Nên chăng trao "kim bài miễn tử" cho cán bộ dám nghĩ, dám làm?

CTV

(Dân trí) - Việc trao "kim bài miễn tử" - miễn tội cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung - giúp họ có cơ sở pháp lý, không gian sáng tạo khi triển khai ý tưởng giúp ích cho xã hội.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, các cơ quan có thẩm quyền, các ngành, các cấp tiếp tục triển khai các kế hoạch, biện pháp cụ thể để thể chế hóa chủ trương này.

Có thể nói, với chủ trương lớn, mang tính đột phá chưa có tiền lệ này thì việc triển khai cụ thể để sớm đi vào thực tiễn cuộc sống cần phải cụ thể hóa, quy định chi tiết để có cơ sở áp dụng. Bởi bước đầu triển khai có thể sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc bảo vệ đến đâu, chế tài xử lý như thế nào... khi những cán bộ thuộc diện dám nghĩ, dám làm có sai sót, vi phạm pháp luật, thậm chí có dấu hiệu tội phạm?

Do đó, vấn đề này phải được tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa sao cho dễ áp dụng nhưng cũng không bị lợi dụng, tùy tiện nhằm chạy tội, thoát tội hoặc trù dập người tài, người dám đột phá vì lợi ích chung.

Vấn đề này có thể coi là mấu chốt, quan trọng nhất khi triển khai Kết luận số 14-KL/TW và đảm bảo chủ trương này phát huy hiệu quả trong thực tế.

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần phải có "khung", có "sàn", không gian cụ thể cho những cán bộ nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm triển khai ý tưởng sáng tạo, quyết tâm của mình vì lợi ích chung. Theo đó, cần mạnh dạn, quyết đoán trao cho họ "kim bài miễn tử" trong những phạm vi, lĩnh vực nhất định để họ có thể tự do sáng tạo, triển khai thực hiện các ý tưởng, quyết sách của mình.

Việc miễn tội, miễn trách nhiệm hoàn toàn cho cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi khi đó, họ mới thật sự yên tâm, toàn tâm, toàn ý cống hiến tài năng, sáng tạo hữu ích phục vụ cho đất nước, cho nhân dân.

Thực tế hiện có rất ít cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá do sợ vi phạm, sợ bị xử lý, mặc dù việc làm, hành động của họ đều dựa trên cơ sở khoa học, điều kiện cụ thể, thực tế cuộc sống và không hề có chút tư lợi cá nhân.

Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần mạnh dạn trao "kim bài miễn tử" - miễn tội cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Điều này giúp cho cán bộ có tâm huyết, có trí tuệ có cơ sở pháp lý, không gian sáng tạo khi triển khai ý tưởng của mình, giúp ích cho xã hội.

Đây cũng là cách tốt, hiệu quả để phát hiện người tài, sử dụng được người tài đang có các cơ quan nhà nước và cả trong xã hội để đóng góp, phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững, thịnh vượng của đất nước.

                                         ThS Phạm Văn Chung

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum