Nâng cao chất lượng giáo dục bắt đầu từ giáo viên

(Dân trí) - Bàn về nâng cao chất lượng giáo dục cho đến nay không còn là của riêng ngành giáo dục, mà của tất cả những ai quan tâm đến giáo dục. Từ góc nhìn của người giáo viên, tôi mạnh dạn khẳng định rằng: chất lượng giáo dục bắt đầu từ giáo viên.

Nâng cao chất lượng giáo viên sẽ là khâu đột phá mạnh, thúc đẩy phát triển chất lượng giáo dục. Biết rằng để nâng cao chất lượng giáo dục phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, nhiều yếu tố. Nhưng chúng ta phải biết chọn yếu tố trực tiếp quyết định chất lượng giáo dục. Theo tôi đó là giáo viên. Vì vậy phải phấn đấu bằng nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo viên. Chất lượng giáo viên cần phải đảm bảo trên ba phương diện:

 

Thứ nhất là chất lượng chuyên môn của giáo viên. Chuyên môn của một người thầy giỏi thì sẽ đào tạo ra nhiều thế hệ trò giỏi.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Điều này hiển nhiên như một chân lí, từ bậc tiểu học lên đại học và sau đại học. Bởi quá trình nhận thức của con người như những nấc thang, ngày càng cao.

Ở đây không có nghĩa là quá đề cao vai trò của người thầy, trong khi chúng ta đang lấy học trò làm trung tâm của quá trình dạy và học.

Nói như vậy để người dạy ý thức được vai trò, vị trí của mình đối với người học. Vì có không ít giáo viên khi thấy chất lượng giáo dục thấp thì đổ lỗi cho người học. Giải pháp để nâng cao chất lượng chuyên môn của người thầy chủ yếu là ở khâu đào tạo người thầy.

 

Thứ hai là chất lượng phẩm chất đạo đức của giáo viên. Phẩm chất đạo đức mọi người thường có cả mặt tốt và chưa tốt, nhưng đối với giáo viên, mặt tốt phải là cơ bản để cho học sinh noi theo. Vì chúng ta nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, không chỉ là tri thức văn hoá mà cả đạo đức, nhân cách. Người thầy có ảnh hưởng không nhỏ đối với học sinh. Vì vậy khi gánh trách nhiệm vinh dự là người thầy thì phải luôn ý thức được điều này.
 
Nâng cao chất lượng giáo dục bắt đầu từ giáo viên - 1

Cần có chính sách quan tâm nhiều hơn tới việc chăm lo đời sống của đội ngũ giáo viên để thu hút nhân tài cho ngành sư phạm (nguồn ảnh: intermet)
 

Thứ ba là chất lượng cuộc sống giáo viên có ảnh hưởng lớn tới chất lượng giáo dục. Mức lương chưa đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày thì dễ xảy ra tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”, vì giáo viên cũng phải sống và có trách nhiệm với gia đình.

Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, môi trường giáo dục không thể không chịu ảnh hưởng. Đảng và Nhà nước cần có chính sách quan tâm nhiều hơn tới việc chăm lo đời sống của đội ngũ giáo viên. Điều này làm chưa tốt còn có ảnh hưởng lớn đến việc thu hút những học sinh giỏi vào ngành sư phạm.

 

Trường ĐHSP Hà Nội năm 2007, điểm chuẩn SP Toán là 22đ, SP Hoá 24đ, SP Lý 24đ. Năm 2009 trường ĐHSP Hà Nội ngành có điểm chuẩn cao nhất là Lịch sử: 22.5đ, nhiều ngành dưới 20đ. Hoặc trường ĐHSP Đà Nẵng năm 2009 điểm chuẩn SP Toán là 18đ, Lý 14.5đ, SP Hoá 17đ và nhiều ngành có điểm chuẩn bằng điểm sàn. Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh năm 2009 điểm chuẩn các ngành SP Tin, Sử, Sinh, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục chính trị là 15.5đ (số liệu từ mạng Internet).

Như vậy, vấn đề đặt ra cho công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước sẽ như thế nào khi những “người thầy tương lai” mà điểm thi đầu vào thấp xa so với các ngành khác? Sau này những người thầy ấy có đủ “tầm” và “tâm” để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước?

 Đặt ra vấn đề này, người viết muốn nhấn mạnh đến một tương lai xa hơn khi xã hội, đất nước cần những người thầy tài giỏi, thì ở ngành sư phạm lại rất hiếm. Bởi vì cứ như hiện nay những học sinh khá, giỏi không nộp hồ sơ dự thi vào ngành sư phạm, vì học xong xin được việc đã khó, nếu xin được thì lương cũng không đủ sống.

Hơn nữa, học sư phạm mà không xin được đi dạy học thì cũng khó mà xin được vào ngành khác. Tôi được biết tâm lý lớp trẻ hiện nay cũng như các bậc phụ huynh (kể cả những người đang là thầy cô giáo) đều hướng cho con vào những ngành nghề dễ kiếm ra tiền, còn hầu như không ai muốn thi vào ngành sư phạm để gắn bó suốt đời với nghề làm thầy, cô giáo.

 Với tình hình như vậy thì làm sao có thể phát triển được sự nghiệp giáo dục cho xứng tầm với giai đoạn mới, nếu không kịp thời quan tâm nhiều hơn đến khâu đào tạo ngành sư phạm cũng như chăm lo tốt hơn đời sống cho đội ngũ giáo viên.

 

                                                                                                     Hồ Quỳnh

                                                   Trường THPT Quỳnh lưu 1 Q.Lưu Nghệ An 

 
LTS Dân trí - Chúng ta không thể hài lòng về chất lượng giáo dục những năm vừa qua và càng thấy lo hơn cho tương lai nền giáo dục nước nhà, khi lớp trẻ ngày nay vẫn “quay lưng” lại với nghề sư phạm.

 

Từ xa xưa, ông cha ta đã khẳng định: “Không Thầy đố mày làm nên!” hay “Thầy nào trò nấy”. Những lời răn dạy ấy đã khẳng định vai trò quyết định của người Thầy đối với quá trình giáo dục. Chân lý đó là hiển nhiên và mãi mãi trường tồn.

 

Thấm nhuần chân lý đó cũng như từ thực tế giảng dạy của bản thân, tác giả bài viết trên đây đã nêu lên việc phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục phải lấy khâu đột phá là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng những biện pháp đồng bộ từ khâu đào tạo, cho đến việc chăm lo đời sống và tạo điều kiện làm việc  để các thầy cô giáo có thể tập trung sức lực và tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”.

 

Nghị quyết của Đại hội lần XI của Đảng đã chỉ rõ: …Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới cơ bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục là một trong ba khâu đột phá của đất nước trong giai đoạn tới.

 

Rõ ràng, muốn “đổi mới cơ bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục” cũng phải bắt đầu từ việc chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên.