Thói hư, tật xấu hay “hội chứng” thích được khen:

Nâng cao dân trí để hạn chế thói xấu

(Dân trí) - Sau khi mở ra Diễn đàn “Thói hư tật xấu hay “hội chứng” thích được khen”, Dân trí đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của bạn đọc. Kỳ này, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến của nhà văn Vương Trí Nhàn (tác giả) và những đại diện có liên quan đến việc “chào đời” của cuốn sách này.

Nhà văn Vương Trí Nhàn: Tôi “kêu gọi” sự giúp đỡ của mọi người

Hiện giờ tôi đang phải hệ thống hoá lại bản thảo. Từ những bài đăng báo, cần được tập hợp lại thành một cuốn sách cũng tựa như mình chuẩn bị cắm một bình hoa đẹp, công việc không dễ dàng như mình tưởng ban đầu.

Tôi muốn khi cuốn sách ra đời sẽ là một thứ "cẩm nang" trong các gia đình, để bố mẹ khi nói chuyện với con cái, thầy giáo nói chuyện với học sinh thì cũng đều nhìn lại mình trong đó, rằng dân ta từ trước tới nay là như thế, chứ cũng không có nhiều điều khác biệt.

Theo tôi, không nên nói quá, điều gì cũng phải nghiêm khắc với chính bản thân mình trước rồi mới yêu cầu người khác làm theo. Tôi muốn mình nghiêm khắc với bản thảo của chính mình trước rồi mới lấy đó làm tấm gương cho mọi người soi vào thói hư tật xấu của mình.

Nâng cao dân trí để hạn chế thói xấu - 1
  

Nhà văn Vương Trí Nhàn.

Tôi đã chuẩn bị được 80% bản thảo. Không chỉ là những bài báo tôi đã từng viết, từng sưu tập mà đó là những tài liệu về thói xấu người Việt Nam của các trí thức thế kỷ 19-20 như các cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng.

Có lẽ, bảo đọc lại văn chương của các cụ để rút kinh nghiệm cho bản thân mình, chẳng ai làm nổi nhưng đọc trong cuốn sách này, thói tật gì, trang bao nhiêu thì người ta sẽ làm được ngay.

Tôi nghĩ rằng, đây là một việc đáng làm của một đời người, tôi muốn nhiều người khác cùng tham gia vì đây là vấn đề của xã hội. Tôi đang băn khoăn về tên gọi của đề tài. Thông thường thì gọi là thói hư tật xấu của người Việt Nam, nhưng thực ra nó là trình độ sống, trình độ làm người của người dân mình.

Chúng ta luôn quá nhấn mạnh tính độc đáo của mình, Việt Nam phải khác các nước, cái đó không đúng, cái chính là phải đo bằng tiêu chuẩn thế giới. Điều quan trọng bây giờ là tự nhận thức mình xem anh là người thế nào, anh là ai. Tôi nghĩ đó mới là điều đáng bàn nhất.

Theo thông tin của Dân trí, hiện nay đã có NXB đứng ra nhận "đỡ đầu" cuốn sách khi nó ra đời, suy nghĩ của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng vậy, nhưng vì những lý do tế nhị, cho phép tôi không tiết lộ tên của NXB này. Nhưng thật sự, điều tôi cần ở đây bây giờ là sự giúp đỡ của tất cả mọi người trong xã hội về việc "vạch mặt chỉ tên" những thói hư tật xấu của chúng ta để tôi làm công việc này một cách trọn vẹn. Tôi "kêu gọi" mọi người hãy làm cùng tôi công việc đó.

Đó thực sự là những thói tật làm trì trệ, giảm sút sự phát triển, đi lên của đất nước chứ không phải là những thói hư tật xấu vụn vặt... Sự thật thì nhiều thói xấu lặt vặt sẽ biến con người ta thành khó hợp tác, song nếu để kể hết những thói xấu lặt vặt của chúng ta như kiểu: nhổ nước bọt, vượt đèn đỏ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... thì một cuốn sách chỉ 300 trang là... quá mỏng.

Xưa nay, nhiều người trong chúng ta thường sống với ảo vọng là: ta giỏi, ta tốt, ta đẹp nhưng kì thực có nhiều thói xấu mà ta không biết. Ta có nhìn thấy cái xấu của mình thì mới biết tự "sửa mình". Có "sửa được mình" thì mới tiến bộ được, thì bạn bè quốc tế mới tôn trọng và không đánh giá thấp chúng ta được.

Chưa xong bản thảo nhưng cuốn sách đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của bạn đọc, ông có nghĩ rằng "chiêu thức tiếp thị" này sẽ khiến cho cuốn sách đạt đến sự thành công như ông mong muốn không?

