và rồi khi trở thành chồng thì chàng trai cũng có cách ứng xử như vậy đối với vợ. Và không chỉ có vậy, cậu con trai sẽ quan niệm trong cuộc sống“kẻ nào mạnh thì kẻ đó thắng”, và coi đó như một chân lý trong quan hệ xã hội. Với các bé gái, chứng kiến cảnh mẹ bị cha mắng chửi, đánh đập thì có thể sau này cô gái cũng sẽ cam chịu cảnh bạo lực nếu có, hoặc sẽ có ác cảm với nam giới.

 

Ngăn chặn hành vi bạo lực trong học sinh: Bắt đầu từ gia đình

 

Đúng như báo chí đã viết “Người lớn hãy nhìn lại mình”, không chỉ khi con có hành vi sai lệch. Để sân trường không còn đổ máu, để các em học sinh không ứng xử với nhau theo kiểu giang hồ, thì gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ nhiều hơn nữa, không nên chỉ hô hào theo chiến dịch, mà cần quan tâm một cách thiết thực, với những hình thức đơn giản, phong phú và hiệu quả: thông qua các khoá tập huấn kỹ năng sống, câu lạc bộ thanh thiếu niên, các hoạt động văn hoá - thể thao.v..v lồng ghép kiến thức về pháp luật, về đạo đức, văn hoá ứng xử phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và vùng/miền. Và quan trọng hơn, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống người lớn phải là tấm gương sáng cho các em noi theo. Chỉ có như vậy, chúng ta mới không rơi vào cảnh “gieo lúa, gặt khoai” trong sự nghiệp trồng người.

 

Cần nhận thấy rằng, những yếu tố như nhóm bạn, game, phim ảnh bạo lực, truyện tranh bạo lực,.vv. cũng tác động không nhỏ đến hành vi bạo lực của các em. Nhưng đó lại là một chủ đề riêng, chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác. Trong bài viết này, chúng tôi nhấn mạnh vai trò của gia đình với hành vi bạo lực của con cái. Từ phương diện xã hội học, chúng ta không thể phủ nhận môi trường gia đình có vai trò quan trọng - nếu không nói là có tính quyết định - đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ em. Các nhà xã hội học đã coi gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình xã hội hoá, hình thành nhân cách của trẻ em, và không chỉ đối với trẻ em. Nói cách khác, bên cạnh chức năng kinh tế thì các chức năng giáo dục, chức năng văn hoá và và chức năng tình cảm của gia đình kết sức quan trọng đối với việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, những công dân tương lai của đất nước. Nếu trẻ em sống trong một gia đình không hoà thuận, cha mẹ thường hay cãi chửi nhau, đánh đập nhau thì nhất định trẻ em cũng chịu tác động xấu - mức độ nhiều hay ít - tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình cụ thể. Theo số liệu thống kê gần đây ở Mỹ, trong số những trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình, có tới 60% trẻ em nam đã trở thành những kẻ đánh người, và 80% nam giới trong tù lớn lên từ các gia đình có bạo lực. Một nghiên cứu khác  cũng cho thấy: trong số những thanh thiếu niên phạm tội bạo lực thì có  các nguyên nhân gia đình luôn có mối bất hoà (15,5%), cha mẹ cùng nghiện rượu (14,3%); cha mẹ luôn có hành vi bạo lực đối với con (2,6%).Trong trường hợp bị lạm dụng tình dục, nghiên cứu cũng cho thấy khi còn nhỏ tuổi bị lạm dụng tình dục thì khi lớn lên càng dễ bị phạm tội tình dục (Hoàng Bá Thịnh, 2007).

 

Nhân đoạn clip đánh nữ sinh - Trường trung học phổ thông TNT (quận Hai Bà Trưng) và Trường trung học LQĐ (quận Hà Đông) đều thuộc thủ đô Hà Nội - bị hành hung trước sự vô cảm của bạn cùng trang lứa, và cả những người lớn tuổi. Chúng tôi mong muốn góp thêm một  tiếng nói về  tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục con cái, đồng thời gióng lên tiếng chuông cảnh báo với những gia đình không thực hiện đầy đủ và tốt các chức năng của gia đình trong xã hội đang phát triển với những biến động khó lường hết. Không phải ngẫu nhiên mà Liên Hợp quốc khi tổng kết Thập kỷ phát triển gia đình, đã kêu gọi “Hãy bắt đầu từ đơn vị dân chủ nhỏ nhất là gia đình”, và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ  biện chứng giữa gia đình xã hội “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt” lại càng đúng trong bối  cảnh đất nước phát triển hiện nay.

 

Chúng ta đã và đang báo động về sự xuống cấp của văn hóa học đường và “sân trường đổ máu” là đỉnh cao của bi kịch về sự xuống cấp này. Tiếc rằng bi kịch này không phải là cá biệt và không phải mới xảy ra. Nó đã xuất hiện vài năm trở lại đây và ngày càng tăng về mức độ phức tạp, sự nguy hiểm trong các hành vi bạo lực. Và bạo lực học đường vẫn sẽ tồn tại khi chúng ta không có hành động thiết thực và tích cực để ngăn chặn bạo lực, tôn vinh văn hóa học đường.

 

Vì thế, để giảm thiểu những hành vi bạo lực trong nhà trường nói riêng và bạo lực trong xã hội nói chung, theo chúng tôi hãy bắt đầu từ gia đình. Không nên chậm trễ nữa.

 

PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh

(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Công tác xã hội Chủ nhiệm Bộ môn Giới và Gia đình Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội)