Nên tổ chức kỳ thi “hai trong một” vào năm tới hay chưa?

Là một nhà giáo, lại có con sắp bước vào kỳ thi “2 trong 1” nếu nó trở thành hiện thực vào năm tới, cho nên tôi nghĩ mình có trách nhiệm đóng góp ý kiến về vấn đề này.

Số đông nhà giáo chúng tôi cũng như phần lớn phụ huynh học sinh chưa đồng tình với việc tổ chức gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học vào năm tới (2009) vì những lý do sau đây:

Thứ nhất: nhà giáo chúng tôi cho rằng với hai kỳ thi nhằm hai mục đích khác nhau nay ghép thành một trong điều kiện của chúng ta hiện nay là không thực tế. Các tác giả của dự án này cho rằng trên thế giới nhiều nước chỉ tồn tại một kỳ thi, nhưng tôi cũng xin bổ xung rằng cũng nhiều nước không kém tồn tại hai kỳ thi. Các nước xung quanh ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tồn tại hai kỳ thi.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Các nước phát triển như Pháp, Nga cũng tồn tại hai kỳ thi. Tại Mỹ để vào một số trường bắt buộc phải lọt qua phỏng vấn cũng không khác gì một kỳ thi thứ hai. Vậy trên cơ sở nào Bộ GD và ĐT quyết định áp dụng mô hình này mà không áp dụng mô hình khác? Tính tương đồng của các nước có mô hình 2 trong 1 đó so với điều kiện của nước ta ra sao? Đọc các ý kiến thuyết trình về đề án tôi không thấy toát ra được ý này.

Thứ hai: Chúng ta mới tổ chức kỳ thi THPT gọi là nghiêm túc mới năm thứ hai và theo quan sát cũng như trải nghiệm thực tế của bản thân thì tính nghiêm túc đã giảm so với năm thứ nhất. Vậy mới hai năm đã đủ cơ sở để kết luận một vấn đề còn gây tranh cãi hay chưa? Nếu chưa thì sao không tiếp tục thử nghiệm cho tốt mà đã bắt đầu một thử nghiệm mới? Chúng ta đã có đủ cơ sở để kết luận các vấn đề tiêu cực và mọi khía cạnh của nó có thể xảy ra hay chưa? Hay tất cả mới chỉ là các dự đoán trên giấy. Các phương án đối phó sẽ ra sao?

Thứ ba: Lứa con chúng tôi là lứa đầu tiên học theo chương trình cải cách toàn diện. Tới thời điểm này sách còn chưa thấy bán mà Bộ đã dự kiến tiếp tục cải cách kỳ thi. Không nhẽ con cái chúng tôi, cả một lứa học sinh chỉ để cho Quý Bộ “làm thí nghiệm” hay sao? Tại sao không để chương trình thực hiện được một vài năm để rút kinh nghiệm hoàn thiện mới tiếp túc cải cách mà phải làm ngay khi nó chưa có tính ổn định?

Thư tư: là những người trong nghề và trực tiếp thực hiện nhưng tại sao chúng tôi lại không bao giờ được hỏi ý kiến một cách nghiêm túc mà người ta chỉ đi hỏi ý kiến các Sở GDĐT, các viện NC, các nhà KH là những nơi và những người không còn trực tiếp làm và thực hiện chủ trương ấy nữa? Về danh nghĩa thì chúng tôi được đóng góp qua các diễn đàn nhưng đó chỉ được coi là một kênh tham khảo và việc nghe hay không nghe hoàn toàn phụ thuộc vào cách tổng hợp và xử lý thông tin chủ quan của Bộ.

Thứ năm: Mục đích của kỳ thi là giảm tốn kém và giảm áp lực trong khi với ngành giáo dục thì mục tiêu nâng cao chất lượng mới là chủ đạo thì không thấy ai đề cập đến tính ưu việt của mục tiêu đó trong đề án này? Là nhà giáo và đồng thời là cha mẹ học sinh, chúng tôi không ngại tốn kém và sãn sàng chia sẻ sự tốn kém đó mà chúng tôi quan tâm trước hết đến tính công bằng của kỳ thi thì lại không thấy được tính ưu việt của đề án so với cách thi cũ. Toàn bộ giải thích mà chúng tôi được tiếp cận hoàn toàn không thấy toát lên phần ưu việt này?

Tóm lại, tôi đề nghị Bộ hãy thôi “đá quả bóng” lên chính phủ, Theo đánh gia khách quan thì đó là cách trốn tránh khéo trách nhiệm nếu đề án thất bại; và đó cũng là cách lấy sức ép của cơ quan hành pháp cao nhất lên một vấn đề vốn không nên áp đặt mà cần nghiên cứu kỹ lưỡng căn cứ khoa học và thực tiễn trước khi cho áp dụng đại trà.

Lời khuyến chân thành của chúng tôi đối với Quý Bộ là hãy tiếp tục làm tốt những gì chúng ta mới bắt đầu là tiếp tục hoàn thiện việc nâng cao chất lượng chương trình và sách giáo khoa, tiếp tục chống căn bệnh thành tích dưới mọi hình thức, coi trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chất lượng giảng dạy, hoàn thiện phương án thi trắc nghiệm trước khi tiếp tục một cải cách mới. Hãy làm ít việc nhưng thật tốt còn hơn là làm nhiều việc đồng thời nhưng không đến nơi đến chốn và nhất là chưa đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn.

Nguyen Quang Tuyen <qtuyen98@yahoo.com>

LTS Dân trí - Ý kiến đóng góp trên đây là của một nhà giáo đang đứng lớp, đồng thời là người  cha của học sinh sẽ phải thi tốt nghiệp THPT theo phương án “2 trong !” theo dự kiến bắt đầu áp dụng từ năm sau. Xuất phát từ quyền lợi hết sức thiết thân như vậy, cho nên ý kiến đóng góp này cần được các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe, bởi vì bất cứ chủ trương mới nào được đưa ra là cốt để phục vụ nhân dân tốt hơn, đem lại hiệu quả cao hơn, nhưng chính đối tương thi hành cũng như đối tượng được phục vụ lại còn nhiều quan ngại và nghi ngờ về hiệu quả thực tế của chủ trương đó, thậm chí còn nhiều ý kiến phản đối hơn ủng hộ, thì điều đó buộc phải xem xét lại chủ trương đưa ra đã đúng lúc chưa và sự chuẩn bị đã chín muồi chưa?

Đặc biệt chủ trương ở đây lại thuộc về lĩnh vực giáo dục, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là con người, nhất là thế hệ trẻ. Không thể lấy một chủ trương chưa xác định đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn, chưa cân nhắc đầy đủ những mặt lợi và hại cũng như chưa chuẩn bị chu đáo, mà đem chủ trương đó “làm thí nghiệm” trên hàng loạt học sinh vào thời điểm hệ trọng là sát hạch trình độ hết bậc học phổ thông để tuyển thẳng lên đại học và cao đẳng !

Không thể đem con em chúng ta “làm vật thí nghiệm” cho một chủ trương chưa được chuẩn bị chu đáo mọi mặt và chưa lường được hết hậu quả như việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học.

Đấy không chi là ý kiến của một tác giả viết bài trên đây mà còn là kiến nghị của không ít nhà giáo và phụ huynh học sinh.