Tôi không cho việc "tiếp thị" sách là xấu. Quan trọng là anh tiếp thị như thế nào, sách của anh ra sao, nói lên được vấn đề gì...?

Một món ăn nhạt nhẽo, một bộ phim buồn tẻ nếu được quảng cáo rầm rộ đến mấy cũng không thể thành công như vị đầu bếp hoặc nhà sản xuất mong muốn. Và tôi hy vọng mình sẽ tránh được điều đó.

Ông Nguyễn Phan Hách (Giám đốc NXB Hội nhà văn): Chất lượng bản thảo phải đạt đủ yêu cầu

Làm sách về thói hư tật xấu là một công việc rất cần thiết và đáng được hoan nghênh. Nói như anh Vương Trí Nhàn, đây không chỉ là việc phê bình những thói hư tật xấu của chúng ta mà thực chất là “trình độ sống, trình độ làm người” của người Việt ta, để từ đó chúng ta có cơ hội nhìn lại mình và bắt kịp đà phát triển của nhân loại.

Về công tác xuất bản, tôi nghĩ, không chỉ với riêng cuốn sách này mà với bất kỳ tác phẩm nào cũng phải đặt ra yêu cầu tối thiểu là: chất lượng bản thảo phải tốt, đạt đủ yêu cầu thì mới được phép xuất bản. Chúng tôi không làm khó dễ cá nhân nào, cũng không ưu ái ai, nhưng thiết nghĩ, cái gì đã là quy định thì chúng ta phải chấp hành.

Đây không chỉ là việc xuất bản một cuốn sách, một tác phẩm mà nó còn có ý nghĩa khuyến khích văn hoá đọc trong thời buổi văn hoá internet lên ngôi như hiện nay.

Vả lại, anh Vương Trí Nhàn cũng chỉ đang làm công việc tập hợp bản thảo, còn cuốn sách thì dự định xuất bản trong 2 năm tới nên chúng ta nên chờ xem thế nào...

Bà Võ Thị Hảo (Công ty Truyền thông Võ Thị): Chúng tối sẵn sàng đứng ra in

Cái quan trọng của người Việt bây giờ là hãy nhìn thẳng vào chính mình, mỗi người sẽ không khá được nếu như không dám nhìn thẳng vào thói hư tật xấu của mình. Làm một cuốn sách như thế là để làm tốt cho mình và cho mọi người, cho xã hội - chứ khi nào mình cũng tự vỗ ngực, cho rằng mình là nhất, mình là số 1 thì chúng ta sẽ nhận lại cho mình thất bại nhiều hơn.

Nâng cao dân trí để hạn chế thói xấu - 2
  

Bà Võ Thị Hảo.

Người ta thường bảo: khi mình thành công ở lĩnh vực gì thì nên cảm ơn kẻ thù của mình, "kẻ thù" ở đây theo nghĩa là những người luôn thách thức mình, nhìn mình bằng con mắt không ưu ái thì mình không muốn bị vùi dập, vấp ngã thì mình phải tự tìm cách đứng lên thôi. Huống chi, làm cuốn sách này là một thái độ tích cực của anh Vương Trí Nhàn với đất nước, với xã hội. Anh ấy chỉ muốn cho đất nước này tốt đẹp hơn, mọi người tốt đẹp hơn lên.

Trở ngại có thể đến từ bên ngoài cuộc sống của chúng ta hoặc xuất phát từ bên trong là bản chất, tính cách của con người ta. Trở ngại từ "bên trong" mới là điều khó vượt qua nhất. Chừng nào mỗi chúng ta vượt qua được cái "tôi" bản ngã "bên trong" ấy thì chúng ta sẽ sống một cuộc sống khác, có tương lai, mới mẻ hơn.

Chúng ta luôn tự hào vỗ ngực, tự tin về sự ưu đãi của thiên nhiên, con người, về những phẩm chất cao đẹp nhất từng phát lộ, trở thành truyền thống, thành vốn liếng quý báu của cả dân tộc... nhưng vấn đề là chúng ta cũng phải có tự trọng. Có được những cái đó sẽ kết hợp với nhau để cùng khắc phục nhược điểm của cá nhân mình.

Nếu như anh Vương Trí Nhàn còn khó khăn trong công việc xin giấy phép, in ấn thì Công ty Võ Thị rất sẵn sàng đứng ra nhận lời làm việc này. Chúng tôi cũng chỉ vì mục đích muốn cùng lý giải nguyên nhân của những thói tật đó, đồng thời đề xuất hình thức, phương pháp sửa chữa, loại bỏ dần những tính cách và "căn bệnh" có hại cho sự phát triển, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhóm PV Diễn đàn