Vụ án “Cố ý gây thương tích” ở Phú Quốc (Kiên Giang):
Nạn nhân tiếp tục tố cáo dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
(Dân trí) - Bản án phúc thẩm số 126/2012/HSPT của TAND tỉnh Kiên Giang đã sửa một phần án sơ thẩm, nhưng người bị hại là ông Phạm Văn Sỹ vẫn tiếp tục làm đơn tố cáo dấu hiệu tiếp tay và bỏ lọt tội phạm trong vụ án đánh người gây thương tích xảy ra ngày 17/6/2011.
Trước đó, ngày 23/12/2011,TAND huyện Phú Quốc đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 17/6/2011. Tại phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt Nguyễn Trọng Đạt và Trần Tuấn Kiệt mỗi bị cáo 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho người bị hại số tiền trên 12,7 triệu đồng.
Đến ngày 5/1/2012, người bị hại là ông Phạm Văn Sỹ có đơn kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm; đề nghị truy tố Đoàn Minh Đông và Phạm Văn Lưu cùng đồng phạm và tăng tiền bồi thường; không cho bị cáo Đạt và Kiệt được hưởng án treo.
Tại phiên xử, HĐXX phiên phúc thẩm cho rằng hành vi của bị cáo Đạt và Kiệt đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác, gây khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bị hại và còn làm mất trật tự trị an ở địa phương.
Về phía bị cáo Trần Tuấn Kiệt, HĐXX nhận định, mức hình phạt mà tòa cấp sơ thẩm quyết định là đã có xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên mức hưởng án treo là thỏa đáng.
Đối với bị cáo Nguyễn Trọng Đạt đã từng bị TP. Rạch Giá (Kiên Giang) ra quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh (là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy) nên không đủ điều kiện cho bị cáo Đạt được hưởng án treo.
Đối với 2 bị cáo Đoàn Minh Đông và Phạm Văn Lưu, HĐXX cũng cho rằng Đông và Lưu chỉ dùng tay tiếp sức Đạt đánh trả ông Sỹ nhưng không gây thương tích. Thương tích của người bị hại do bị cáo Đạt và Kiệt gây nên là độc lập với hành vi của Đông và Lưu nên CQĐT đã xử lý vi phạm hành chính đối với Đông, Lưu.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cũng cho rằng tổng các khoản hơn 12,7 triệu đồng mà tòa sơ thẩm quyết định buộc các bị cáo Đạt và Kiệt bồi thường cho ông Sỹ là phù hợp với pháp luật.
Ngày 7/1/2013, ông Phạm Văn Sỹ tiếp tục gửi đơn tố cáo đến báo Dân trí với nội dung đề nghị làm rõ việc Cơ quan điều tra - Công an huyện Phú Quốc, Viện KSND huyện Phú Quốc có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 17/6/2011.
Đơn của ông Sỹ cho biết, qua 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Phú Quốc và TAND tỉnh Kiên Giang, ông vẫn chưa cảm thấy thỏa đáng. Trong quá trình điều tra, Công an Phú Quốc đã cố tình chia nhỏ hiện trường vụ án thành từng khúc, từng đoạn làm sai lệch nội dung giấy tờ, cố tình ém đi những tài liệu liên quan đến tiền án, tiền sự nhằm bao che cho tội phạm. Phía Viện KSND và TAND huyện Phú Quốc cũng có sự đồng tình làm cho vụ án khuất tất, chưa đúng người đúng tội theo quy định của pháp luật.
Là người bị hại, nhưng ông Sỹ lại không được nhận kết quả điều tra của cơ quan tố tụng. Trong quá trình điều tra, người bị hại liên tục có đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết, lại đưa vụ án ra xét xử.
5 người đánh ông Sỹ đã chủ động đem theo hung khí nguy hiểm, việc hành hung được thực hiện có tổ chức sắp xếp, nhưng Công an huyện Phú Quốc cố chỉ ra quyết định số 187/QĐ – XPHC phạt hành chính với người bị đánh là 1.500.000đ, trong khi các đối tượng tổ chức đánh ông Sỹ chỉ phạt 700.000đ.
Thương tật của ông Phạm Văn Sỹ được cơ quan pháp y giám định là 12%, nhưng ông Trần Văn Dũng Phó trưởng Công an huyện Phú Quốc đã ra công văn số 129 TB – CQĐT trả lời cơ quan báo chí là 8%. Rồi sau này ông Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng Công an huyện huyện Phú Quốc lại công văn số 190TB- CQĐT trả lời đính chính thiếu thuyết phục là “do sơ suất trong khâu đánh máy”.
Ngày 22/4/2008, bị can Nguyễn Trọng Đạt đang thực hiện Quyết định số 249/QĐ - UBND của Chủ tịch UBND Thành phố Rạch Giá. Nhưng sau đó, ngày 4/5/2008 thì có Quyết định số 264/QĐ - UBND tạm hoãn thi hành 6 tháng. Sau đó Đạt phải đi vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội Kiên Hảo - tỉnh Kiên Giang, nhưng vẫn không thực hiện, trước khi bỏ trốn ra Phú Quốc rồi gây ra vụ hành hung.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra ông Trần Văn Dũng Phó trưởng Công an huyện, ông Vương Quốc Diệu kiểm sát viên, và ông Nguyễn Hoàng Hà Viện trưởng Viện KSND huyện Phú Quốc lại kê khai cho Đạt có thêm một hộ khẩu thường trú tại huyện đảo Phú Quốc, từ đó dẫn đến việc làm sai lệch hồ sơ. Theo lời ông Phạm Văn Sỹ, việc “bỏ quên” Quyết định số 249/QĐ - UBND của Chủ tịch UBND Thành phố Rạch Giá, Quyết định số 264/QĐ-UBND tạm hoãn thi hành án 6 tháng đưa đối tượng Đạt vào Trung tâm giáo dục lao động là nguyên nhân khiến HĐXX đưa ra bản án thiếu khách quan khi cho rằng Đạt có nhân thân tốt và chưa từng có tiền án, tiền sự.
Trước ngày xét xử phúc thẩm, ngày 12/6/2012, ông Phạm Văn Sỹ làm đơn đề nghị gửi Viện trưởng Viện KSND tỉnh Kiên Giang, đề nghị xem xét lại hồ sơ để làm rõ dấu hiệu bỏ sót tội phạm trong vụ án. Tuy nhiên, nội dung đơn đề nghị của người bị hại đã không được xem xét thấu đáo.
Trong đơn tố cáo gửi đến báo Dân trí, ông Phạm Văn Sỹ khẳng định việc truy tố của Viện KSND huyện Phú Quốc là đúng, nhưng việc truy tố chưa phải đã đúng người, đúng tội đối với những đối tượng liên quan. Một lần nữa, ông Sỹ đề nghị Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và các cơ quan chức năng xem xét lại hồ sơ vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 17/6/2011, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương